Việt Nam có hơn 24.000 tiến sĩ

25/04/2016 - 09:51

PNO - Hiện nay, Việt Nam có hơn 24.000 tiến sĩ, tính ra hơn một ngày có 1 tiến sĩ được "ra lò".

Quyền vụ trưởng Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng đã có những trả lời xung quanh vấn đề đào tạo tiến sĩ hiện nay.

Viet Nam co hon 24.000 tien si
Quyền vụ trưởng Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng. Ảnh: Dương Triều

Trả lời về vấn đề hơn một ngày có một tiến sĩ ra lò, quyền vụ trưởng Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng cho hay, chỉ tiêu của Học viện hiện nay là tổng chỉ tiêu của 17 Viện nghiên cứu thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Nếu chia bình quân cho các viện nghiên cứu thì số chỉ tiêu của mỗi cơ sở đào tạo không phải quá lớn.

Luận án tiến sĩ phải làm trong nhiều năm. Số lượng nghiên cứu sinh bảo vệ luận án trong một khoảng thời gian không phải là yếu tố phản ánh chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ ở Việt Nam còn chưa cao như ở các nước phát triển.

Về vấn đề số lượng tiến sĩ, hiện nay, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thống kê ở Việt Nam đang có hơn 24.000 tiến sĩ; Bộ Giáo dục và Đào tạo thống kê (năm 2015) có khoảng 15.000 tiến sĩ (bao gồm cả các giáo sư, phó giáo sư) công tác tại các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng.

Về chất lượng đề tài, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo, trong đó quản lý chất lượng đào tạo thông qua việc quy định các điều kiện (đăng ký mở ngành; số lượng và trình độ giảng viên…), tiêu chí của luận án, quy trình tổ chức thực hiện…

Còn việc “kiểm tra các đề tài nghiên cứu” cụ thể thì quy chế đào tạo đã quy định chủ yếu thuộc thẩm quyền của chuyên môn (người hướng dẫn, các hội đồng chấm, người phản biện độc lập, người thẩm định) và cơ sở đào tạo.

Cơ sở được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ có quyền tự chủ trong tuyển sinh và đào tạo thì trước hết sẽ phải có trách nhiệm đảm bảo chất lượng đào tạo và giải trình với cơ quan quản lý và với xã hội về chất lượng đào tạo.

Về điều kiện đào tạo tiến sĩ, từ năm 2011, điều kiện để cho phép các cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ ở nước ta được quy định và thực hiện theo Điều 3, Thông tư 38 ngày 22/12/2010 của Bộ Giáo dục.

Cơ sở đó phải đảm bảo đầy đủ về đội ngũ giảng viên cũng như chất lượng, trình độ của giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị... để đảm bảo chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ.

Về chỉ tiêu tiến sĩ, được xác định dựa trên thông tư 32/2015 của Bộ Giáo dục (trước đây là Thông tư 57/2011).

Chỉ tiêu tuyển nghiên cứu sinh = (số giảng viên trình độ tiến sĩ x 3 + số giảng viên chức danh phó giáo sư x 4 + số giảng viên chức danh giáo sư x 5) – (số nghiên cứu sinh hiện có – số nghiên cứu sinh dự kiến tốt nghiệp).

Trước đó, cuối năm 2015, theo báo cáo sơ kết giai đoạn 2011-2015 của Bộ KH&CN, tổng số bài báo, công trình khoa học được công bố quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015 là 11.738, gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2006-2010 với tốc độ tăng bình quân 19,5%. Thời điểm đó, Việt Nam có khoảng 24.000 tiến sĩ.

So với các nước trên thế giới, tổng công bố quốc tế của Việt Nam xếp thứ 59 (năm 2006-2010 xếp thứ 66 và 2001-2005 xếp thứ 73) và thứ tư của Đông Nam Á, sau Singapore (32), Malaysia (38) và Thái Lan (43).

Ngọc Lan (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI