Vinh Khuất: Ông này điên thế nhỉ!

17/01/2020 - 07:08

PNO - Nhạc sĩ Việt kiều Đức cho rằng, tỷ lệ người làm nhạc thành công rất nhỏ nên không điên khó có thể theo nghề. Bởi thế, anh “bán linh hồn” cho công việc mình đã chọn.

 


Vinh Khuất sinh ra ở Hà Nội, 1 tuổi, theo cha mẹ sang Đức. Như bao đứa trẻ châu Á sống giữa lòng châu Âu, anh được gia đình “ép” học piano từ nhỏ. Năm lên 4 tuổi, Vinh Khuất bị mẹ bắt học nhạc, ngoài đàn dương cầm, anh còn được gia đình “tặng kèm” một cây accordion để tập.

Bù lại những giờ lẽ ra được chơi bóng với chúng bạn thỏa thuê, Vinh Khuất phải ngồi với những phím ngà. Nhờ những ngày tháng khổ luyện đó, anh đã trở thành một trong các thanh niên gốc Việt đầu tiên tốt nghiệp Nhạc viện Hannover. Sau đó, Vinh Khuất tham gia cuộc thi Boss Loop Station World Championship và giành giải nhất. Anh cũng giành được vô số giải thưởng âm nhạc quốc tế, trong đó phải kể đến giải ba cuộc thi New Ware (cuộc thi tìm ra những gương mặt trẻ đại diện cho nền nhạc Pop đương đại) thế giới, mang về 20.000 euro (tương đương nửa tỷ đồng), ở tuổi 25.

Khi Friend Zone (tựa Việt: Yêu nhầm bạn thân) được công chiếu, khán giả Việt mê đắm ca khúc nhạc phim So long. Nhưng lúc Vinh Khuất xuất hiện trên sóng truyền hình với Quá lâu (So long phiên bản tiếng Việt - PV) anh mới thực sự trở thành một hiện tượng được tìm kiếm tại Việt Nam. Bài hát có giai điệu đơn giản nhưng được phối rất thú vị nhờ kết hợp nhiều loại nhạc cụ với piano. Âm hưởng của kèn, nhị góp phần gây nên một sự nhớ thương đặc biệt với bất cứ ai được nghe qua ca khúc.

Đặc biệt, màn trình diễn tự tin, mạnh mẽ “như một kẻ bán linh hồn cho âm nhạc” của chàng nghệ sĩ Việt kiều nhanh chóng chiếm được cảm tình của khán giả nước nhà. Ca từ bài hát như lời tỏ tình của chàng trai dành cho cô gái một cách trực diện nhưng hóm hỉnh giờ đây được coi như lời tỏ tình của Vinh Khuất với khán giả quê hương. Nhắc đến Vinh Khuất, người yêu nhạc có lẽ đều không thể quên bài hát này. Đến nay, ngoài Quá lâu, người dõi theo Vinh Khuất đều có thể kể tên những bài hát đậm cá tính riêng của anh như: Điệu valse cuối, Lẽ ra, Còn đây, Nghiện, Im đi

Sau một số chương trình truyền hình, Vinh Khuất trở lại Việt Nam với một set biểu diễn hoành tráng tại Hoàng thành Thăng Long trong lễ hội âm nhạc Gió mùa - Monsoon Music Festival, đầu tháng 11. Anh đã thổi tung sân khấu với những phần trình diễn hết mình, giữa những ngày Hà Nội bắt đầu đổi mùa, mưa phùn lất phất bay.

Cũng trong lần tái ngộ với khán giả quê hương, anh lần đầu hé lộ “gia thế” nhà nòi đáng nể của mình: ông ngoại là giảng viên dạy accordion, saxophone, cậu ruột là trưởng khoa thanh nhạc, cô là giảng viên piano. Tất cả đều từng và đang làm việc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Riêng mẹ Vinh Khuất cũng từng là người làm quản lý trong ngành văn hóa khi còn ở quê hương. 

Vinh Khuất cũng lý giải rất vui vì sự “bắt ép” con cái theo âm nhạc của gia đình từ thơ bé, cũng như việc viết tiếng Việt giữa lòng nước Đức, và câu chuyện mang những âm thanh của nhạc cụ Việt Nam vào các sáng tác đầy tính Tây hóa của mình.

Phóng viên: Những âm thanh của nhạc cụ Việt như: sáo, nhị, đàn tơ rưng đến với anh thế nào, khi anh sống ở Đức với gia đình từ nhỏ?

Nghệ sĩ Vinh Khuất: Tôi học piano từ năm lên bốn, còn các nhạc cụ Việt như đàn tranh, đàn bầu, đàn tơ rưng đều học từ gần 20 năm trước rồi, khoảng lúc lên 10 tuổi. Lần ấy, tôi bất ngờ gặp cô Hà (giảng viên ở Học viện Nghệ thuật Quân đội) ở một buổi biểu diễn bên Đức. Nghe cô chơi nhạc, thích quá, tôi đăng ký học. Cô Hà thỉnh thoảng bay show sang Đức biểu diễn dài ngày, tôi tranh thủ khoảng thời gian đó để học. Tôi mua lại nhạc cụ của cô, khi cô về nước, tôi tự xem thêm hướng dẫn trên YouTube rồi tập.

Việc tôi dù làm pop, jazz hay rock… luôn thích trộn chúng với các nhạc cụ dân tộc, là bởi những âm thanh đó giúp tôi nghe thấy vui tai hơn.

Khán giả nước ngoài khi nghe nhạc của tôi - tôi nghĩ họ nhận ra có cái gì đó mới, đặc biệt. Nhạc lý phương Tây chỉ có 7 nốt đều chằn chặn, còn giai điệu nhạc cụ của người Việt có nhiều không gian hơn. Tôi thích trộn các giai điệu đó với nhau, đầu tiên nó giúp tôi thấy đỡ nhàm chán, sau đó khán giả cũng thích.

* Sang Đức từ khi một tuổi, anh duy trì tiếng mẹ đẻ ra sao để có thể sử dụng chúng nhuần nhuyễn trong việc đặt lời cho các ca khúc?

- Tôi dùng… google translate. Khi sáng tác, tôi luôn làm theo thứ tự: viết giai điệu, sau đó lời sẽ tự “chảy” đến. tôi sẽ soạn lời bằng tiếng Anh, tiếng Đức trước, sau đó dịch sang tiếng Việt. Xong, gọi mẹ kiểm tra lời Việt cho lần cuối (cười).

* Từng nhận nhiều giải thưởng âm nhạc tại Đức và châu Âu, cuộc sống của một nghệ sĩ trẻ ở bên đó thế nào?

- Tôi được làm công việc mình muốn và sống được với nghề. Ở Đức, có nhiều người hằng ngày tỉnh dậy không muốn đi làm, do họ không được làm công việc mình yêu thích. 

* Âm nhạc nuôi sống anh từ khi nào?

- Tôi học nhạc từ khi lên 4 cơ mà, vì thế, tôi cũng kiếm được tiền sớm từ âm nhạc. Tôi thích hát từ bé, nhưng mẹ bảo phải đợi vỡ giọng mới có thể học hát. Trong thời gian chờ có thể học thanh nhạc, tôi bị mẹ bắt học piano. Vừa học, tôi vừa tập sáng tác.

Năm 13-14 tuổi, một ông thầy trong trường có một buổi biểu diễn nhỏ, nhưng không có thời gian nên mới nói với tôi: “Em diễn nhé”, tôi nhận lời. Sự kiện đó mang về cho tôi 100 euro đấy. Đến 20 tuổi, tôi có thể kiếm thừa tiền tiêu cho bản thân 
rồi (cười). 

* Anh có biết khán giả Việt nhận xét gì về mình?

- Thứ mọi người chê nhất ở tôi là… bộ râu này (chỉ vào bộ râu - cười), rồi nói “không đẹp giai lắm”. Nhưng nhiều người khen nhạc của tôi, tôi tự hào lắm. Tôi không phải là người mẫu, tôi là người làm nhạc mà.

* Bình luận xuất hiện nhiều dưới các sản phẩm âm nhạc của anh là: “Anh ấy bán linh hồn cho âm nhạc”; “Điên quá”, tôi nghĩ sao về những điều này?

- “Bán linh hồn”, “Ông này điên thế nhỉ” là những câu tôi đọc được nhiều nhất. Tôi nghĩ nên điên mới làm nghề này được, bởi làm nhạc là nghề… nguy hiểm, phần trăm thành công rất nhỏ, không điên khó lắm. Nhưng chuyện bán linh hồn thì không đúng đâu, là dâng tặng đấy (cười).

* Mỗi màn biểu diễn dường như được anh dồn toàn bộ năng lượng. Sau mỗi lần như thế, anh thấy thế nào?

 - Tôi chết luôn (cười lớn). Tôi tập nhiều lắm. Tôi hoạt động theo hình thức one man band (ban nhạc một người) là chính, nên thường mang cả phòng thu nhỏ của mình lên sân khấu. Ở các chương trình tôi chơi live 100%, nếu chỉ cần làm sai một chút thôi, cả phần trình diễn sẽ bỏ đi. Vì thế, tôi gần như không được sai, hoặc phải biết biến cái sai đó thành một phần của màn trình diễn. Bởi thế, để chuẩn bị cho một tiết mục, tôi tập nhiều ngày, mỗi ngày từ 200 - 300 - 400 lần.

 * Anh bị mẹ bắt học đàn từ khi lên bốn, còn tiếng Việt?

- Ở nhà nói chuyện với bố mẹ là phải bằng tiếng Việt. Nếu không nói tiếng Việt, là… “tát phát vào mặt” luôn đấy (cười lớn). 

Phần ca từ trong các bài tôi viết, tôi đều hiểu 100%. Phải hiểu tôi mới hát được. Tôi từng hát bài người khác sáng tác, nhưng sau tôi thôi, bởi tôi không hiểu hết sẽ rất khó nhớ và tôi không thích cảm giác không biết mình đang hát gì. 

* Anh nghĩ gì về top trending trên YouTube, ở Đức tình hình ra sao?

- Lên top trending hầu hết đều là các MV rất đẹp. Tôi nghĩ họ phải mất nhiều tiền và thời gian vào việc làm MV hơn là làm nhạc. Cái đó cũng có mặt tốt và không. Theo trends có lượng người nghe đông, sản phẩm sẽ bán được tốt, kiếm 
tiền tốt.

Ở Đức hiện cũng có đông đảo công chúng thích top trending. Họ đang thích rap nhiều hơn, nhưng chủ yếu rap… bậy. Vì thế, muốn lên top trending phải biết rap bậy. Chẳng hạn, cô gái này bao nhiêu tiền, xe ô tô này có gì. Những thứ đó không gần với âm nhạc của tôi. 

* Nếu không chạy theo top trending, khi nào anh sẽ ra mắt album phòng thu?

- Tôi muốn khi ra album, nó phải là sản phẩm chỉn chu nhất. Mọi người chờ tôi thêm nhé!

* Cảm ơn những chia sẻ của anh.

Thục Khôi (thực hiện)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI