Vui sao, nước mắt lại trào!

08/06/2015 - 16:31

PNO - PN - Trong ngày khai mạc SEA Games 28 (6/6/2015), cũng là ngày đầu thi đấu của mình, “kình ngư” Nguyễn Thị Ánh Viên gây choáng trên đường đua xanh. Bên cạnh đó, các nữ vận động viên (VĐV) Trần Thị Len (đấu kiếm), Nguyễn Thị Thanh...

edf40wrjww2tblPage:Content

Vui sao, nuoc mat lai trao!

VĐV Nguyễn Thị Thanh Phúc, HC vàng môn đi bộ 20km

Chuyện ở quê nhà của “nữ hoàng đi bộ”

 “Nữ hoàng đi bộ” Đông Nam Á-vận động viên (VĐV) điền kinh Nguyễn Thị Thanh Phúc, đã bảo vệ thành công lần thứ ba liên tiếp ngôi vô địch nội dung đi bộ 20km nữ tại SEA Games 28 vào ngày 6/6/2015.

Ở sâu trong dãy núi của huyện nghèo hòa vang - Đà Nẵng, mẹ và người thân đang ngóng cô trở về. Niềm vui lẫn những lo âu vẫn không vơi đi trong đôi mắt bà mẹ...

Những ngày vui trong dãy Hòa Khê

Nhà bà Hoa nằm sâu trong dãy núi Hòa Khê (thôn Hòa Khê, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng). Ngày cuối tuần oi nóng, bà Nguyễn Thị Hoa, mẹ VĐV Nguyễn Thị Thanh Phúc ở nhà ngóng điện thoại hai con từ Singapore. Tin con gái đoạt huy chương (HC)vàng ở SEA Games khiến bà chưa hết phấn khích. Nhưng, bà lại thoáng chút buồn khi cậu con trai Nguyễn Thành Ngưng, VĐV môn đi bộ nam của đoàn Việt Nam, bị chấn thương, không đạt thành tích.

Vui sao, nuoc mat lai trao!

Bà Nguyễn Thị Hoa tự hào với những thành tích mà con gái đạt được

“Hôm qua xem ti vi thấy con nhận HC vàng tôi vui lắm. Ấm lòng hơn khi trước đó họ trả lại HC vàng SEA Games 27 mà Phúc bị xử ép. Từ hôm con lên máy bay từ Hà Nội sang Singapore đến giờ, tôi không liên lạc điện thoại được. Nó chưa mua sim thì phải. Tối hôm qua, hai vợ chồng tôi bàn bạc chuẩn bị đón hai đứa về. Cũng không biết thằng Ngưng bị đau như thế nào nữa”, ông Nguyễn Việt, cha Thanh Phúc nói.

Nhắc đến Nguyễn Thị Thanh Phúc, người hâm mộ không thể quên những giọt nước mắt tức tưởi khi Phúc bị trọng tài xử ép tại SEA Games 27. Nỗi đau ngày nào nay đã được hóa giải.

Hai ngày trước khi tranh tài ở SEA Games, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh đã trao cho Thanh Phúc chiếc huy chương (HC) vàng mà ban tổ chức SEA Games 27 quyết định tước thành tích của VĐV người Myanmar do bị phát hiện doping. Ngày 6/6 ở Singapore, Phúc khóc ngay tại đích đến, nhưng đó lại là những giọt nước mắt của hạnh phúc vì bỏ xa đối thủ hạng nhì người Myanmar, và là lần thứ ba liên tiếp vô địch SEA Games, nội dung 20km đi bộ. “Tôi đã bỏ lại sau lưng nỗi ám ảnh của SEA Games trước để đạt được chiến thắng này. Hy vọng, sự mở hàng may mắn của tôi tạo động lực cho đồng đội giành thêm nhiều HC vàng cho đoàn thể thao Việt Nam”, Thanh Phúc chia sẻ.

Trước khi trở thành nhà vô địch SEA Games, Phúc có không ít cú sốc trong nghề… đi bộ. Ở Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần V năm 2006, mới 16 tuổi và lần đầu thi đấu đỉnh cao, Phúc bị tước HC vàng do đồng đội phạm quy. Ba năm sau, Phúc bất ngờ bị loại khỏi danh sách tham dự SEA Games 25 (năm 2009) tại Lào chỉ vì vài ngày trước khi khởi hành, người ta không tin cô “sơn nữ” bé hạt tiêu có thể đạt thành tích ở Đông Nam Á.

NGUYÊN KHANG

Bà Hoa kể: “Nghĩ lại, gia đình tui như có cái gen điền kinh. Ông chồng tui trước cũng tham gia các giải điền kinh phong trào ở địa phương. Nhà có bảy đứa con thì bốn đứa đã và đang thi đấu cho môn này. Phúc và Ngưng là nổi trội”.

Năm 2010, chị của Thanh Phúc là Nguyễn Thị Thanh Nhiễm bắt đầu theo đuổi sự nghiệp thể thao. Thuở gia đình khó khăn, Nhiễm phải đạp xe đi về từ nhà xuống phố Đà Nẵng để tập luyện. Đi một mình sợ, Nhiễm chở Phúc đi theo cho vui. Thấy chị tập, Phúc cũng thích và làm theo. “Lúc đó, huấn luyện viên Trần Anh Hiệp thấy Phúc có khả năng nên đã xin gia đình cho Phúc luyện tập”, chị Nhiễm kể.

Những lo lắng của mẹ

Kể về những chiến thắng của Thanh Phúc, bà Hoa lại xót thương con. “Trong nhà, nó là con thứ tư nhưng bản lĩnh và chịu khó nhất. Giờ đã thấy có niềm vui nhưng nghĩ lại thời khốn khó, tui không biết bằng cách gì mà nuôi được chúng lớn như thế”.

Nhà bà Hoa làm ruộng, leo núi hái đót, chặt chổi để mưu sinh. Từ những ngày học lớp 3, Phúc đã theo mẹ leo qua dãy Hòa Khê xuống chợ Hòa Khánh cách khoảng 10km bán cây đót. Đi từ sáng sớm, đến 7g sáng về nhà đi học. Chiều lại theo cả làng lên núi chặt đót giúp ba mẹ.

Nhìn bức ảnh con gái, bà Hoa tự hào: “Khoảng giữa lớp 7, nó đi theo thể thao. Nhà tui đông con, thấy con đi theo nghiệp mà có tiền ăn thì mình mừng. Vậy mà nó vẫn không hết lo cho ba mẹ. Cứ cuối tuần là nó nhịn suất ăn, lấy tiền về đưa thêm cho tui đi chợ. Rồi khi được HC vàng, có thêm tiền lương, nó lại nuôi thằng Ngưng. Bây giờ, nó còn lo cho đứa út nữa.

Mấy tháng chuẩn bị cho SEA Games, nó không về được, lúc trước tuần nào nó cũng lên nhà thăm ba mẹ. Có tiền thì đi xe ôm. Không tiền thì leo qua núi rồi đi bộ ra đường lộ bắt xe buýt. Lúc nó chưa có HC, nhiều người bảo nhà nghèo mà cho con gái đi tập thể thao làm gì, sao không kiếm cái nghề mà làm. Rồi có lúc người ta lại bảo, con gái mà theo thể thao thì sau này khó có con. Tui cũng lo lắm. Nhưng tui ủng hộ con. Chứ ở làng, tuổi như Phúc (SN 1990) thì đã chồng con rồi. Nhiều lúc mẹ con tâm sự, nó chỉ nói cứ theo nghiệp cái đã, việc chồng con từ từ tính. Thương con quá, tui cũng chỉ biết động viên”.

“Cô có mong muốn gì về tương lai của con gái?”, tôi hỏi. “Nhà tui đông con, hai đứa con gái lớn có chồng con rồi mà vẫn phải ở nhà mẹ. Vài sào ruộng thì đã bị thu hồi làm dự án. Con trai thế nào cũng được, chứ Phúc, khi không còn sức khỏe để thi đấu nữa thì không biết sẽ như thế nào. Chỉ mong sau này con gái có được việc làm, có miếng đất cất nhà”, bà Hoa thật thà.

 HOÀNG THANH NHÂN

  

Xa nhà ở tuổi cần mẹ nhất...

Vui sao, nuoc mat lai trao!

VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên đã gây choáng trên đường đua xanh, liên tiếp giành HC vàng

Trong khi cô con gái nhỏ Ánh Viên đang nỗ lực “cháy” hết mình ở SEA Game 28, thì ở Cần Thơ, ba má cô ra đồng giúp người bà con gặt lúa. Bận rộn và vất vả, nhưng cứ khi đến lúc ti vi phát sóng chương trình SEA Game 28 môn bơi lội là ông Nguyễn Văn Tác và bà Nguyễn Thị Ánh Hồng - ba má Ánh Viên lại tranh thủ chạy vào theo dõi con gái thi đấu.

Vẫn vẹn nguyên cảm giác hồi hộp như lần đầu tiên thấy con về đích, ông Tác cho biết: “Dù chưa thôi tin ở con, nhưng mỗi lần theo dõi Ánh Viên thi đấu ở bất kỳ nội dung nào, vợ chồng tôi cũng căng thẳng, thậm chí rất run, mọi người đang kỳ vọng ở Ánh Viên rất nhiều, lỡ nó thi đấu không tốt…”. Bỏ lửng câu nói, ông Tác vui vẻ kể lại chuyện “hồi nhỏ” của cô con gái rượu.

Từ hồi mới cưới nhau về, ông Tác và vợ được cha mẹ cho ra riêng với căn nhà nhỏ bên con rạch Ba Cao, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ. Cũng vì vậy, khi Ánh Viên ra đời, việc làm quen với sông nước là điều tất yếu. Hàng ngày, sinh hoạt của gia đình gắn liền với con rạch. Từ hồi hai-ba tuổi, Ánh Viên đã được cho ra rạch tắm. Lớn hơn một chút, cô được ông nội dạy bơi. “Con nhỏ rất dạn nước và thích bơi, bữa nào bận không dòm chừng cho nó tắm sông được là nó khóc” - ông Tác rưng rưng nhớ lại. Vào lớp 1, Ánh Viên đã bơi khá thành thạo, năm học lớp 2, em được thầy giáo dạy môn thể dục của trường đưa vào “bài bản”. Càng học, Ánh Viên càng thích thú và thể hiện nhiều khả năng nổi trội.

Năm 2007, Ánh Viên được thầy Thành - giáo viên thể dục của trường giới thiệu đến Trung tâm Thể dục thể thao Quốc phòng 4, Quân khu 9 tham gia đội tuyển bơi lội để được đào tạo tham gia thi đấu tại các giải bơi khu vực và quốc gia. Vậy là, chưa tròn 10 tuổi, cô bé đã phải xa gia đình, bắt đầu cuộc sống tập thể, ăn ở sinh hoạt tại trung tâm. Vượt qua những lạ lẫm, bỡ ngỡ buổi ban đầu, chỉ sau hai tháng tập trung luyện tập, Ánh Viên đã có sự ra mắt đầy ấn tượng khi đoạt huy chương (HC) đồng trong đội hình đội bơi Quân khu 9, tại giải Cúp các câu lạc bộ toàn quốc khu vực 2.

Đến mùa giải năm 2009, Ánh Viên gặt hái thành quả và tỏa sáng với 2 HC vàng, 7 HC bạc trong tổng số 12 HC các loại của đội. Với kết quả này, Ánh Viên được đưa vào đội tuyển trẻ quốc gia. Cũng từ đây, cô gái nhỏ thật sự xa gia đình, bắt đầu chuỗi ngày miệt mài luyện tập trên đường đua xanh để bơi ra biển lớn.

Vui sao, nuoc mat lai trao!

VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên liên tiếp đoạt HC vàng ở nhiều nội dung bơi - ảnh: Dư Hải

Nhắc đến con gái, giọng bà Ánh Hồng bỗng trở nên ấm áp: “Con nhỏ xa nhà năm 13 tuổi, cái tuổi đáng lẽ cần mẹ nhất… Hồi đi Mỹ tập luyện, có khi nó điện về chỉ để nghe tiếng mẹ, ba và kể chuyện bài tập. Nó nói, nhiều khi tập các kỹ thuật không đạt, bị thầy nhắc nhở, nó mất ngủ còn hơn cả chuyện nhớ nhà”.

HIỀN DUNG

Với những thành tích ở cả châu lục lẫn khu vực, Nguyễn Thị Ánh Viên luôn được truyền thông nước ngoài săn đón. Để “ém” quân cũng như giúp học trò ổn định tâm lý thi đấu, huấn luyện viên Đặng Anh Tuấn tìm đủ cách tránh né các cuộc phỏng vấn. Thế rồi, ngay ngày thi đầu tiên, Ánh Viên khiến khán giả hồi hộp lẫn phấn khích dõi theo từng sải tay, khi hai lần phá kỷ lục SEA Games với cùng nội dung bơi 400m hỗn hợp (ở cuộc thi loại và chung kết), bên cạnh kỷ lục mới 800m tự do. Chiều ngày 7/6, Ánh Viên lại tiếp tục giành hai HC vàng, phá hai kỷ lục nội dung 200m ngửa và 200m hỗn hợp.

Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên là nữ đại úy Quân đội nhân dân Việt Nam trẻ nhất toàn quân, được phong hàm đại úy vào tháng 6/2014, lúc chưa được 18 tuổi.

NGUYÊN KHANG

“Nếu được huy chương vàng, em sẽ cưới anh”

Vui sao, nuoc mat lai trao!

VĐV Trần Thị Len, HC vàng môn đấu kiếm

Chiều ngày 7/6, gia đình vận động viên (VĐV) Trần Thị Len (SN 1988, ở xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) tiếp tục đón niềm hạnh phúc sau cú điện thoại từ Singapore. sau khi giành được ba huy chương (HC) vàng môn đấu kiếm, len đã tiếp tục có được tấm HC vàng đồng đội.

Kiếm thủ 27 tuổi từng giành vị trí cao nhất ở SEA Games 2011, nhưng tấm HC vàng ở SEA Games 28 có lẽ là ấn tượng và đáng nhớ nhất với cô cũng như ban huấn luyện đội tuyển. Bởi chỉ trong vòng bốn tháng trước SEA Games 28, Trần Thị Len phải chống chọi với hai căn bệnh là u nang buồng trứng và viêm phổi.

Cô gái đầy nghị lực

Trong căn nhà nhỏ ở xã Quốc Tuấn, bà Nguyễn Thị Nền, mẹ của Len không giấu được niềm tự hào: “Cả nhà tôi rất vui mừng và phấn khởi. Trước khi lên đường sang Singapore thi đấu, Len có dặn gia đình về lịch thi đấu và bảo mọi người ở nhà chú ý xem. Tôi chỉ biết động viên con thi đấu hết mình”.

Theo bà Nền, trong chuyến đi này, tình trạng sức khỏe của Len không được tốt vì mới trải qua cuộc phẫu thuật u nang buồng trứng cách đây bốn tháng. “Cũng chỉ một tháng trước SEA Games, Len bị viêm phổi phải nằm viện mất sáu ngày. Gia đình rất lo lắng, sợ tình trạng sức khỏe của con ảnh hưởng tới việc thi đấu”, bà Nền nói.

Len là con lớn trong gia đình có ba chị em và đến với môn thể thao “quý tộc” này thật tình cờ. Năm 2003, Sở Thể dục - thể thao tỉnh Hải Dương (này là Sở Văn hóa, thể thao và du lịch) xuống địa phương tìm kiếm các tài năng trẻ. Khi đó, thấy các bạn ở trường đăng ký dự tuyển, tuy đang học lớp 10, nhưng Len cũng đăng ký tham gia.

Lúc đầu, Len không nhận được sự ủng hộ của gia đình bởi sợ con theo nghiệp thể thao, nhất là môn đấu kiếm “mới lạ” thì luyện tập sẽ vất vả. Tuy nhiên, bằng sự kiên trì học hỏi, Len đã dần chứng minh mình là một tay kiếm khéo léo, biết làm chủ trận đấu, tự tin, tâm lý vững vàng. Len đã trở thành VĐV đầu tiên của tỉnh Hải Dương giành được HC vàng cá nhân ở nội dung kiếm ba cạnh nữ.

Vui sao, nuoc mat lai trao!

Ảnh: Dư Hải

Lo chuyện cưới xin trong vòng 11 ngày

Len lập gia đình cách đây ba năm với một cựu VĐV môn chèo thuyền. Hai người đã có một con trai hơn hai tuổi. Trước đó, Len đã tính việc giải nghệ để chăm sóc gia đình và sinh thêm con. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, đặc biệt là sự đam mê với nghề, cô quyết tâm theo đuổi thêm một thời gian nữa. Mục tiêu của cô trong đợt SEA Games lần này là đạt hai HC vàng, mua tặng gia đình bố mẹ hai bên hai chiếc ti vi.

Anh Nguyễn Huy Hòa (28 tuổi) đang theo dõi từng trận đấu của vợ, chia sẻ: “Mình cũng là một VĐV, mình hiểu được niềm đam mê thể thao như thế nào của vợ. Mình thấy hãnh diện hơn ai hết về những thành quả Len đã đạt được trong đợt SEA Game 28 này”.

Trong niềm vui, anh Hòa chia sẻ thêm về tình yêu của mình. Anh và Len quen nhau từ ngày cả hai được gọi vào Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh Hải Dương (năm 2003). Sau hơn bảy năm không liên lạc thường xuyên, anh gặp lại Len và họ đã đi đến kết hôn sau hơn một năm bốn tháng hẹn hò (2011). Thời gian họ gặp nhau rất ít bởi mỗi người một nơi và giành nhiều thời gian tập luyện.

Cuộc tình của Len và chồng có những chuyện khá thú vị. Thời điểm SEA Games 26 (2011), trước khi đi Indonesia, Len nói: “Nếu em giành được HC vàng, em sẽ… cưới anh”. Tất cả kế hoạch đám cưới của anh Hòa, chị Len đều được bàn bạc… qua điện thoại và từ hai địa điểm cách xa nhau. “Trong khi đang thi đấu tại SEA Games 26, Len đã điện thoại về cho tôi nói là muốn tổ chức đám cưới trong đợt này. Tôi gấp rút về xin ý kiến của hai gia đình. Tất cả mọi việc như: ăn hỏi, chụp ảnh cưới, đám cưới của bọn mình được thực hiện trong vòng 11 ngày”, anh Hòa kể.

Sau khi cưới, khoảng vài tháng sau Len có thai và xin ở nhà. Tuy nhiên, khi mới sinh được hơn năm tháng, cô lại phải để con ở nhà cho ông bà nội chăm sóc. “Những lúc vui vẻ mình thường trêu cô ấy, muốn có vàng hay muốn có gia đình. Cô ấy chỉ cười và không nói gì. Đã rất nhiều lần, vợ điện về cho mình và khóc vì nhớ con. Mình động viên cô ấy cố gắng cuối tuần về thăm nhà”, anh Hòa xúc động.

Bốn năm sau ngày cưới, trước khi sang Singapore, Len lại nói với chồng: “Nếu SEA Games này, em bảo vệ được HC vàng thì em sẽ nghỉ thi đấu để chuẩn bị sinh con thứ hai”. Nói là làm, “cô gái vàng” của môn đấu kiếm quyết định giải nghệ sau SEA Games 28 vì lý do sức khỏe và tập trung cho gia đình.

 TRẦN KHÁNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI