Kiến nghị có lực lượng cảnh sát bảo vệ trẻ em

19/08/2022 - 06:24

PNO - 68,4% trẻ em Việt Nam từng ít nhất bị bạo lực một lần trước năm 18 tuổi. Vấn đề bạo hành trẻ em vẫn đang có xu hướng gia tăng. Đó là những thông tin mở đầu hội thảo “Bảo vệ quyền trẻ em (BVQTE) - thực trạng và giải pháp” do HĐND TPHCM phối hợp với Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM và Hội BVQTE TPHCM tổ chức vào ngày 18/8.

Các tổ chức xã hội ngoài công lập có vị trí quan trọng

Theo ông Nguyễn Minh Nhựt (Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TPHCM), tình hình tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố trong 5 năm qua có chiều hướng giảm về số vụ, nhưng mức độ nghiêm trọng và phức tạp thì ngày càng tăng, hình thức chủ yếu là hành vi xâm hại tình dục trẻ em.

 Lớp tiếng Anh ngoài công lập tại TP.HCM - ẢNH: Q.N.
Lớp tiếng Anh ngoài công lập tại TPHCM - Ảnh: Q.N.

Đáng lo ngại là độ tuổi của nạn nhân trong các vụ xâm hại có chiều hướng ngày càng thấp, tập trung nhiều ở lứa 10-16 và phần lớn nạn nhân là trẻ em gái. Tuy nhiên, các con số thống kê này chưa phản ánh đúng thực tiễn do “văn hóa im lặng” và khả năng nhận thức của trẻ còn hạn chế.

Trẻ sống ở khu vực nhà trọ, nông thôn, hoặc chung cư cao cấp, sống với cha dượng hoặc sống trong gia đình có các đặc điểm bạo hành vợ chồng, ly hôn, thất nghiệp, lạm dụng bia rượu và các chất kích thích... có nguy cơ bị xâm hại tình dục cao hơn.

TPHCM xác định công tác và kết quả giải quyết vấn đề trẻ em phụ thuộc vào cấp cơ sở. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ phụ trách công tác này tại cơ sở hiện có đến 90% là kiêm nhiệm. Do vậy, công tác BVQTE ở cơ sở rất khó để bảo đảm tính thường xuyên và liên tục. Trong khi mạng lưới cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn thành phố khá đa dạng với 4 hội và 1 trung tâm cung cấp dịch vụ an sinh xã hội cấp thành phố, 60 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em (trong đó có đến 52 cơ sở ngoài công lập), 16 cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em do các ngành quản lý… 

Ông Phạm Đình Nghinh - Phó Chủ tịch Hội BVQTE TPHCM - cho biết bên cạnh các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội ngoài công lập luôn có vị trí đặc biệt quan trọng. Tuy không tham gia trực tiếp vào việc ban hành chính sách, nhưng tính phản biện và kiến nghị của các tổ chức này đã đóng góp các đánh giá, nhận định đa chiều, khách quan, giúp xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách.

“Họ cũng hỗ trợ giám sát thông qua việc đánh giá kết quả triển khai thực hiện các chính sách về trẻ em, góp phần đa dạng hóa hoạt động cung cấp dịch vụ hỗ trợ, nhất là các trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, giúp từng bước hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội của thành phố” - ông Nghinh khẳng định.

Tuy nhiên các tổ chức xã hội ngoài công lập cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Đó là các quy định của pháp luật còn chưa đồng bộ, đầy đủ. Trên địa bàn thành phố đã và đang có nhiều tổ chức xã hội trong và ngoài nước cùng hoạt động, nhưng sự kết nối, phối hợp với nhau chưa cao, dẫn tới trường hợp: một đối tượng, một địa bàn, một vấn đề đôi khi nhận được sự quan tâm của rất nhiều tổ chức, trong khi ở những địa bàn khác, những nhóm đối tượng khác lại ít nhận được sự quan tâm hơn.

Ngoài ra, cũng có những tổ chức xã hội hoạt động thiếu tính pháp lý, tôn chỉ, mục đích chưa rõ ràng, các chương trình, kế hoạch trợ giúp không mang tính bền vững, còn có sự nhầm lẫn giữa công tác xã hội và từ thiện xã hội. Còn có hiện tượng lợi dụng xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em để trục lợi...

Tạo điều kiện cho trẻ em tham gia xây dựng chính sách 

Bà Emi Losing - Tổ chức Taiwan Fund for Children and Families (TFCF) - chia sẻ tầm quan trọng của tiếng nói đại diện trẻ em và thanh thiếu niên: “Để tăng cường sự tham gia, đóng góp tiếng nói của trẻ em và thanh thiếu niên, giúp trẻ nâng cao khả năng tự nhận thức, tham gia và ra quyết định, chúng tôi khuyến nghị Ủy ban Quốc gia về trẻ em Việt Nam tăng số lượng đại diện trẻ em và thanh thiếu niên, nhằm lồng ghép có hiệu quả các góc nhìn của trẻ em khi xây dựng chính sách về trẻ em, tạo điều kiện để trẻ em thực hành quyền tham gia của mình”.

Giờ ngoại khóa học làm bánh của các học sinh Trường tiểu học Võ Trường Toản, Q.10, TP.HCM - ẢNH: Q.N.
Giờ ngoại khóa học làm bánh của các học sinh Trường tiểu học Võ Trường Toản, Q.10, TPHCM - Ảnh: Q.N.

Cũng theo bà, BVQTE là một cơ chế dịch vụ tổng hợp liên bộ và liên ngành. Rất khó để thực hiện tốt vai trò bảo vệ này nếu chỉ có một cơ quan xã hội hay hành chính đảm nhiệm. Vì vậy, TFCF có một số phương án, như thực hiện cơ chế phòng ngừa và thông báo ba cấp độ dựa vào trường học.

Theo đó, cần tăng cường hợp tác giữa giáo viên và nhân viên xã hội BVQTE, từ đó cùng nhau giải quyết vấn đề chăm sóc trẻ em và gia đình. Tăng cường lập kế hoạch và thực hiện chương trình giáo dục trước hôn nhân cũng như nâng cao kiến thức, kỹ năng nuôi dạy con cái trong cộng đồng.

Theo bà Losing, cơ quan có thẩm quyền cần tích hợp thống nhất các dịch vụ BVQTE và xây dựng một quy trình, hướng dẫn chung. Việc cải thiện độ chính xác của dữ liệu để liên tục theo dõi, đồng hành với trẻ em trong các hộ gia đình có thu nhập trung bình và thấp cũng hết sức quan trọng. TFCF cho rằng Việt Nam cần cân nhắc có một cơ quan chính phủ duy nhất làm đầu mối chuyên trách các vấn đề về trẻ em và thanh thiếu niên.

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội SocialLife - cho rằng Việt Nam là một quốc gia tham gia khá sớm Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em, ban hành nhiều văn bản pháp luật nhưng công tác BVQTE chưa đạt kỳ vọng. Đặc biệt các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em có mức độ gia tăng nơi những đối tượng có quan hệ thân thiết với trẻ.

Theo đánh giá của ông Lộc, cơ quan thực thi pháp luật và các đơn vị chức năng BVQTE đưa ra nhiều giải pháp nhưng chủ yếu dừng lại ở kỹ thuật mà thiếu căn cơ. Ông khẳng định: “BVQTE không chỉ khu biệt ở cấp độ ngăn ngừa các hành vi gây hại mà còn hướng đến việc trẻ có cuộc sống tốt, trưởng thành trong môi trường lành mạnh, yêu thương”.

Để làm được điều này, theo ông, TPHCM nên hướng tới giải pháp mang tính thực thi pháp luật BVQTE. “Cơ quan công an đã có lực lượng cảnh sát cứu hỏa hay cảnh sát môi trường, nên chăng cần xem xét đến một cơ quan chấp pháp tương tự dành cho trẻ em. Bởi BVQTE chính là bảo vệ cho xã hội tương lai”, ông Lộc đề xuất. 

 Quốc Ngọc

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI