Vợ nộp đơn ly hôn khi chồng thất thế

04/04/2022 - 05:49

PNO - Chồng tụt dốc trong sự nghiệp, thay vì ở bên động viên, có người vợ chọn cách rời đi. Có phải họ cạn tình cạn nghĩa không?

Vài ngày trước, tôi đọc một bài báo liên quan tới chuyện người vợ cư xử như thế nào khi chồng ngã ngựa. Trong hoàn cảnh ấy, người ta thường ca ngợi những người vợ can đảm ở lại, cùng chồng vượt qua khó khăn. Những ai rời đi, thường bị xem là người bội bạc. Nhưng, “có nằm trong chăn mới biết chăn có rận”, chuyện bên trong, người ngoài sao có thể tỏ tường.

Người bên ngoài làm sao biết được nội tình bên trong (Ảnh minh họa)
Người bên ngoài làm sao biết được nội tình bên trong (Ảnh minh họa)

Chợt tôi nhớ tới câu chuyện của một người bạn học từ thời phổ thông. Hôm ngồi với mấy người bạn cũ, tôi biết Ngân vừa mới nộp đơn ly hôn. Có cô bạn làm ở tòa án quận còn biết Ngân nhờ tìm luật sư trợ giúp pháp lý việc chia tài sản khi ly hôn.

Nghe kể như vậy, mấy người bạn của tôi bỗng nhao nhao lên bàn tán. Có người nói Ngân trông hiền lành vậy mà cũng là người “trở mặt”, chồng vừa sa cơ lỡ vận đã vội ly hôn để được chia tài sản thủ thân.

Tôi ngồi im, không nói câu nào. Ngày nhỏ, tôi và Ngân gần nhà nhau nên khá thân thiết. Cô bạn lấy được một ông chồng giàu, giỏi kinh doanh, lại điển trai cao ráo, con cái lại đủ trai, gái; đều xinh xắn, ngoan ngoãn, khiến nhiều người ngưỡng mộ. Nhưng mấy ai biết sống trong cuộc hôn nhân tưởng chừng hoàn mỹ ấy, suốt mười lăm năm, Ngân đã rơi bao nhiêu nước mắt.

Ngày còn yêu Ngân, Hùng đã qua lại với cô gái khác. Ngân biết, định chia tay nhưng lúc đó lại phát hiện ra mình mang thai. Cô đành tặc lưỡi cưới Hùng và nghĩ rằng: cưới vợ rồi anh ấy sẽ thay đổi. Nhưng “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”.

Mười lăm năm làm vợ chồng, Hùng cũng thay hơn chục cô nhân tình. Ban đầu, Ngân còn làm căng, nhưng khi nhận ra có làm toáng lên cũng chỉ thiệt mình, thiệt con, cô đành im lặng. Trót đâm lao thì phải theo lao, người vợ tội nghiệp cố trưng lên cái mặt nạ hạnh phúc để cho con cái nghĩ chúng có một gia đình trọn vẹn.

Khi đã làm vợ tổn thương, dù chồng có hối cải, phụ nữ vẫn muốn ra đi. (Hình minh họa)

Khi đã làm vợ tổn thương, dù chồng có hối cải, phụ nữ vẫn muốn ra đi (Ảnh minh họa)

Không chỉ lăng nhăng trai gái, Hùng còn là người rất gia trưởng, khó tính và độc đoán. Bữa cơm của anh lúc nào cũng phải có đủ món nọ, món kia, các món ăn phải được nấu đúng yêu cầu, đầy đủ rau thơm, gia vị. Nếu vợ lỡ quên mua ớt cắt vào bát nước mắm, Hùng cũng lập tức cáu gắt, thậm chí nổi nóng.

Hùng ốm, dù là bị cảm nhẹ, Ngân cũng phải xin nghỉ ở nhà chăm sóc chồng. Còn Ngân vào viện cấp cứu anh ta cũng mặc kệ, vẫn ở bên ngoài vui vẻ với cô gái khác. Nếu Ngân có tủi thân, trách móc vài câu, Hùng sẵn sàng buông ra những lời khinh miệt như: “Công việc của tôi là hợp đồng tiền tỷ, người tháng kiếm hơn chục triệu như cô làm sao hiểu được”.

Sau nhiều lần như thế, Ngân chẳng buồn để ý tới sự có mặt của chồng nữa. Những khi đau bệnh, cô tặc lưỡi “tự lo lấy thân”, nếu bệnh nặng quá thì nhờ em gái hay bạn bè.

Hùng luôn coi cha mẹ vợ là người ngoài. Dù ở cách nhà bố mẹ vợ có bảy cây số, nhưng một năm anh ghé chơi với ba mẹ cô không quá ba lần. Vậy nhưng bên nội có chuyện gì, chỉ cần Ngân tới chậm một chút là có chuyện với chồng. Anh ta sẽ chì chiết, nói cô không làm tròn bổn phận con dâu, chồng đã cung phụng tiền bạc nhưng không biết điều.

Nhiều người nói chồng Ngân giàu, sao cô phải đi làm cho cực, cứ ở nhà làm “phu nhân” có phải hơn không. Nhưng Ngân biết, nếu bản thân không làm ra tiền để tự lo cho mình, thì Hùng càng coi thường vợ. Ngân định đến khi hai con vào đại học sẽ ly hôn, tính ra cũng chỉ còn 5 nữa thôi. Ai ngờ, mọi việc đến sớm hơn cô nghĩ.

Công việc làm ăn thất bại, phải bán mấy mảnh đất và nhà xưởng để trả nợ, vẫn không cứu được công ty, Hùng như người trên đỉnh cao bỗng chốc rơi xuống vực. Hai năm Covid anh mất tích, không buồn về thăm hay gọi hỏi chuyện con.

Những cô nhân tình trẻ trung thấy anh ta “ngã ngựa” cũng lần lượt nói lời tạm biệt. Mới đây, Hùng về năn nỉ Ngân bán nhà lấy tiền cho anh ta trả nợ, làm lại từ đầu. Thế có nghĩa mẹ con Ngân phải ra ngoài thuê phòng trọ và trang trải cuộc sống với đồng lương chỉ hơn mười triệu của cô.

Ngân không muốn đàn con lay lắt ngoài đường vì người chồng, người cha chẳng đáng tin. Cô nghĩ tới giải pháp ly hôn hi vọng may chăng giữ được giá trị nửa căn nhà mà lo cho con cái.

Con gái lớn của Ngân cũng động viên cô: “Lâu nay mẹ khổ quá rồi. Mẹ kệ ông ấy đi. Chị em con luôn ủng hộ mẹ!”. Được con gái tiếp thêm sức mạnh, cô dũng cảm tìm hiểu các thủ tục liên quan tới tài sản khi ly hôn và nộp hồ sơ lên tòa.

Ngân tâm sự với tôi, cô biết nhiều người nội ngoại đang nói cô “cạn tình cạn nghĩa”, nhưng cuộc đời này là của mẹ con cô, không phải của người ta. Vả lại, đàn bà có thể chịu thiệt cho mình, chứ dễ gì họ đặt lương lai con cái vào may rủi.

                                                                   Ngọc Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI