Vì sao phụ huynh nơm nớp lo khi học sinh lớp 1 đi học lại?

08/12/2021 - 06:41

PNO - Hơn 2.700 học sinh lớp 1 đang nhiễm COVID-19. Cũng ở khối lớp 1, TPHCM có đến hơn 5.600 em còn đang kẹt ở tỉnh… Những con số này cộng với việc các em chưa được tiêm vắc xin, thế giới xuất hiện biến chủng mới Omicron đã khiến nhiều phụ huynh không chần chừ từ chối cơ hội cho trẻ quay lại trường vào giữa tháng 12 này.

Quá nhiều lý do để không đồng ý

Theo kế hoạch đã được TPHCM công bố, từ ngày 13/12, học sinh khối 1, 9 và 12 sẽ được thí điểm quay trở lại học trực tiếp trong vòng hai tuần. Ngoài học sinh khối 9, 12 đã được tiêm đủ hai mũi vắc xin ngừa COVID-19 thì việc cho học sinh lớp 1 quay trở lại trường học ở thời điểm này đã tạo ra nhiều băn khoăn, lo lắng nơi phụ huynh.

Anh Việt Dũng (Q.Bình Thạnh) có con đang học lớp 1 kể, cô chủ nhiệm vừa tổ chức họp phụ huynh trực tuyến để lấy ý kiến về việc có cho con đi học trực tiếp vào ngày 13/12 sắp tới không.

Trong buổi họp, phần lớn ý kiến phụ huynh đều lưỡng lự hoặc không đồng ý, chỉ có 5/40 người đồng ý. Riêng anh bỏ phiếu không đồng ý. “Chúng tôi ngại cho con đi học ở thời điểm này, bởi học sinh lớp 1 còn rất nhỏ, không đủ ý thức để phòng bệnh. Hơn nữa, F0 ngoài cộng đồng rất nhiều, con đi học một lớp 40 bạn đến từ 40 gia đình khác nhau, không test thường xuyên lỡ bị nhiễm thì thế nào? So với việc con sẽ thiệt thòi vì thiếu môi trường tương tác thì gia đình tôi chọn giữ an toàn. Dù rằng việc học online với trẻ lớp 1 thực sự khó khăn”, anh Dũng chia sẻ. 

Học sinh lớp Một tại Trường tiểu học Thạnh An (H.Cần Giờ, TP.HCM) đi học trực tiếp - ẢNH: PHÚC TRẦN
Học sinh lớp 1 tại Trường tiểu học Thạnh An (H.Cần Giờ, TPHCM) đi học trực tiếp - Ảnh: Phúc Trần

Chị Lê Thị Lan (Q.8) cho rằng, học sinh lớp 1 cần quay trở lại trường để gặp bạn bè, thầy cô, được uốn nắn và dạy những nét chữ đầu đời. Nếu để hổng kiến thức năm lớp 1 thì lên các lớp sau sẽ gặp không ít khó khăn. Nhưng với việc chưa tiêm vắc xin và xuất hiện biến chủng mới lây siêu nhanh, vợ chồng chị không yên tâm cho con đến trường. “Con đi học lại cũng chỉ học một buổi, gia đình vẫn phải đưa đón và giữ con từ giữa buổi nên tôi thấy cũng không giải quyết được vấn đề. Vì vậy, có thể để đến học kỳ II, sau khi các lớp lớn đi học lại dần ổn định, nhà trường có kinh nghiệm ứng phó rồi hãy cho học sinh các lớp nhỏ đi học”, chị Lan đề xuất. 

Theo nhiều phụ huynh có con học lớp 1, hiện các em chỉ học online môn toán, tiếng Việt và ngoại ngữ. Sau gần ba tháng, trẻ đã dần quen nên chẳng có gì phải gấp gáp quay trở lại trường ngay trong học kỳ I. Phụ huynh khi được khảo sát ý kiến có đến hơn 70% chưa đồng thuận cho con trở lại trường. Có ba trường tiểu học không có phụ huynh nào đồng ý cho con đi học lại từ ngày 13/12. 

Ngoài ra, theo thống kê mới nhất của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), hiện còn hơn 2.700 học sinh lớp 1 đang là F0. Trong đó, nhiều nhất là TP.Thủ Đức với 662 em, kế đến là huyện Hóc Môn và Q.12. Cá biệt, một trường tiểu học ở huyện Hóc Môn có đến 93 học sinh lớp 1 đang nhiễm bệnh. Đó là chưa kể số học sinh đang thuộc diện phải bị cách ly cũng rất đông. Còn số học sinh lớp 1 của TPHCM còn kẹt ở các tỉnh tới hơn 5.600 em.

Không học trực tiếp vẫn được học trực tuyến

Ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho rằng, để phụ huynh yên tâm, các địa phương khi xây dựng kế hoạch đi học trở lại cần phải đảm bảo an toàn và chỉn chu. Ngành giáo dục đã chuẩn bị phương án rất cụ thể sau khi thành phố ban hành kế hoạch, hướng dẫn các phòng GD-ĐT kế hoạch học trực tiếp cho từng cấp học. 

Theo ông Dương Trí Dũng, ngoài tổ chức dạy trực tiếp, các trường vẫn duy trì dạy học trực tuyến do một số học sinh chưa thể đến trường. Việc này nhằm đảm bảo cho học sinh bắt nhịp, nắm được kiến thức khi không đến trường học trực tiếp. Hiện, sở đang xin ý kiến Bộ GD-ĐT để đảm bảo thời lượng chương trình, khi các em học trực tiếp hay vừa học trực tuyến vừa học trực tiếp.

Để đáp ứng điều kiện bình thường mới, khi dạy học trực tiếp, các trường phải chủ động linh hoạt phương án dạy học khi xuất hiện ca nhiễm. Sở cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan về mặt chuyên môn, nhằm đảm bảo tâm lý cho phụ huynh và học sinh. Đặc biệt, cần kích hoạt lại tổ tư vấn tâm lý trong trường học để xử lý tình huống khi học sinh và phụ huynh có vấn đề sang chấn tâm lý, nâng đỡ tâm lý với học sinh thuộc nhóm yếu thế.

Hiện nay, các trường tiểu học tại TPHCM đang chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, phương án dự phòng để có thể đón học sinh quay lại trường theo nguyện vọng. Với những trường hợp không tham gia học trực tiếp thì vẫn tiếp tục học qua internet, qua truyền hình như bình thường.

Tại Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) có hơn 200 phụ huynh không đồng ý cho con học trực tiếp. Xong, theo nhà trường, có hơn 70 phụ huynh đồng ý có thể bố trí làm hai lớp để dạy trực tiếp. Cô Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay, trường đã chuẩn bị nhiều phương án kỹ càng nhằm đón học sinh lớp 1 quay trở lại trường an toàn nhất.

Dựa vào ý kiến phụ huynh, nhà trường chuẩn bị sẵn hai phòng học rộng, đó là thư viện và hội trường để đảm bảo khoảng cách an toàn. Chiều 6/12, trường đã hoàn thành việc kê bàn ghế học sinh ở hai phòng này, giữ đúng khoảng cách yêu cầu phòng dịch của ngành y tế. Mỗi phòng học sẽ có một nhà vệ sinh và sân chơi riêng. Học sinh vào trường theo một cổng, tổ chức phân luồng, rửa tay sát khuẩn và đo nhiệt độ bằng hai máy tự động đặt ngay ngoài sân.

Cô Đỗ Ngọc Chi cho rằng, lần tổ chức dạy trực tiếp thí điểm từ ngày 13/12 tới đây được coi như một cơ hội để tập dượt, chuẩn bị cho học sinh các khối đi học bình thường trở lại vào đầu năm 2022. Trong hai tuần thí điểm, trường chưa tổ chức bán trú và học buổi chiều cho học sinh do còn một số e ngại việc lây nhiễm dịch bệnh từ những người cung cấp nguyên liệu, thực phẩm bên ngoài vào trường. Sau đó, nếu tình hình học sinh học trở lại ổn định, lãnh đạo trường sẽ tính đến các phương án tiếp theo.

“Với những học sinh không đến trường học trực tiếp, trường sẽ tổ chức cho các em học trực tuyến như bình thường, sẽ có một bộ phận giáo viên phụ trách việc này”, cô Đỗ Ngọc Chi khẳng định. 

TPHCM: Tiếp tục đề xuất hỗ trợ học phí học kỳ II

UBND TPHCM vừa có tờ trình HĐND TPHCM về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn trong học kỳ II năm học 2021-2022. Đối tượng được hỗ trợ gồm: trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập (không bao gồm các học sinh đang học tại cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài). Mức hỗ trợ từ 20.000 - 200.000 đồng/tháng/học sinh, tùy theo cấp học và nhóm đối tượng. Thời gian áp dụng từ tháng Một đến ngày 31/5/2022.

UBND TPHCM dự trù kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ khoảng 533 tỷ đồng. Đề xuất này phù hợp với tình hình thực tiễn trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch COVID-19, kịp thời hỗ trợ, nhằm ổn định và chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, học sinh và người dân do ảnh hưởng của dịch bệnh. Trước đó, HĐND TPHCM cũng đã có nghị quyết miễn học phí cho học sinh các cấp trong học kỳ I của năm học này.

Thanh Thanh

 

Củng cố kiến thức cho học sinh trước khi kiểm tra học kỳ I

Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM vừa có hướng dẫn việc kiểm tra cuối học kỳ I năm học 2021 - 2022 ở các trường THCS, THPT, diễn ra từ ngày 10 đến 22/1/2022. Theo đó, vào thời gian tổ chức kiểm tra cuối học kỳ, đối với các trường ở địa bàn được xác định dịch cấp độ 1, 2, 3 và học sinh đã đi học trực tiếp thì tổ chức kiểm tra trực tiếp. Nếu trường ở địa bàn được xác định dịch cấp độ 4 và học sinh không thể đến trường học trực tiếp thì trường tổ chức kiểm tra theo hình thức trực tuyến. 

Đối với các học sinh thuộc diện F0, học sinh vì cách ly, giãn cách xã hội… không thể tham gia kiểm tra cuối học kỳ, nhà trường xem xét cho học sinh kiểm tra, đánh giá bổ sung sau khi đã dạy học, phụ đạo, bồi dưỡng bổ sung kiến thức. Sở cũng yêu cầu các trường rà soát, đánh giá hiệu quả việc tổ chức dạy học; tổ chức phụ đạo, bồi dưỡng, bổ sung kiến thức cho học sinh khi bắt đầu dạy học trực tiếp trở lại trước khi tổ chức kiểm tra cuối kỳ. Riêng các trường dạy chương trình tích hợp cần bố trí thời lượng dạy học trực tiếp cho các môn học tích hợp nhằm củng cố, bổ sung kiến thức cho học sinh trước khi kiểm tra cuối kỳ và đáp ứng chuẩn đầu ra theo yêu cầu của chuẩn quốc tế.

G.Tuệ

Tiêu Hà - Phúc Trầ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI