Xóa bỏ dần rào cản quản lý bằng sổ hộ khẩu

10/07/2017 - 16:28

PNO - Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã có kết luận bỏ điều kiện “có hộ khẩu tại TP.HCM” trong tuyển dụng công chức, viên chức, kể cả cán bộ, công chức khối Đảng, đoàn thể của TP.HCM.

Đây là tín hiệu vui cho những người có nguyện vọng được làm cán bộ, công chức tại TP.HCM, cũng như TP.HCM có cơ hội thu hút nhân tài, nguồn nhân lực có chất lượng cao; đồng thời khắc phục tình trạng cục bộ địa phương, hạn chế sự “dàn xếp”, tuyển dụng người nhà đang gây bức xúc dư luận trong thời gian qua. Chủ trương này được dư luận hết sức đồng tình và đánh giá cao.

Sau sự kiện trên, dư luận đặt câu hỏi, quản lý nhà nước bằng sổ hộ khẩu như hiện nay có cần thiết?

Xoa bo dan rao can  quan ly bang so ho khau

Sổ hộ khẩu đơn giản chỉ là giấy chứng nhận đăng ký thường trú của hộ gia đình. Sổ hộ khẩu là cơ sở để chính quyền địa phương quản lý dân cư, bố trí các nguồn lực để cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nhà ở, điện, nước, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội…

Tuy nhiên, sổ hộ khẩu cũng gây nên những khó khăn nhất định như công dân khi thay đổi nơi thường trú thì phải làm thủ tục chuyển khẩu, nhập khẩu; khi phát sinh hoặc giảm thành viên trong sổ hộ khẩu thì phải làm thủ tục cắt, nhập khẩu. Khi thay đổi nơi thường trú, tức là chuyển khẩu sang địa phương khác thì phải làm lại CMND theo quy định, gây phiền hà không cần thiết. Đồng thời, sinh ra hệ thống quản lý từ trung ương xuống địa phương gây tốn kém, lãng phí nhưng hiệu quả mang lại không cao.

Chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính đã được đặt ra và từng bước được thực hiện với sự ra đời của Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân... Trên cơ sở này, cần phát triển ứng dụng thẻ công dân điện tử hoặc phương tiện điện tử khác để giảm giấy tờ công dân trong lĩnh vực quản lý hộ tịch, quản lý cư trú, quản lý trật tự xã hội và các lĩnh vực có liên quan như giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu và các giấy tờ khác có liên quan.

Từng bước kết nối cơ sở dữ liệu chuyên ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phấn đấu đến cuối năm 2020 đơn giản hóa thủ tục hành chính và giảm các loại giấy tờ công dân khác như thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, thẻ mã số thuế cá nhân và các giấy tờ khác có liên quan.

Theo tôi, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý dân cư là cần thiết, phù hợp với xu thế tất yếu của thế giới, tiện lợi, chi phí thấp, nhanh chóng, kịp thời, tạo điều kiện tối đa cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Một số lĩnh vực quản lý không cần thiết thì các địa phương cần rà soát, chủ động tháo gỡ, nhất là trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, nhà ở… đảm bảo sự bình đẳng, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ các dịch vụ công; tiến tới ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dân cư, xóa bỏ quản lý bằng sổ hộ khẩu. 

(Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI