Xây dựng Liên hoan Nhóm nhảy TPHCM thành thương hiệu của thành phố

06/10/2020 - 16:36

PNO - Trong Đề án “Tổ chức lễ hội và sự kiện TPHCM giai đoạn từ năm 2020 – 2030”, Liên hoan Nhóm nhảy TPHCM là sự kiện được đề xuất xây dựng thành thương hiệu văn hoá.

Liên hoan Nhóm nhảy TPHCM tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018 với sự tham gia của 57 nhóm nhảy trên khắp địa bàn thành phố. Ở mùa thứ 2, năm 2020, ban tổ chức (BTC) mở rộng tiêu chí, quy mô giải thưởng nên số lượng đội, nhóm tham dự tăng đột biến. Theo BTC, số lượng đội thi hiện tại đã tăng gấp đôi con số mùa 1. Thời gian đăng ký dự thi kéo dài đến hết ngày 26/10, do đó, số lượng đội thi dự kiến tiếp tục tăng.

Trong mùa thứ 2, khác với lần đầu, BTC phân loại cụ thể các nhóm nhảy theo 3 bảng khác nhau để phân bổ số lượng cũng như chất lượng nhằm tạo sự đồng đều. Ở bảng A bao gồm các đội, nhóm trực thuộc đơn vị nhà văn hoá cấp thành phố, trung tâm văn hoá quận, huyện trên toàn thành phố; bảng B dành cho đối tượng học sinh, sinh viên tại TPHCM; bảng C là bảng mở rộng cho các đối tượng đội, nhóm của trung tâm văn hoá các tỉnh, thành trong cả nước tham gia.

Liên hoan Nhóm nhảy mùa 1 thu hút 57 đội tham dự, trong đó, ban tổ chức không chia bảng, gộp thi chung.
Liên hoan Nhóm nhảy mùa 1 thu hút 57 đội tham dự, trong đó, ban tổ chức không chia bảng, gộp thi chung các đội chuyên và không chuyên

Theo BTC, việc mở rộng liên hoan năm nay nhằm hướng đến việc xây cuộc thi thành sự kiện văn hoá của thành phố, về lâu dài, trở thành thương hiệu văn hoá. Trong Đề án Tổ chức lễ hội và sự kiện TPHCM giai đoạn từ năm 2020 – 2030 sẽ được trình lên trong Đại hội Đảng sắp tới, Liên hoan Nhóm nhảy TPHCM - hoạt động thuộc lĩnh vực biểu diễn sẽ được đề xuất thực hiện, mở rộng quy mô.

“Ở Liên hoan Nhóm nhảy TPHCM  lần thứ nhất, tôi rất ngạc nhiên khi biết phong trào nhảy, múa trên địa bàn thành phố phát triển rất mạnh. Đã đến lúc, chúng ta phải tổ chức giải phù hợp với tiềm lực, sức mạnh chúng ta đang có”, ông Võ Trọng Nam, Phó giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TPHCM nói.

Ông Nam cho biết thêm, trong lần 1, vì sự kiện còn mới nên những vấn đề liên quan đến công tác chuẩn bị, tổ chức chưa được đảm bảo. Sang mùa 2, BTC đã đo được sự ủng hộ của cộng đồng và đẩy mạnh tổ chức. Theo ông Nam, Liên hoan Nhóm nhảy TPHCM hoàn toàn có thể trở thành sự kiện văn hoá, thương hiệu của thành phố vì quy tụ được nhiều đối tượng tham gia. Ngoài ra, sự kiện phản ánh được đời sống nghệ thuật của một bộ phận giới trẻ đang phát triển mạnh mẽ, đủ sức trở thành sự kiện dài hơi, tiếp cận với quốc tế.

Các nhóm nhảy trên địa bàn thành phố thời gian qua cũng có một số sân chơi chuyên nghiệp.
Các nhóm nhảy trên địa bàn thành phố thời gian qua cũng có một số sân chơi chuyên nghiệp

Liên hoan Nhóm nhảy TPHCM được đề xuất xây dựng thành thương hiệu văn hoá là điều hoàn toàn hợp lý. Tại một thành phố hiện đại, hội nhập như TPHCM, đời sống nghệ thuật, đặc biệt là phong trào nhảy, múa đang cực phát triển. Nhiều năm qua, các đội, nhóm vẫn trăn trở về việc thiếu những sân chơi chuyên nghiệp thì giờ đây, Liên hoan Nhóm nhảy TPHCM là một sự kiện có quy mô được tổ chức một cách bài bản.

Đại diện BTC cho biết mỗi bảng sẽ có hình thức thi riêng để phù hợp với trình độ của từng bảng, tránh chênh lệch. Trong đó, ở vòng sơ loại, 2 bảng A và C sẽ tổ chức thi trực tiếp, bảng B thi theo hình thức trực tuyến, tức các đội gửi video về tham dự. Trong quá trình tham gia, BTC khẳng định nếu các đội đến từ các Trung tâm Văn hoá có trình độ quá xa so với các đội, nhóm chuyên nghiệp, BTC sẽ cử các biên đạo tập luyện thêm để trong đêm chung kết, các tiết mục có trình độ chuyên môn không quá cách biệt. 

NSND Hà Thế Dũng, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TPHCM, trưởng ban giám khảo Liên hoan Nhóm nhảy TPHCM cho biết: “Chúng tôi quan tâm đến việc hỗ trợ để các nhóm nhảy có thể đi xa hơn. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, lĩnh vực nhảy múa đã được sự quan tâm của Sở Văn hoá và Thể thao thành phố, chúng tôi cũng đã trao đổi, đặt vấn đề với nhiều đơn vị nghệ sĩ từ chuyên nghiệp đến không chuyên. Chúng tôi đã có liên hệ với các đơn vị tại Úc, Hàn Quốc hay Pháp, vấn đề còn lại là con người”.

Theo ý của NSND Hà Thế Dũng, chuyện hỗ trợ để các nhóm nhảy có được hướng đi sau khi tham gia cuộc thi là không quá khó, quan trọng các nhóm nhảy phải có thực lực, đam mê nhảy múa thật sự không phải tham gia theo tinh thần phong trào, vui là chính mà nghiêm túc, có định hướng rõ ràng.

Liên hoan Nhóm nhảy TPHCM lần thứ 2 mang chủ đề Sức bật tuổi trẻ có 2 vòng dự thi. Vòng sơ loại diễn ra từ ngày 30/10 - 1/11/2020 và chung kết diễn ra từ ngày 21-22/11/2020. Thời gian dự thi của từng bảng được quy định riêng. 

Ở mỗi bảng, ban giám khảo sẽ trao 8 giải gồm: 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba, 5 giải Khuyến khích.

Sau thời gian dự thi, các tiết mục thắng giải sẽ được chọn biểu diễn. Địa điểm dự kiến trình diễn tại Đường đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1. 

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI