Xây dựng TPHCM an toàn, thân thiện với trẻ em

21/12/2022 - 06:28

PNO - Ngày 20/12, Ủy ban Trẻ em TPHCM tổ chức hội nghị triển khai “Chương trình hành động vì trẻ em TPHCM giai đoạn đến năm 2030” với mục tiêu xây dựng TPHCM thành nơi an toàn, thân thiện với trẻ em.

Nâng nhận thức về phòng, chống bạo hành, xâm hại

Ông Huỳnh Văn Minh - Hiệu trưởng Trường THCS An Nhơn Tây, huyện Củ Chi - cho biết, ông đã có 21 năm công tác trong ngành sư phạm. Từ những ngày mới ra trường, ông đã nhận thấy vấn nạn nhức nhối, đó là kỷ luật học sinh. Giáo viên thường kỷ luật học sinh bằng cách trừng phạt thân thể hoặc tinh thần. Điều này không mang lại hiệu quả giáo dục mà có thể dẫn đến việc học sinh bỏ học.

UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân tổ chức tuyên truyền, phổ biến kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục cho con em công nhân
UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân tổ chức tuyên truyền, phổ biến kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục cho con em công nhân

Ông tỏ ra tâm đắc với phương pháp kỷ luật tích cực, được nêu trong dự án trường học thân thiện do Tổ chức Cứu trợ trẻ em (tổ chức phi chính phủ) và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức mà ông có dịp tham gia. Theo đó, kỷ luật tích cực là phương pháp kỷ luật dựa trên nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, không xâm phạm đến tinh thần và thể chất của trẻ. Cốt lõi của phương pháp này là đề cao sự biểu dương, khen ngợi, hạn chế phê bình, chê bai. 

Ông Huỳnh Văn Minh nói: “Nhiều thầy cô hay chê trách, mắng học trò khiến trẻ dễ tự ái, dễ bị lôi kéo nghỉ học. Phương pháp kỷ luật tích cực giúp trẻ tránh được nguy cơ bị bạo hành về cả thể xác và tinh thần trong nhà trường. Không chỉ với học sinh, phương pháp này còn có thể ứng dụng trong hội đồng sư phạm của trường và các giáo viên”.

Bà Di Thị Diệu - Trưởng ban Tuyên giáo Hội Người mù TPHCM - nhìn nhận, trẻ khiếm thị thường phải đối diện với việc bị xâm hại về tinh thần, thể xác từ người thân và xã hội. Do đó, việc trang bị cho trẻ khiếm thị những kỹ năng để nhận diện và phòng, chống xâm hại là điều hết sức cần thiết. Do đó, bà cho rằng, dự án sách nói về xâm hại tình dục dành cho trẻ khiếm thị do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM thực hiện là rất hữu ích. 

Trẻ em ở phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân được cảnh sát giao thông hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn trong dịp sinh hoạt hè
Trẻ em ở phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân được cảnh sát giao thông hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn trong dịp sinh hoạt hè

Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Trưởng chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM - những năm qua, bà cùng các đồng nghiệp đã trợ giúp pháp lý miễn phí cho rất nhiều phụ nữ và trẻ em bị xâm hại, bạo hành. Để bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ bị bạo hành, xâm hại, cần tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề này. Thời gian qua, mô hình phiên tòa giả định do Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM phối hợp với các đơn vị thực hiện đã phát huy tốt việc tuyên truyền về bảo vệ trẻ em.

Bà Trần Thị Kim Thanh - Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM - thông tin, tính đến quý IV/2022, TPHCM có gần 1,9 triệu trẻ em, trong đó trên 48% là trẻ em gái. Trong những năm qua, các đơn vị làm công tác bảo vệ trẻ em ở TPHCM đã có nhiều mô hình, sáng kiến hay để bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trong đợt dịch COVID-19. 

Thí điểm mô hình mới hỗ trợ người bị bạo hành

Ủy ban Trẻ em TPHCM vừa ban hành “Chương trình hành động vì trẻ em TPHCM giai đoạn đến năm 2030”. Theo kế hoạch, TPHCM có 5 tổng đài tiếp nhận thông tin nhằm phối hợp, can thiệp và trợ giúp trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, gồm tổng đài 113 (lực lượng phản ứng nhanh thuộc Công an TPHCM), tổng đài 1900 545559 (Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên thành phố), tổng đài 1800 9069 (Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM), tổng đài 1022 (Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM) và 0913 159315 (đường dây nóng Báo Phụ nữ TPHCM).

Bà Trần Thị Kim Thanh cho biết, UBND TPHCM vừa ban hành quyết định thành lập thí điểm mô hình hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục. Sắp tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM sẽ chính thức ra mắt mô hình này. Đây là mô hình một cửa đầu tiên được thí điểm tại Việt Nam, vận hành theo quy chuẩn của các nước tiên tiến. 

Đầu vào của mô hình này được đặt tại Bệnh viện Hùng Vương, quận 5. Hiện tại, đơn vị chức năng đã thiết kế riêng một khu vực để tiếp nhận nạn nhân bị xâm hại. Nạn nhân sẽ được tư vấn, sau đó được đưa vào một phòng riêng để nghỉ ngơi rồi chuyển đến các đơn vị liên quan. Nạn nhân sẽ được hỗ trợ về pháp lý, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, tâm lý, nơi ở an toàn. Đầu ra đặt tại Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên thành phố, quận Gò Vấp. 

Trước đây, thông qua khám và điều trị, các cơ sở y tế là nơi đầu tiên phát hiện bệnh nhân bị bạo lực, xâm hại tình dục. Tuy nhiên, các quy trình để hỗ trợ chiếm nhiều thời gian và không đồng bộ nên nạn nhân thường bỏ cuộc. Do đó, mô hình hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực, xâm hại tình dục được kỳ vọng giúp nạn nhân tiếp cận được các dịch vụ phù hợp, hoặc được can thiệp nếu không có khả năng tự bảo vệ.

Bà Lương Thị Thuận - Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TPHCM - đánh giá cao ý nghĩa của mô hình này, nhưng cho rằng, cần mở rộng mô hình sang Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 bởi đây là nơi tiếp nhận nhiều trẻ em bị ngược đãi, hành hạ. 

Tháo gỡ khó khăn để bảo vệ trẻ em tốt hơn

Bà Đoàn Thị Tú Linh - Phó phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP Thủ Đức - cho biết, một trong những khó khăn trong công tác bảo vệ trẻ em là cán bộ làm công tác này đang phải kiêm nhiệm rất nhiều đầu việc. Do đó, khi xảy ra vụ việc liên quan đến trẻ em thì cán bộ không thể bám sát, nắm chắc. Ngoài ra, bảo vệ trẻ em là công việc rất đặc thù, đòi hỏi người làm công tác này phải yêu trẻ và có kỹ năng. 

Bà nói: “Ở một số địa phương, 1 năm đổi cán bộ trẻ em đến mấy lần, làm sao cán bộ có thời gian để nghiên cứu, học tập kỹ năng liên quan đến lĩnh vực phụ trách. Ngoài ra, TP Thủ Đức có đến 34 phường nên việc huy động người để làm công tác bảo vệ trẻ em là rất khó khăn”.

Bà Trần Thị Kim Thanh cho biết, ở TPHCM, ngoài khó khăn về nhân sự làm công tác bảo vệ trẻ em, việc triển khai các mô hình bảo vệ trẻ em cũng gặp nhiều vướng mắc. TPHCM thường xuyên có biến động dân cư. Người dân thường xuyên di cư nội đô (từ quận này sang quận khác, phường này sang phường khác) nên cán bộ trẻ em sẽ “mất dấu” các em, việc hỗ trợ bị ngắt quãng, không hiệu quả.

Liên quan đến khó khăn về nhân sự làm công tác bảo vệ trẻ em, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho hay, Luật Trẻ em quy định về việc bố trí công chức hoặc cán bộ không chuyên trách ở phường, xã làm công tác bảo vệ trẻ em. Luật cũng cho phép hình thành mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ em ở thôn, xóm, bản, khu dân cư.

Ông Đặng Hoa Nam chia sẻ tại hội nghị
Ông Đặng Hoa Nam chia sẻ tại hội nghị

Ông gợi ý: “Ở tỉnh Bắc Kạn, HĐND tỉnh đã ra một nghị quyết về bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em trong số những cán bộ không chuyên trách ở cấp xã và có chi trả lương. Mỗi năm, ngân sách tỉnh bỏ ra hơn 1 tỉ đồng để thực hiện công tác này. Ở tỉnh Bạc Liêu, căn cứ vào Luật Trẻ em, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết thành lập cộng tác viên bảo vệ trẻ em.  TPHCM có đầy đủ điều kiện để làm được những việc này và làm tốt hơn”. 

“Tôi đánh giá rất cao các mục tiêu, chỉ tiêu trong “Chương trình hành động vì trẻ em TPHCM giai đoạn đến năm 2030” của Ủy ban Trẻ em TPHCM. Đây là những nội dung thiết thực, bám sát thực tế. Việc xây dựng TPHCM là nơi an toàn, thân thiện với trẻ em có ý nghĩa hết sức to lớn bởi thành phố an toàn, thân thiện với trẻ em đồng nghĩa với việc an toàn, thân thiện với tất cả mọi người.

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em 
(Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội)

 

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI