Vụ học sinh phải tát bạn 231 cái: kiểm điểm hiệu trưởng 'hỏi cung' học trò

03/12/2018 - 16:32

PNO - Phòng GD-ĐT huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã gửi công văn yêu cầu trường Trường THCS Duy Ninh kiểm điểm hành động điều tra học sinh bằng phiếu điều tra.

Ngày 3/12, Phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình xác nhận, đơn vị vừa nhận được báo cáo số 46 từ Ban giám hiệu Trường THCS Duy Ninh (xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh) về việc nhà trường điều tra học sinh bằng phiếu điều tra liên quan đến vụ em H.L.N (11 tuổi) bị 231 cái tát.

Ông Võ Thái Hòa - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Quảng Ninh cho biết, Phòng đã nắm rõ việc lãnh đạo trường THCS Duy Ninh yêu cầu nhiều em học sinh trả lời phiếu điều tra với 19 câu hỏi.

Vu hoc sinh phai tat ban 231 cai: kiem diem hieu truong 'hoi cung' hoc tro
 

Không tán thành với hành động này của Hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh, Phòng GD-ĐT huyện Quảng Ninh đã gửi công văn yêu cầu trường kiểm điểm. Thay vì chấp hành nghiêm túc các ý kiến của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và huyện Quảng Ninh, Ban giám hiệu Trường THCS Duy Ninh lại buộc 23 học sinh của lớp 6/2 viết lời khai.

Cũng theo ông Hòa, đến chiều ngày 3/12, cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Phương Thủy (41 tuổi, xã Duy Ninh) vẫn đang được điều trị tại bệnh viện. Học sinh trường THCS Duy Ninh đi học bình thường.

Bà Phạm Thị Lệ Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh thừa nhận, có sự việc "điều tra" này và cho rằng, việc điều tra 23 em học sinh bằng việc "lấy lời khai" này không có gì sai trái, mục đích nhằm tìm ra sự thật của 231 cái tát mà em H.L.N phải nhận. 

Vu hoc sinh phai tat ban 231 cai: kiem diem hieu truong 'hoi cung' hoc tro
Bà Phạm Thị Lệ Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh

Từ đó, bà Phạm Thị Lệ Anh thực hiện báo cáo số 46/BC-THCSDN gửi Huyện ủy Quảng Ninh, UBND huyện Quảng Ninh, Phòng GD-ĐT Quảng Ninh vào ngày 26/11. Báo cáo có đoạn: “Chiều 24/11/2018 nhà trường đã điều tra học sinh bằng phiếu điều tra. Kết quả phiếu lấy ý kiến từ 23 học sinh như sau: Sự việc xảy ra học sinh bị các bạn tát 231 cái tát là có thật nhưng trong đó có 13 em tát nhẹ, 8 em tát vừa, 2 em tát mạnh. Cô T. có chứng kiến 1 bạn tát sau đó mới rời khỏi lớp (11/23 em trả lời), 1 em trả lời chứng kiến 4 bạn tát, 1 em trả lời chứng kiến 3 bạn tát, 3 em không để ý). Một số học sinh (giấu tên) khẳng định rằng các em bị nhà trường "cấm" nói việc cô Thủy đã phạt tát bao nhiêu bạn, một số bạn vì bức xúc nên viết vào, một số bạn vì sợ mà viết thành 0 bạn. Nếu phát hiện ai nói sẽ có hình thức tương xứng vì đó là danh dự nhà trường”. 

Bà Phạm Thị Lệ Anh cho biết: “Nhà trường tổ chức lấy ý kiến các em vào ngày 24/11, khi sự việc mới xảy ra, cơ quan công an chưa vào làm việc. Việc lấy ý kiến học sinh lớp 6/2 chỉ để nhằm mục đích nắm thông tin. Đó không phải gọi là điều tra, lấy phiếu hay ép cung gì cả. Bản thân học sinh là người chứng kiến sự việc nên nhà trường hỏi để nắm bắt sự việc. Bởi nếu chỉ hỏi cô giáo thì không tìm hiểu kỹ được vấn đề. Nhà trường không phải hỏi cung các em mà chỉ hỏi thông thường để các em trả lời. Các em nhớ đến đâu thì trả lời đến đó. Sau khi lấy ý kiến từ các học sinh lớp 6/2, nhà trường đã tổng hợp lại thành báo cáo gửi về Phòng Giáo dục huyện Quảng Ninh”.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, thầy Nguyễn Vũ - giáo viên Trường THPT chuyên Quốc học Huế cho rằng, lãnh đạo trường THCS Duy Ninh làm sai luật. Công việc, chức năng của ban giám hiệu không có nhiệm vụ điều tra học sinh, việc lấy phiếu thăm dò là không thể chấp nhận được. 

“Hiệu trưởng đã không công khai xin lỗi, mà còn tìm cách đổ thừa, đổ lỗi cho các cháu, cho rằng các cháu là những người làm ồn chuyện, và sau đó là dằn mặt phụ huynh lên tiếng phản đối”, thầy Nguyễn Vũ nêu quan điểm.

Thầy Nguyễn Vũ nói: “Việc cần thiết và quan trọng trong giai đoạn này là hội đồng giáo dục của trường rút kinh nghiệm sau sự việc như thế nào, đã giúp cô giáo nhận thức thấy rõ được những sai sót của mình hay chưa. Cùng đó, giáo dục, rút kinh nghiệm với học sinh chống bạo lực học đường, ổn định môi trường sư phạm nhà trường,... Từ đó tạo ra môi trường dân chủ để khuyến khích học sinh dám thể hiện ý kiến của mình về những việc mình cho là sai trái. Có thể trường nói là điều tra, khảo sát để muốn tìm ra sự thật nhưng thực tế có thể vì áp lực hay nỗi sợ hãi mà những “lời khai” cũng không dám nói lên sự thật. Như vậy kết quả khảo sát cũng sẽ không thể khoa học, không phản ánh đúng bản chất vấn đề, sự việc”.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI