Xấu người liệu có đẹp ta?

23/12/2015 - 10:57

PNO - Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2015 với sự cố người dẫn chương trình công bố nhầm người lập tức trở thành chủ đề "hot" với cư dân mạng Việt Nam.

Ngày 20/12/2015 đã đi vào lịch sử cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2015 với sự cố người dẫn chương trình Steve Harvey công bố nhầm người chiến thắng là người đẹp Colombia Ariadna Gutiérrez-Arévalo thay vì đúng ra là người đẹp đến từ Philippines Pia Alonzo Wurtzbach. Lập tức, các cư dân mạng Việt Nam đã “tỏ ra nguy hiểm” khi đem ngay người trong cuộc “nướng” trên các diễn đàn.

Hàng loạt bức ảnh chế ba nhân vật chính Steve Harvey, Ariadna Gutiérrez-Arévalo và Pia Alonzo Wurtzbach xuất hiện. Chân dung người đẹp Philippines đang tạo dáng trên sân khấu được minh họa cho câu: “Khoảnh khắc bạn nhận ra rằng: 30 chưa phải là Tết” hoặc “Chị mua giải rồi mấy cưng”, thậm chí trở thành gương mặt đại diện của món ăn đặc sản bánh pía nhãn hiệu Thị Phi hay danh hiệu Hoa hậu bị chế thành Quê hậu.

Hoa hậu Hoàn vũ “hụt” Ariadna GutiérrezArévalo được an ủi bằng những tấm ảnh chụp lúc cô đăng quang kèm mấy câu chú thích: “Nếu bạn nghĩ rằng mình đen đủi, hãy nhìn vào cô ấy” hay “Vương miện của kao, huhu”… Ngay người đẹp VN Phạm Hương vốn không liên quan đến khoảnh khắc sai lầm chết người này cũng bị chế ảnh “Ủa chế, có khi nào đọc nhầm tên em luôn không?”

Xau nguoi lieu co dep ta?
Người đọc nhầm tên người chiến thắng Hoa hậu Hoàn vũ năm 2015

Chế giễu sự cố, chê bai hoa hậu chưa đủ, các fan Việt còn vào fanpage của cuộc thi để bày tỏ thái độ bất mãn với kết quả chung cuộc, nhất là sau khi Phạm Hương không thể lọt vào top 15 như dự đoán.

Những lời lẽ bực dọc được tuôn ra bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, có người thẳng thừng quy chụp ban tổ chức cuộc thi ghét VN. Sau sự cố nhầm lẫn vương miện, đám đông bắt đầu công kích nhan sắc của tân hoa hậu, nào là “Nhìn tưởng hoa hậu hoàn vũ Philippines đi lạc xuống trái đất”, “Già nua xấu xí”, “Philippines nhìn như bà ngoại người ta”.

Hành xử thiếu kiềm chế dẫn đến thiếu văn hóa của những anh hùng bàn phím VN vô tình làm hạ thấp hình ảnh VN trong mắt cộng đồng quốc tế. Đặt kỳ vọng vào đại diện VN là lý do chính đáng, nhưng cũng không thể vì thế mà khi kết quả không như mong đợi thì các fan lại quay lưng chê bai nhan sắc người chiến thắng.

Hoa hậu Hoàn vũ cũng chỉ là một cuộc thi, mà trong thi thố, yếu tố may mắn cũng chiếm một phần quan trọng. Những dự đoán của của các trang theo dõi sắc đẹp như Globalbeauties hay Missosology chỉ có tính chất tham khảo chứ không thể là cơ sở để tức tối, giận dỗi khi đặt niềm tin quá mức theo kiểu “trèo cao té đau”.

Đại diện VN đã không thể làm nên chuyện ở các cuộc thi nhan sắc, nhưng họ đã nỗ lực để giữ gìn, quảng bá hình ảnh tốt đẹp của con người VN ra bạn bè thế giới. Nhưng, những cố gắng của họ bị đổ sông đổ biển vì một đám đông hiếu thắng, thiếu suy nghĩ.

Những tấm ảnh chế, những lời bình luận khiếm nhã không giải quyết được vấn đề gì ngoài chuyện thể hiện tinh thần cay cú ăn thua. Miệt thị, nói xấu người khác cũng biểu hiện độc ác, tiếc thay đó lại là thói quen của nhiều người trẻ hiện nay. Cứ có sự vụ nào, những cái đầu kia đều hăng hái a dua mắng nhiếc, rủa xả.

Tiến sĩ giáo dục Võ Văn Nam, khoa Tâm lý học trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhận xét: “Điều này phản ánh tâm lý đám đông và sự thiếu làm chủ cảm xúc cá nhân, hoặc có kỹ năng đó nhưng không sử dụng. Vì vậy cần phải có một cái đầu lạnh và một trái tim nóng, để không bị đám đông lôi kéo”.

Nguyễn Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI