Vợ nghiện "chốt đơn"

08/01/2025 - 08:00

PNO - Hãy cùng vợ lên danh sách những gì cần mua và rủ cô ấy đi siêu thị, cửa hàng, biến những buổi đi mua sắm chung thành thời gian thư giãn.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Ngày ngày tôi luôn cầu mong các trang mua bán online nổi tiếng sớm sập tiệm vì chúng là nguồn cơn khiến vợ chồng tôi cãi nhau triền miên.

Lúc trước, tôi cứ vui vì nghĩ vợ tôi không phải là người mê mua sắm. Tôi biết phụ nữ thường mắc "căn bệnh" này. Thật ra bây giờ tôi mới hiểu chẳng qua do cô ấy không có thời gian đi mua sắm và không có nhiều tiền để mua sắm. Đi làm suốt ngày từ sáng tới chiều tối, lương ba cọc ba đồng thì mua sắm lúc nào và tiền đâu mà mua!

Nhưng từ khi xuất hiện các trang mua sắm trực tuyến, nhà tôi lúc nào cũng như kho hàng xén. Vợ tôi mua bất kể thứ gì có giá từ 300.000 đồng trở xuống với lý do: "Rẻ quá trời rẻ", "Không ưng có thể đổi trả được"...

Tiếng là rẻ, chứ cứ trung bình mỗi món khoảng 100.000 đồng mà mua 10 món thì cũng hết cả triệu. Vậy mà ngày nào vợ tôi cũng lướt xem, cũng chốt đơn miệt mài, đến mức mọi ông shipper đều quen thuộc với nhà tôi. Lúc giao hàng, họ chỉ cần quăng vào sân, vợ tôi cứ thế chuyển khoản sau cho họ.

Nếu vợ tôi chỉ mua đúng những thứ cần thiết thì tôi cũng không bực mình. Đằng này có nhiều thứ mua về mà rồi không dùng đến, không dùng được do chẳng phù hợp. Nhiều món trên hình đẹp lung linh mà khi nhận thì chất lượng không thể nào chấp nhận.

Có món mua xong đổi trả dễ dàng. Có món khi đổi trả thì người bán lặn mất tăm hay nhất định không hoàn tiền. Thế là tôi lại phải điên đầu nghe vợ cãi nhau với họ.

Đó là chưa kể có những khi vợ tôi mua của ai đó trên các trang bán hàng của Facebook, rồi không thuận mua vừa bán thế nào mà họ nhắn tin cho cả tôi chửi bới vợ tôi; nhắn tin cho cả bạn bè, người quen của tôi trên Facebook để "bóc phốt" vợ chồng tôi.

Vì những chuyện như thế mà tôi và vợ cãi nhau đến mức suýt nữa thì đánh nhau. Sau lần đó, tôi chặn Facebook vợ để khỏi bị làm phiền và để người quen của tôi không bị làm phiền.

Nhiều lần gặp sự cố này kia, vợ tôi hứa không mua sắm trên mạng nữa vì hàng hóa thật giả lẫn lộn, mất tiền không kiểm soát... Nhưng cô ấy chỉ cai được một thời gian, rồi tôi lại chứng kiến cảnh các gói hàng ùn ùn đổ về.

Tôi phải làm sao để giúp vợ cai nghiện mua sắm online, thưa chị Hạnh Dung?

Trung

Ảnh minh họa: Internet

Anh Trung thân mến,

Hình như căn bệnh nghiện mua sắm đang lây lan trong mọi giới, mọi lứa tuổi chứ không phải chỉ riêng với phụ nữ. Tôi cũng nghe các bà vợ càm ràm về chuyện mua sắm online của các ông chồng, các bậc cha mẹ điên đầu với chuyện mua từ một tô hủ tíu, tới cái tivi của con cái cũng qua mạng....

Mua sắm online trở thành thói quen, sở thích, sự nghiện ngập của rất nhiều người.

Vì sao người ta thích mua sắm online? Câu trả lời hết sức đơn giản: Vì nó tiện lợi. Nó giúp người ta được "xem" hàng thoải mái, cân nhắc, chọn lựa; nó cho người ta một không gian mua hàng rất thú vị. Vì nó không tốn chi phí mặt bằng, thuê người bán hàng... nên thường rẻ hơn... Vì thế, nó khiến nhiều người bị nghiện.

Không ít người đã nhận những bài học đau thương, dở khóc dở cười với chuyện mua hàng trên mạng. Có người "cạch", có người lại ráng rút ra hết bài học này tới bài học kia để tiếp tục mua hàng, vì mua sắm giúp xả stress sau những giờ làm việc.

Tất cả sự khó chịu là anh nhận được từ việc vợ đam mê mua sắm trên mạng, Hạnh Dung từng nghe ở nhiều người khác. Nhưng, giúp vợ anh cai nghiện là điều vô cùng khó nếu cô ấy không tự nguyện và... vẫn còn tiền dư.

Để giúp vợ cai nghiện, anh nên trò chuyện, thuyết phục cô ấy tự cai nghiện . Nếu cô ấy từng chấp nhận điều đó thì có vẻ dễ hơn phần nào. Việc của anh là động viên vợ cai nghiện lần nữa với sự giúp sức của anh.

Trước tiên, anh hãy cùng vợ kiểm tra lại ngân sách, đề ra những khoản ngân sách cố định cho việc mua sắm, nhắc nhở vợ cân nhắc kỹ hay lưu lại danh sách những gì mình muốn mua để vài ngày sau hãy quay lại "chốt đơn". Cam đoan với anh là khi làm như thế, chỉ qua ngày hôm sau, vợ anh sẽ nhận thấy phân nửa số hàng định mua đó thật ra không cần thiết.

Anh cũng có thể cùng vợ lên danh sách những gì gia đình đang cần và rủ cô ấy đi siêu thị, cửa hàng, biến những buổi đi mua sắm chung thành thời gian thư giãn, dạo chơi, tạo cho cô ấy thói quen mua sắm mới thú vị hơn... Khi được vui vẻ cùng chồng bàn luận về những gì cả hai cùng quan tâm, cô ấy sẽ dần hình thành thói quen mua sắm mới. Thói quen đó phần nào nằm trong sự kiểm soát của anh nhưng sẽ không khiến cô ấy cảm thấy khó chịu.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(11)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI