Vũ điệu hoa văn Sài Gòn qua góc ảnh của Brice

25/11/2021 - 06:32

PNO - Sài Gòn thân thương của nhiếp ảnh gia Brice Coutagne là vũ điệu hoa văn sống động được thêu dệt bằng ký ức của ngày hôm qua.

Gã Bụi Đời đặc biệt

Brice đến Việt Nam lần đầu vào năm 1997 trong một chuyến du lịch ba tuần. Khi ấy anh đang sống và làm việc ở Quảng Tây (Trung Quốc). Từ bên kia biên giới, chàng trai Pháp đến Hà Nội, ghé Nha Trang. Sau đó, anh quay lại Hạ Long rồi về Trung Quốc.

Năm 2006, khi đang làm giáo viên tiếng Pháp ở Nhật Bản, anh quyết định chuyển đến Việt Nam sinh sống vì mong muốn có một nền văn hóa làm việc “thoải mái” hơn. Ngoài mến thương Việt Nam, chàng trai trẻ khi ấy đã phải lòng một cô gái người Việt. Tình yêu và lẽ sống, anh chọn gắn bó với Sài Gòn.

“Với tôi, Việt Nam trở thành một quốc gia rất đặc biệt. Từ những ngọn núi hiểm trở khó tin ở phía Bắc đến phương ngữ đa dạng, ẩm thực độc đáo từ Bắc vào Nam, hệ thống di tích lịch sử phong phú...”

Sài Gòn là nguồn cảm hứng vô tận trong nhiếp ảnh của Brice
Sài Gòn là nguồn cảm hứng vô tận trong nhiếp ảnh của Brice

Những năm đầu sống ở Sài Gòn, Brice cho biết nơi đây mang đến những trải nghiệm thú vị. Anh luôn gặp khó khăn khi cố gắng tổng kết một ngày trước khi đi ngủ vì có quá nhiều thứ đã xảy ra từ công việc, những địa điểm, con người cho đến những thanh âm, mùi vị và sắc màu của thành phố.

Chính khác biệt và mới lạ ấy đã thôi thúc anh cầm máy ảnh khám phá thành phố năng động này. Năm 2009, sau khi hoàn thành xong tác phẩm về những viên gạch men ở Sài Gòn, anh nhận ra đó chính là công việc mà anh muốn theo đuổi. Hành trình sưu tầm hoa văn Sài Gòn cũng bắt đầu từ đó.

Sài Gòn, chính sự pha trộn giữa cũ và mới, truyền thống và hiện đại là điều mà Brice đang cố gắng mang vào trong mỗi tác phẩm. Ở đó, kiến trúc có sự pha trộn của nhiều phong cách khác nhau. Văn hóa đường phố với không gian hẻm vô cùng đặc biệt vì không có ranh giới giữa trong nhà và ngoài trời. Những cánh cửa luôn được mở, gọi mời mọi người khám phá.

“Tôi bắt đầu với những mẫu gạch men ở Sài Gòn. Bức ảnh ghép đầu tiên đã mở ra một thế giới mới. Tôi bắt đầu nhìn thành phố theo một cách khác và cố gắng tập trung vào các hình ảnh, biểu tượng độc đáo của cảnh quan đô thị. Tôi chụp lại và minh họa các hình ảnh ấy với sự phong phú về hình dạng và màu sắc”, anh chia sẻ.

Gạch men Sài Gòn xưa
Gạch men Sài Gòn xưa

Từ những đồ vật, hình ảnh đời thường của Sài Gòn, khi ghép chúng lại với nhau, tạo nên ấn tượng trực quan khiến nó trở nên duy nhất. Brice cho biết các tác phẩm đều phải có một tiêu chuẩn nhất định gồm sự xuất hiện lặp đi lặp lại của nó, sự hấp dẫn về mặt thị giác và sự tách biệt, đóng khung trong một chỉnh thể.

Bắt đầu dự án này cách đây 12 năm, cho đến nay Brice đã hoàn thành 21 tác phẩm. Lang thang khắp thành phố cùng chiếc máy ảnh, đôi lúc, Brice sợ hãi khi thấy mình giống những kẻ mất trí đi tìm những vật thể lạ. Thời gian đầu anh làm khá chậm, để hoàn thành một bức ảnh ghép anh có thể mất từ 8 đến 18 tháng. Tác phẩm về quạt trần anh mất gần 2 năm để hoàn thành.

Dệt hoa văn thành phố

Phong cách typography với chữ cái được khắc theo hình tròn ở đình làng, cổng chính và lăng mộ của đền thờ ở Việt Nam luôn khiến nhiếp ảnh gia Pháp hào hứng. Anh cho rằng đây là một cách làm rất thông minh để lưu giữ những giá trị truyền thống khi chữ cái được cách điệu, phải xoắn sao cho vẫn có thể được bao quanh thành hình tròn.

Một nét văn hóa độc đáo khác của phong cách typography Việt Nam cũng khiến Brice trầm trồ là biểu tượng chữ “Thọ”. Tuy chỉ là một chữ nhưng nó có vô số phiên bản ở nhiều địa điểm tâm linh khác nhau ở Sài Gòn. Brice ví von hình ảnh ấy như những ốc đảo yên tĩnh trong một đô thị hỗn loạn. Anh cũng gợi ý ta có thể tìm thấy nó nhiều hơn ở Huế, kinh đô cũ của triều Nguyễn.

Biểu tượng chữ Thọ tại các công trình tôn giáo
Biểu tượng chữ Thọ tại các công trình tôn giáo

Một trong những ký ức của Sài Gòn xưa khiến Brice thích thú còn là những biển quảng cáo vẽ tay. Anh kể mình đã rất thất vọng khi nhìn thấy các quầy hàng ở chợ Bình Tây được tân trang lại hoàn toàn. Tất cả các bảng hiệu sơn tay độc đáo đã được thay thế bằng các bảng màu đỏ và trắng giống nhau.

“Tôi thấy may mắn khi có thể chụp được hơn một trăm bảng hiệu xưa trong khu chợ trước khi tất cả chúng biến mất. Với tôi, những bảng hiệu vẽ tay là di sản đáng chú ý của đời sống thương mại ở Sài Gòn xưa”, anh chia sẻ.

Biển hiệu vẽ tay ở chợ Bình Tây cũ
Biển hiệu vẽ tay ở chợ Bình Tây cũ

Cuộc sống ngày càng hiện đại, nhiều biểu tượng trở thành kỷ niệm, ngày hôm qua trở thành ký ức. Sống và làm việc hơn 15 năm ở Sài Gòn, chứng kiến bao đổi thay của thành phố, Brice cho rằng công việc của mình giản đơn chỉ là nhặt nhạnh từng mảnh ký ức rồi tỉ mẫn đan gài, dệt từng hoa văn. Cái người ta hoài niệm chính là cái đã mất đi. Đó là động lực để anh tiếp tục truy tìm và hồi sinh những điều đẹp đẽ của một thời.

Theo Brice việc bảo tồn và số hóa các hoa văn, họa tiết dưới dạng trực quan sẽ có ý nghĩa hơn khi có sự gắn kết, mỗi người một vai trò: các nhiếp ảnh gia có vai trò thiết yếu, cùng với các nhà lưu trữ và các nhà nghiên cứu tạo ra và cập nhật liên tục để có được cơ sở dữ liệu toàn diện. 

“Tôi vui vì công việc ý nghĩa hiện tại mà mình đang theo đuổi. Tôi có một vài ý tưởng khác cho dự án của mình và hy vọng có thể lại lân la, khám phá Sài Gòn trong những ngày cuối tuần khi đại dịch lắng xuống. Tôi sẽ tiếp tục mang theo máy ảnh của mình đến bất cứ nơi nào tôi đến vì bạn không bao giờ biết khi nào có thể chụp được một bức ảnh đẹp. Tốt nhất là hãy luôn trong tư thế sẵn sàng”, anh chia sẻ.

Một vài tác phẩm khác của Brice:

Xe hàng rong Sài Gòn
Xe hàng rong Sài Gòn
100 chiếc quạt trần từ Việt Nam và Campuchia
100 chiếc quạt trần từ Việt Nam và Campuchia
Phong cách typography với chữ cái được khắc theo hình tròn ở Sài Gòn, Bình Dương và Đồng Nai
Phong cách typography với chữ cái được khắc theo hình tròn ở Sài Gòn, Bình Dương và Đồng Nai
Những chiếc cổng sắt trong hẻm quận 3
Những chiếc cổng sắt trong hẻm quận 3
Biểu tượng chữ Thọ từ Huế đến Sài Gòn
Biểu tượng chữ Thọ từ Huế đến Sài Gòn
Đa dạng biển số xe máy ở Sài Gòn
Đa dạng biển số xe máy ở Sài Gòn
Những thiết kế độc đáo của cửa sắt
Những thiết kế độc đáo của cửa sắt
Ô thông gió, nét kiến trúc hiện đại độc đáo của Việt Nam
Ô thông gió, nét kiến trúc hiện đại độc đáo của Việt Nam
Mặt tiền nhà ống từ quận 1 đến Chợ Lớn
Mặt tiền nhà ống từ quận 1 đến Chợ Lớn
Những chiếc cửa sổ từ Sài Gòn đến Biên Hòa
Những chiếc cửa sổ từ Sài Gòn đến Biên Hòa

 

Tấn Đồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI