‘Cà chớn, anh đừng đi’: Nhẹ nhàng nhưng thiếu chiều sâu

19/05/2019 - 15:30

PNO - Câu chuyện tình yêu trong phim được xây dựng theo mô tuýp lãng mạn thường thấy, nhưng cách thể hiện và diễn xuất của diễn viên không đủ giúp người xem thoả mãn.

Đề tài về tình yêu đôi lứa vẫn là vùng đất an toàn với điện ảnh Việt. Mùa hè năm nay, đạo diễn Đỗ Cường góp thêm một nét chấm cho phim Việt với tác phẩm Cà chớn, anh đừng đi. Phim viết nên bản tình ca nhẹ nhàng về tình cảm lứa đôi được đặt trong mâu thuẫn về mối quan hệ gia đình của hai nhân vật chính.

Tuệ Nhi (Kiều Trinh thủ vai), cô sinh viên 20 tuổi đang theo học ngành sáng tác âm nhạc, tìm cách viết một bài nhạc thật hay để trở thành “hit”. Tuệ Nhi mồ côi mẹ, bị bệnh tim từ nhỏ và từng trải qua một lần đổ vỡ vào năm 18 tuổi khiến cô suýt mất mạng vì lên cơn đau tim.

‘Ca chon, anh dung di’: Nhe nhang nhung thieu chieu sau
Tuệ Nhi (Kiều Trinh đóng) và Hải Sơn (Xuân Phúc thủ vai) là hai nhân vật chính trong phim.

Trailer Cà chớn, anh đừng đi:

Chàng trai trong câu chuyện tình này là Hải Sơn (diễn viên Xuân Phúc đóng), xuất thân trong một gia đình khá giả với ba là họa sĩ, mẹ là nhà văn. Sơn sớm theo đuổi đam mê vẽ tranh và trở thành họa sĩ. Tuy nhiên, cuộc đời anh lại rơi vào bi kịch khi cả gia đình bị tai nạn giao thông. Sơn may mắn thoát chết, cha qua đời, còn mẹ anh phải sống đời thực vật. Tiền của trong gia đình lần lượt đội nón ra đi khiến Sơn từ một chàng họa sĩ thư sinh, điển trai giờ mang vẻ ngoài gai góc, nhuốm bụi đời.

Cuộc gặp ban đầu của Tuệ Nhi và Hải Sơn mang đầy những hiểu lầm, nhưng những lần gặp gỡ như oan gia lại là chiếc cầu nối để mang họ đến gần với nhau hơn. Cuối cùng, tình yêu của đôi trẻ bị thử thách bởi những mâu thuẫn trong quá khứ khi lớp màn bí mật được vén lên...

‘Ca chon, anh dung di’: Nhe nhang nhung thieu chieu sau
Cảnh mở đầu phim cho thấy mối quan hệ "oan gia" giữa hai nhân vật chính.

Cà chớn, anh đừng đi vẫn đi theo mô tuýp lãng mạn thường thấy ở những phim lấy chủ đề về tình yêu. Tác giả đặt ra vấn đề giữa tình yêu và tình cảm gia đình, lòng vị tha, bao dung của con người giữa những lằn ranh trong cuộc sống. Ranh giới sáng - tối, đúng - sai đều được giải quyết bằng chữ tình và sự cảm thông. Toàn bộ câu chuyện được xây dựng như một bài thơ nhẹ nhàng, ít chi tiết lên gân. Mâu thuẫn cũng được nhẹ nhàng hoá. Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà nhịp điệu của phim bị dãn đều, đôi lúc khiến người xem bị “rơi” ra khỏi mạch phim.

Đôi lúc lại thấy rõ màu sắc của phim truyền hình với lối diễn giải mang tính trực diện, thiếu hàm ý. Phần thoại của nhân vật quá nhiều mà thiếu cảm xúc, khoảnh khắc - nét đặc trưng của điện ảnh. Câu chuyện chủ yếu được truyền tải theo một chiều từ quá khứ đến hiện tại cũng là điều khiến phim kém thu hút. Những chi tiết hồi tưởng để lần giở thắt nút hay đẩy cảm xúc người xem chưa thực sự hiệu quả bởi kỹ thuật và sự thể hiện còn “non”.

Cà chớn, anh đừng đi cho thấy một góc nhỏ trong cuộc sống với những câu chuyện đời thường gần gũi trên nền khung cảnh quen thuộc của Sài Gòn. Tuy nhiên, những điều bình dị này không được thể hiện bằng ngôn ngữ điện ảnh trọn vẹn do cảnh quay đôi chỗ còn thiếu đặc sắc. Trước tác phẩm này, nhiều phim khác cũng đã chọn Sài Gòn làm bối cảnh chính. Vì thế, việc tìm tòi cái mới để làm bật lên so với những người đi trước là điều thực sự cần, nhưng đoàn phim đã không làm được. Chưa có những khung hình đủ khiến người xem trầm trồ hay tấm tắc khen ngợi và tìm thấy những cảm xúc mới giữa một Sài Gòn quen thuộc.       

‘Ca chon, anh dung di’: Nhe nhang nhung thieu chieu sau
Bối cảnh phim thiếu sự đặc sắc khi khai thác không gian chính của Sài Gòn.

Một nguyên nhân lớn khiến phim chưa trọn vẹn là sự thiếu logic, thiếu thuyết phục trong cách giải quyết các tình huống thắt nút. Mọi việc diễn ra quá nhanh khiến người xem chưa đủ tin cảm xúc của nhân vật là thật. Mâu thuẫn trong phim được giải quyết có phần hời hợt, thiếu chiều sâu khiến cảm xúc của khán giả bị hẫng. Một số tình huống khi hết phim vẫn chưa tìm được điểm kết hợp lý. Tương lai của ca khúc mà Hải Sơn viết lời cho Tuệ Nhi đi về đâu? Tuệ Nhi có phải một cô gái thực tài? Hải Sơn trong những năm xa cách Tuệ Nhi đã ra sao?... vẫn là những câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Cà chớn, anh đừng đi cũng bước vào guồng quay đãi cát tìm vàng mà nhiều nhà sản xuất (NSX) đang áp dụng - khi những gương mặt chính đều không bảo chứng cho phòng vé. Điều tích cực ở đây là khán giả có thể bị kích thích trí tò mò bởi yếu tố tươi mới. Nhưng với NSX lại là thử thách lớn khi phim ra thị trường. Nếu như nam chính, diễn viên Xuân Phúc có được vai diễn khá trọn vẹn, thể hiện tốt hình ảnh một chàng trai gai góc nhưng tâm hồn lãng mạn thì nữ diễn viên chính lại gây nên sự khập khiễng, chênh vênh quá lớn.

‘Ca chon, anh dung di’: Nhe nhang nhung thieu chieu sau
Nam chính Xuân Phúc có phần diễn xuất khá trọn vẹn trong phim.

Ở những phân đoạn cần sự trẻ trung của tuổi đôi mươi, Kiều Trinh làm khá tốt, nhưng không đủ bù đắp lại khoảng hụt về chiều sâu cần có của nhân vật nữ trong phim. Qua nhiều tình huống, Kiều Trinh cho thấy rõ sự non nớt, thiếu trải nghiệm trên màn ảnh. Dẫu rằng, hình ảnh một cô gái tuổi đôi mươi khi bước vào đường yêu sẽ khó có trải nghiệm đong đầy như phụ nữ tuổi 30, nhưng chí ít vẫn cần chiều sâu trong tâm hồn để đủ lay động khán giả. Điều này, Kiều Trinh không làm được. Đài từ của nữ chính cũng là một điểm trừ nhỏ khiến cảm xúc của người xem bị vơi đi.

‘Ca chon, anh dung di’: Nhe nhang nhung thieu chieu sau
Nữ chính Kiều Trinh diễn xuất thiếu chiều sâu khiến mạch phim ảnh hưởng khá nhiều.

Trong khi đó, dàn diễn viên phụ như Đức Hải, Trang Hí, Ngân Quỳnh... chỉ ở mức tròn vai, không tạo nên lớp nền đủ chắc để nâng đỡ diễn viên chính như một số phim trước đó đã làm được như Chị trợ lý của anh, Trạng Quỳnh...

chỉ dừng lại ở một tác phẩm nhẹ nhàng, đủ để xem nhưng thiếu  những cảm xúc sâu sắc. Phim chính thức ra rạp từ ngày 17/5.

Thuỵ Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI