WHO tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp vì COVID-19

05/05/2023 - 23:21

PNO - Hôm 5/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp nhằm ứng phó COVID-19 được duy trì trong hơn 3 năm qua.

 

WHO tuyên bố đợt bùng phát COVID-19 là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế vào tháng 1 năm 2020, khoảng sáu tuần trước khi mô tả nó là một đại dịch.
Tháng 1/202, WHO tuyên bố COVID-19 là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế 

Tuyên bố mới đánh dấu cột mốc quan trọng khi thế giới đã được vực dậy sau khi đại dịch giết chết hàng triệu người và làm đảo lộn cuộc sống của người dân toàn cầu.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chia sẻ: “Tôi vô cùng phấn khởi khi tuyên bố COVID-19 đã không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu”.

Tuy nhiên, các quan chức của WHO cảnh báo rằng, quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp không báo hiệu sự kết thúc của đại dịch. Đồng thời, yêu cầu các quốc gia không lấy đây làm lý do để dỡ bỏ các hệ thống ứng phó với COVID-19.

Tiến sĩ Maria Van Kerkhove - lãnh đạo nhóm kỹ thuật về ứng phó COVID-19 của WHO - cho biết: “Giai đoạn khẩn cấp đã kết thúc, nhưng dịch COVID-19 thì chưa”. Thực tế, quyết định của WHO về việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp hầu như không làm thay đổi các chính sách phòng dịch hiện có trên thế giới.

Nhiều quốc gia đã chấm dứt tình trạng khẩn cấp đối với COVID-19 và đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và kiểm soát virus. Vào ngày 11/5 tới, Mỹ cũng sẽ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp về COVID-19.

Việc WHO chính thức loại bỏ "tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế" là thời điểm quan trọng khi mối quan hệ giữa con người với các chủng coronavirus mới đang phát triển.

Tiến sĩ K. Srinath Reddy - người đứng đầu Tổ chức Y tế công cộng của Ấn Độ - cho biết, quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vào thời điểm này là phù hợp khi mức độ miễn dịch trên toàn cầu đang ở mức cao, do tiêm chủng hoặc nhiễm trùng tự nhiên.

Ông nói: “Căn bệnh không còn nguy hiểm như trước nữa, nó đã đạt được cân bằng, một kiểu chung sống nhất định với vật chủ là con người”.

Đã có 765.222.932 trường hợp được xác nhận nhiễm COVID-19 trên toàn cầu, bao gồm 6.921.614 trường hợp tử vong tính đến ngày 3/5 theo dữ liệu của WHO. Dù vậy, những con số này được cho là quá thấp so với thiệt hại thực sự của đại dịch. Tiến sĩ Tedros nói: “Chúng tôi biết con số thực sự cao hơn nhiều lần, với ít nhất 20 triệu ca tử vong”.

Linh La (theo New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI