'Xài ké' thuốc giun đũa chó, một phụ nữ bị biến chứng lên gan

15/03/2017 - 15:08

PNO - Nạn nhân là chị Võ Thị N. (45 tuổi, nhà ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang).

Giun đũa chó là một bệnh lý khá phổ biến, nhưng theo Tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng - Trưởng khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, nhiều bệnh nhân (BN) và cả một số BS không chuyên khoa, đã tự điều trị hoặc điều trị bằng phác đồ không chuẩn đã dẫn đến hậu quả người bệnh có thể bị viêm gan do thuốc.  

Một toa thuốc, chục người dùng! 
Chuyện anh Nguyễn Văn L., 43 tuổi, ở xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang trị dứt bệnh ngứa đã đeo bám dai dẳng anh gần cả năm trời khiến nhiều người quen biết anh rất chú ý. Trước đó, khắp người anh bị nổi mẩn, mề đay, đến nỗi không thể đi làm đồng được.

Anh uống thuốc mát gan, rồi đi khám ở nhiều cơ sở y tế, nơi nói anh bị dị ứng, chỗ lại bảo bị chàm, cho uống và thoa đủ thứ thuốc từ Tây đến Đông y nhưng ngứa vẫn cứ ngứa. Vì thế, sau khi anh lên TP.HCM chữa hết bệnh thì từ đó, cứ ai ngứa ngáy là mượn toa thuốc của anh đi mua uống, người này chuyền người khác, chẳng cần biết anh bị ngứa vì nguyên nhân gì.

'Xai ke' thuoc giun dua cho, mot phu nu bi bien chung len gan


Ở TP.HCM cũng không thiếu những BN mắc bệnh viêm gan vì tự ý dùng thuốc không đúng, phải nhập viện điều trị. Chị Thúy D. - nhân viên nhà sách, đi khám bệnh và xét nghiệm máu cho kết quả dương tính với ký sinh trùng (KST) Toxocara, nhưng uống thuốc cả năm trời không khỏi. Vào internet, trên một diễn đàn, chị thấy một phụ nữ kể chuyện đã trị dứt bệnh nhiễm GĐC, các triệu chứng cũng giống mình nên “sao y bản chánh” toa thuốc để áp dụng.

Thật ra, anh L. ngứa chỉ vì bị nhiễm GĐC Toxocara. Một “nạn nhân” xài ké toa thuốc của anh L. là Võ Thị N. 45 tuổi, cũng bị ngứa nhiều năm không hết. Mua thuốc theo toa của anh L. về uống, chị thấy giảm ngứa rõ rệt, nên  xem toa thuốc như bùa hộ mệnh, cứ mỗi đợt bị ngứa là mua uống. Gần một năm sau, chị thấy mệt mỏi, chán ăn, đau hạ sườn phải và vàng da. Các BS của BV Chợ Rẫy xác định chị bị viêm gan do dùng thuốc điều trị nhiễm GĐC kéo dài. 

Quả thật, uống thuốc vào là bệnh giảm hẳn nên khi lên cơn ngứa hay đi xét nghiệm cho kết quả dương tính, chị lại theo toa mà uống. Mới đây, đi khám sức khỏe tổng quát, chị phát hiện men gan tăng khá cao; tiếp tục khám chuyên khoa thì kết quả là chị đã bị viêm gan do dùng thuốc không đúng chỉ định kéo dài.

Xét nghiệm dương tính chưa hẳn đang bệnh
GĐC có tên khoa học là Toxocara canis, sống ký sinh và phát triển trong ruột chó, trứng giun theo phân chó ra ngoài, vì rất nhẹ nên có thể bay trong không khí làm người ta có thể vô tình hít phải, hoặc bám trên thức ăn, đồ vật rồi xâm nhập vào cơ thể khi ta nuốt phải hoặc không vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn.

'Xai ke' thuoc giun dua cho, mot phu nu bi bien chung len gan


Ở trẻ dưới năm tuổi, ấu trùng thường tập trung tại vùng mắt, nếu không phát hiện và điều trị sớm trẻ có thể bị giảm thị lực, thậm chí bị mù. Với trẻ lớn và người trưởng thành, ấu trùng thường tụ lại các cơ quan nội tạng như não, phổi, gan, tim… gây viêm và có triệu chứng bệnh đặc trưng ở từng cơ quan.Vì vậy, bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị nhiễm KST Toxocara. Trứng giun vào cơ thể người sẽ phát triển thành ấu trùng, đi vào máu và phát tán khắp nơi, tập trung ở đâu thì gây viêm ở đó. 

Thường gặp nhất là ấu trùng phát tán vào cơ gây phản ứng dưới da khiến cơ thể bị ngứa, nổi mề đay, trên da hằn rõ những vệt ngoằn ngoèo như giun đang bò. Mức độ nặng nhẹ của bệnh tùy vào số lượng ấu trùng và vị trí chúng “tập kết”. Do KST này tạo thành ổ chứa ấu trùng giun ở nhiều nơi nên có thể nhầm lẫn là khối u. Biến chứng ở não và tim do KST này gây ra là rất nguy hiểm nhất vì có thể gây tử vong, ở mắt có thể gây mù. Trung bình mỗi năm, BV Chợ Rẫy tiếp nhận từ 30-50 trường hợp mắc GĐC có biến chứng ở não gây đau đầu, co giật, yếu liệt, hôn mê…

Khi phát hiện nhiễm KST Toxocara, BN không nên quá lo lắng mà chạy chữa khắp nơi; phải đến BV có chuyên khoa về bệnh lý này như các BV Bệnh nhiệt đới, Chợ Rẫy, ĐH Y Dược, Nhân dân 115… Để phòng tránh, nên tránh hoặc hạn chế ôm hôn, chơi đùa, ngủ chung với chó.BS Nguyễn Quốc Hùng cho biết, có nhiều BN sau một thời gian trị nhiễm GĐC lại phát hiện thêm bệnh viêm gan do thuốc. Hậu quả này đến từ cả BN lẫn BS điều trị. Nguyên do, BN hay tự đi xét nghiệm bên ngoài để xem đã hết bệnh chưa, khi thấy kết quả dương tính với ấu trùng giun hoặc thấy ngứa thì lại mua thuốc uống theo toa cũ, hoặc ra hiệu thuốc khai bệnh mua thuốc. Vì vậy, có những người đã vướng bệnh gan do thuốc một cách đáng tiếc. 

Lưu ý tắm và tẩy giun định kỳ cho chó mỗi sáu tháng. Thường xuyên lau dọn nhà cửa, rửa tay sạch sẽ, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Nếu nhà có trẻ em thì không để trẻ chơi với chó, bò dưới sàn vì rất dễ lây nhiễm GĐC. Khi có biểu hiện ngứa ngáy trên da, những đợt nổi dị ứng bất thường, phải đi khám ngay; tuyệt đối không được tự ý điều trị. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI