Xóa bỏ khuôn mẫu giới để có bình đẳng thực sự

20/10/2022 - 05:54

PNO - Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm Mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới. Tuy nhiên, bất bình đẳng giới vẫn tồn tại trong đời sống...

Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm Mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ. Tuy nhiên, bất bình đẳng giới vẫn tồn tại trong đời sống, ăn sâu vào nếp sống và suy nghĩ của cả nam giới lẫn nữ giới.

Bất bình đẳng từ cả hai giới

Bà Nguyễn Thị L. - tiểu thương, ở H.Thường Tín, TP.Hà Nội - mất chồng gần 20 năm qua, một thân một mình nuôi 2 đứa con ăn học rồi dựng vợ gả chồng cho con. Con trai bà sinh 2 trai, con gái bà sinh 2 gái. Gần 1 năm nay, bà Lộc dò hỏi nhiều người về việc nhờ y học can thiệp để con gái bà sinh được con trai. Bà nói: “Nhà nội chỉ mình chồng nó là trai. Nếu không sinh được con trai, nhỡ chồng nó bỏ đi lấy người khác thì…”. 

Là đồng hương H.Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, vợ chồng chị Lê Thị Dung quen nhau khi học đại học ở TP.Hà Nội. Sau khi kết hôn, anh chị mua đất, cất nhà ở thị trấn Nga Sơn. Như thế cũng là thành công so với nhiều bạn bè đồng lứa. Điều khiến cả hai không bằng lòng là chỉ có con “một bề”. 

Cần xóa bỏ khuôn mẫu giới để có bình đẳng thực sự (Ảnh minh họa)
Cần xóa bỏ khuôn mẫu giới để có bình đẳng thực sự (Ảnh minh họa)

 

Khi 2 cô con gái vào tiểu học, anh chị quyết định nhờ y học can thiệp để sinh thêm con trai. Hiện 2 cậu bé sinh đôi đã đi nhà trẻ. Một mình chị Dung vừa lo công việc, vừa chăm sóc, đưa đón 4 đứa con học hành. Chị thừa nhận: “Tôi thường xuyên bị căng thẳng nhưng vẫn thấy tốt hơn so với lúc chịu áp lực không có con trai”.

Ngay ở trung tâm TP.Hà Nội, cũng có nhiều cặp vợ chồng tìm đến sự giúp đỡ của y học để sinh con trai sau khi đã có 2-3 con gái. Chị Trần Thị An (P.Hạ Đình, Q.Thanh Xuân) có 3 cô con gái tâm sự: “10 người hỏi thăm thì cả 10 người cùng khuyên tôi nên nhờ y học can thiệp để sinh thêm cậu con trai...

Nếu những người làm cha, mẹ còn áp đặt tư tưởng trọng nam khinh nữ lên các con mình thì làm sao đòi hỏi sự bình đẳng giới cho con hay cho chính mình ở ngoài xã hội”. 

Thế nhưng, chị An cũng không giấu giếm: “Mấy năm gần đây, đồng nghiệp, người quen của chồng tôi đã có 4-5 cặp sinh thêm được con trai nhờ y học. Hiện tại, vợ chồng tôi không coi trọng việc phải có con trai, nhưng tôi không dám chắc chồng mình có giữ vững lập trường không…”.

Từ nhỏ đã “nằm lòng” khuôn mẫu giới

Bé Ngọc Minh - học lớp Một, ở Q.Ba Đình, TP.Hà Nội - kể: “Con ở trường, mấy anh lớp Ba đi phía sau bảo con là trai. Khi con quay lại, các anh nói: “Con gái mà đeo ba lô màu đen pha xanh lá”. Con thấy màu xanh đẹp nhưng các bạn nữ lớp con lại thích màu hồng”. 

Nội dung phải đầy đủ!!!Rất nhiều bạn chọn ngành nghề không theo sở thích, đam mê và năng khiếu của mình mà theo những ngành phù hợp với những quan niệm sẵn có 
của xã hội, rằng nghề này là của phụ nữ, nghề này dành cho đàn ông. Thế nên, rất hiếm nữ học ngành cơ điện tử, kỹ thuật ô tô, rất hiếm nam học ngành giáo dục mầm non.
Ông Nguyễn Tường Lâm   

Thụy Nguyên - nam sinh lớp Năm, ở H.Thường Tín, TP.Hà Nội - nói:  “Lớp cháu học thêu, lúc về nhà thực hành thì bố bảo “làm đại khái thôi, mấy việc này là của con gái”.

Chị Ngô Minh Hồng (Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội) tháo vát, giỏi lo kinh tế, còn chồng lại khéo chăm con, trồng cây và không nề hà việc dọn dẹp nhà cửa, bếp núc. Anh chị đều thấy vui vẻ với vai trò mà nhiều người xem là “ngược giới” đó. Thế nhưng, khi ông bà nội ở quê lên chơi, thấy anh Linh vào bếp nấu nướng, rửa bát, ông bà đều nói: “Việc trong bếp không phải của đàn ông”. Thậm chí, ông bà nội còn nói với cháu: “Cháu của ông bà sau này đầu đội trời, chân đạp đất chứ không chui vào bếp như bố Linh đâu”. 

Chị Hồng tâm sự: “Tôi đã giải thích với cháu rằng, nấu ăn để không bị đói, dọn dẹp nhà cửa để được ở sạch, đó là những kỹ năng mà ai cũng cần biết.

Nhưng có lẽ cháu nghe ông bà và nhìn nhiều nhà xung quanh nên hễ tôi sai cháu nhặt rau, rửa bát là cháu vùng vằng, cho rằng đó là việc của con gái”.

Học sinh H.Phong Thổ, tỉnh Lai Châu tham gia buổi truyền thông cho thanh thiếu niên về xóa bỏ tảo hôn, 'trao quyền cho em gái - ẢNH: P.I.V.
Học sinh H.Phong Thổ, tỉnh Lai Châu tham gia buổi truyền thông cho thanh thiếu niên về xóa bỏ tảo hôn, 'trao quyền cho em gái" - ẢNH: P.I.V.

Khuôn mẫu giới bị “đúc” từ nhỏ ảnh hưởng đến việc chọn ngành nghề sau bậc phổ thông của trẻ. Trong chương trình truyền thông “Thay đổi định kiến giới trong lựa chọn nghề nghiệp” diễn ra tại Trường THPT Chu Văn An (TP.Hà Nội) mới đây, ông Nguyễn Tường Lâm - Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam - cho biết, 5 năm qua, tổ chức Đoàn đã tư vấn hướng nghiệp cho 12,8 triệu lượt thanh thiếu niên để tránh lựa chọn sai.

Ở một góc nào đó, không chỉ có phụ nữ là nạn nhân của sự bất bình đẳng giới. Trần Trọng B. - sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội - cho biết do hoàn cảnh gia đình nên anh hiểu về sự bất bình đẳng giới hơn nhiều bạn bè. B. là con út, có 5 chị gái. Từ nhỏ đến lớn, B. thường xuyên nghe bố nói “sau này, bố mẹ chỉ biết trông vào con” hoặc “bố mẹ chỉ có mình con thôi”, “con là trụ cột của gia đình ”. B. kể, trong làng có mấy đứa con út là trai, hầu hết sớm hư hỏng do được nuông chiều thái quá. 

B. tâm sự: “Quần áo, đồ dùng học tập, phần ăn của tôi luôn được ưu tiên hơn các chị, việc học hành cũng được quan tâm hơn”. Thế nhưng, B. luôn thấy mình có lỗi với các chị. Hết bậc THCS,  chị cả của B. đã phải nghỉ học, sớm thành lao động chính trong nhà. Lần lượt chị thứ hai, thứ ba cũng bỏ học giữa chừng, đi làm công nhân để phụ cha mẹ nuôi B. ăn học. 

B. nói: “Chị thứ ba, thứ tư học tốt, nhưng bố tôi bảo con gái học nhiều cũng không làm được trò trống gì. Các chị không trách, nhưng tôi chưa bao giờ dám nhìn thẳng vào mắt các chị. Lúc nào tôi cũng mang cảm giác mắc nợ, vì mình mà các chị phải chịu sự cư xử bất công của bố mẹ”.

Phải tháo bỏ khuôn mẫu giới 

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược bình đẳng giới (theo Chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020), khoảng cách giới trong các lĩnh vực dần được thu hẹp. 

Theo đó, Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động, đứng thứ 60 trên thế giới, đứng thứ tư ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện của Hiệp hội Các nước Đông Nam Á về tỷ lệ nữ tham gia cơ quan dân cử. Việt Nam cũng đứng thứ ba trong khu vực ASEAN và thứ 47/187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng về tỷ lệ nữ tham chính và làm quản lý.

Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm Mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ. Việt Nam cũng đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự về phát triển bền vững đến năm 2030, trong đó có các mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. 

Đánh giá cao thành tích đạt được về bình đẳng giới của Việt Nam, nhưng UNDP tại Việt Nam cũng cho hay, Việt Nam vẫn còn xếp thứ 65/162 quốc gia và vùng lãnh thổ về chỉ số bất bình đẳng giới, xếp thứ 87/156 về chỉ số thu hẹp khoảng cách giới. Việt Nam có 59,6% lao động nữ làm công việc dễ bị tổn thương, trong khi tỷ lệ này ở nam giới chỉ là 31,8%. Nạn ngược đãi phụ nữ vẫn còn, nhất là ở những vùng có dân trí chưa cao. 

Theo giáo sư Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các Vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế Quốc Dân), để chấm dứt tình trạng bất bình đẳng giới, trước hết, mỗi gia đình cần nâng cao chất lượng giáo dục, tuyên truyền với cả 2 giới; cha mẹ, ông bà cần giáo dục các con về sự bình đẳng, đồng thời đối xử bình đẳng giữa con trai và con gái, cháu trai, cháu gái. Công tác giáo dục về giới cần được tăng cường trong nội dung đào tạo cho thanh thiếu niên, từ đó thay đổi nhận thức, hành vi ứng xử trong gia đình và ngoài xã hội.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, bất bình đẳng giới ở nước ta là do ảnh hưởng của Nho giáo. Tuy nhiên, theo phó giáo sư - tiến sĩ nhân học Phạm Quỳnh Phương (Viện Nghiên cứu văn hóa,  thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), nguyên nhân bất bình đẳng giới ở nước ta không hoàn toàn do ảnh hưởng của Nho giáo, bởi hệ tư tưởng của Nho giáo chủ yếu tác động vào tầng lớp trung lưu, khoa cử. 

Theo bà, định kiến giới gắn với những đặc tính của giới, còn khuôn mẫu giới là những kỳ vọng mà xã hội đặt ra cho người nam hoặc người nữ. Để có bình đẳng thực sự, trước hết, phải gỡ bỏ khuôn mẫu giới. 

Minh Tuệ

Khuôn mẫu, định kiến tạo áp lực cho cả nam lẫn nữ

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) - cho rằng, khuôn mẫu giới khiến phụ nữ phải đối mặt với những áp lực lớn. Nếp nghĩ “việc nhà là của phụ nữ”, “phụ nữ không cần học quá cao” là rào cản tước đi nhiều cơ hội của phụ nữ. Bà cho rằng, với những khuôn mẫu cũ, không còn phù hợp với sự vận động, phát triển của xã hội cần phải được hiểu theo hướng khác đi.

Chẳng hạn, trong xã hội hiện đại, khái niệm “đảm đang” cần được hiểu là năng động, tự tin chứ không nhất thiết phải đích thân làm việc nhà. 

Bà Ngô Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ - nhận định, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong xóa bỏ bất bình đẳng giới, nhưng vẫn còn nhiều yếu tố cần được giải quyết để xóa bỏ triệt để bất bình đẳng. Việt Nam có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động cao nhưng khuôn mẫu giới, định kiến giới lại là gánh nặng khi phụ nữ tham chính hoặc làm quản lý doanh nghiệp. Họ vừa phải nỗ lực hoàn thành vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình, vừa phải hoàn thành vai trò người lãnh đạo, người lao động trong khi thời gian và sức khỏe có hạn.

Theo bà, khuôn mẫu giới và định kiến xã hội cũng khiến nam giới gặp nhiều khó khăn. Quan niệm “đàn ông là trụ cột gia đình” khiến họ phải gồng mình; quan niệm “đàn ông phải mạnh mẽ”, “đàn ông không được yếu đuối” khiến họ phải âm thầm chịu đựng, không dám lên tiếng về những bất công của giới mình.

Cần thúc đẩy thực thi chính sách về bình đẳng giới

Hiện nay, công tác bình đẳng giới đã có nhiều kết quả rõ nét khi nhiều chị em phụ nữ giữ vai trò then chốt trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa, đặc biệt là đối với chị em lao động nữ, những chị em còn kém may mắn trong cuộc sống. Đặc biệt, phải quan tâm giáo dục bình đẳng giới cho các thành phần xã hội để tạo điều kiện phát huy vai trò phụ nữ để bình đẳng giới thực chất, toàn diện hơn.

Trong thời gian qua, Hội Phụ nữ nói chung và Hội phụ nữ TPHCM nói riêng đã có rất nhiều nỗ lực và sáng tạo trong cách làm để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong thực hiện công tác bình đẳng giới. Song, Hội vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn bởi phải quán xuyến rất nhiều lĩnh vực. Do đó, để hỗ trợ, tạo điều kiện cho Hội làm tốt công tác này, tôi cho rằng chính quyền, phía quản lý nhà nước phải thực thi tốt những chính sách đã có. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ phải tăng cường vai trò giám sát của mình để vừa phản biện vừa thúc đẩy thực thi các chính sách để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ.

Bà Võ Thị Dung - nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM

Bình đẳng không phải là hơn thua giữa nam và nữ

Trước đây, bình đẳng giới là quan điểm hơn - thua giữa nam và nữ. Hiện nay, chữ “giới” mang tính bao trùm hơn, đó là sự bình đẳng trong tính dung hợp. Điều đó cho thấy, nhận thức chung về bình đẳng giới trong xã hội đã được cải thiện. Tuy nhiên, điều đó cũng đòi hỏi các bên liên quan cần nỗ lực hơn nữa. 

Bình đẳng giới không chỉ dừng lại ở câu chuyện tuyên truyền để nâng cao quyền của phụ nữ, hay trong sự cố gắng phân bổ làm sao cho có sự hài hòa giữa các giới mà cần phải được nhìn ở góc độ đầy đủ hơn, hướng đến quyền con người, không phân biệt giới tính. Một xã hội bình đẳng đúng nghĩa là khi mỗi người đều có cơ hội phát triển như nhau. 

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội

Vun đắp yêu thương, khơi gợi sự chia sẻ

Trong một lần truyền thông ở khu lưu trú công nhân, tôi rất ấn tượng với hình ảnh một người chồng kiên nhẫn bế con suốt cả buổi để người vợ thoải mái ngồi nghe. Sau đó, khi đặt ra câu hỏi: "Theo anh chị, làm sao để thực hiện bình đẳng giới?", tôi đã chuẩn bị sẵn cho mình những đáp án mang tính lý thuyết chung. Nhưng không, một người đàn ông đứng lên nói: “Bình đẳng giới trong gia đình tụi tôi đơn giản là ai đi làm về trước thì người đó nấu cơm".

Câu trả lời khiến tôi mừng như bắt được vàng: “bình đẳng giới là vậy mà!”. Từ đó, khi truyền thông về bình đẳng giới, chúng tôi không còn chủ trương làm điều gì lớn lao nữa mà cố gắng nghĩ một cách bình thường nhất, đâu cần phân biệt ai sẽ là người bế con. Cái gốc của sự không phân biệt ấy, rõ ràng xuất phát từ tình yêu, sự sẻ chia việc nhà giữa chồng và vợ. 

Câu chuyện tuyên truyền của chúng tôi từ đó đã “len lỏi” vào các khu trọ công nhân, từng địa bàn dân cư để vun đắp yêu thương, khơi gợi, thúc đẩy sự tự nguyện, tự giác của mỗi thành viên trong gia đình. Tôi tin rằng, khi sự chia sẻ công việc nhà đã trở nên bình thường thì bình đẳng giới cũng sẽ tự nhiên hiện diện.

Bà Hoàng Ngọc Loan - Phó Chủ tịch Hội LHPN Q.8, TPHCM

Thu Lê (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI