Vì sao phim hoạt hình Hollywood phủ kín rạp Việt?

09/07/2013 - 14:10

PNO - PN - Bên cạnh nội dung hấp dẫn, chiến dịch quảng bá công phu khi ra rạp cũng là lý do khiến phim hoạt hình Hollywood ngày càng sống khỏe ở thị trường VN.

Từ trước ngày công chiếu ở rạp (3/7), hình ảnh của bộ phim hoạt hình “bom tấn” Despicable me 2 (Kẻ trộm mặt trăng 2) liên tục xuất hiện thông qua một đoạn clip quảng cáo trên nhiều kênh truyền hình lớn. Buổi ra mắt phim cũng được “bày vẽ” một cách công phu. Bên cạnh đó, đơn vị phát hành phim còn đầu tư cho phần lồng tiếng Việt bằng việc mời gương mặt đang ăn khách Trấn Thành cho mượn giọng.

Despicable me 2 là phim hoạt hình “bom tấn” mới nhất trình chiếu ở VN trong năm 2013, sau The Croods (Cuộc phiêu lưu của nhà Crood) và Epic (Trận hùng chiến xứ sở lá cây). Từ nay đến hết năm, danh sách phim hoạt hình Hollywood ra rạp Việt còn kéo dài với những cái tên như Turbo (Tay đua siêu tốc), The Smurfs 2 (Xì Trum 2), Monster University (Lò đào tạo quái vật), Rio 2, Cloudy With A Chance Of Meatballs 2 (Cơn mưa thịt viên 2).

Trong khi đó, phim hoạt hình Việt ra rạp mùa hè này chỉ có 16 tập phim ngắn Xin chào Bút Chì. Là phim hoạt hình VN đầu tiên được làm theo công nghệ stop motion nhưng cũng chỉ được chiếu trong bốn ngày Chủ nhật của tháng Sáu (9, 16, 23 và 30) tại duy nhất cụm rạp BHD Star Cineplex Icon 68. Mỗi ngày có bốn suất chiếu, mỗi suất khoảng 20 phút. Công bằng mà nói, Xin chào Bút Chì nhanh chóng được các em và phụ huynh yêu thích vì nội dung mang tính giáo dục cao, hài hước, những nhân vật trong phim như bút chì, bút mực ngộ nghĩnh, dễ thương, nhưng giấc mơ để hoạt hình VN có ngày được các chủ rạp chào đón như phim hoạt hình Hollywood vẫn còn quá xa vời.

Vi sao phim hoat hinh Hollywood phu kin rap Viet?

Vi sao phim hoat hinh Hollywood phu kin rap Viet?

Các phim bom tấn hoạt hình sẽ phát hành tại Việt Nam từ nay đến cuối năm

Thời điểm này năm ngoái, khi những bộ phim hoạt hình VN như Cô bé bán diêm, Dưới bóng cây gây sốt, công chúng ngỡ ngàng nhận ra kỹ thuật làm phim hoạt hình của VN không hề thua kém nhiều so với nước ngoài. Tại cuộc tọa đàm về phim hoạt hình Việt Nam diễn ra tháng Ba vừa qua ở Hà Nội, ông Đặng Vũ Thảo, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hãng phim hoạt hình Việt Nam, nhìn nhận kỹ thuật hiện nay của hãng không thua kém khu vực châu Á, có chăng chỉ thua kém tư duy, trình độ nghệ thuật. Nhà văn Trần Ninh Hồ chỉ thẳng ví dụ phim 3D Người con của rồng đầu tư đến bảy tỷ nhưng ra rạp lại thất bại do phim nặng triết lý, làm phim cho trẻ con nhưng lại áp đặt nhãn quan của người lớn. Như vậy, hạn chế chủ yếu của phim hoạt hình VN là cốt truyện không hấp dẫn, hay lên gân giáo dục.

Nhìn lại phim The Croods sẽ thấy, phim lấy bối cảnh thời tiền sử, tạo hình nhân vật không bắt mắt, nếu không muốn nói là cực kỳ xấu: dáng thô, trán ngắn, tóc rễ tre, thân thể không vệ sinh, nhưng phim vẫn lôi cuốn người xem từ đầu đến cuối bởi tình tiết hài hước; nhiều ý tưởng sáng tạo độc đáo, chẳng hạn pháo hoa bỏng ngô. Khán giả tìm thấy trong phim những thông điệp nhân văn như “gia đình là số 1”, “ai cũng có thể thay đổi để thích nghi”. Tương tự, phim Epic tạo được hiệu ứng tốt khi chiếu ở VN vì lồng ghép khéo léo, nhẹ nhàng những triết lý nhân sinh vào một câu chuyện đơn giản: cuộc chiến của một tộc người sống trong rừng chống lại thế lực phá hoại. Yếu tố hài hước có ở khắp mọi nơi nhưng xem phim trẻ con và người lớn vẫn nhận ra rất nhiều điều bộ phim muốn nói về tình cảm gia đình (đừng mải mê theo đuổi một thứ gì đó không rõ ràng mà quên mất người thân xung quanh mình), về thông điệp bảo vệ rừng (phá lúc nào cũng dễ hơn xây)…

Không chỉ thua phim Hollywood về mặt ý tưởng, phim hoạt hình VN còn kém ở khâu quảng bá. Đây cũng là điểm yếu của phim Việt nói chung chứ không riêng gì thể loại hoạt hình. Không ít phim đầu tư công phu, tiền tỷ, đoạt giải thưởng này nọ nhưng không được khán giả biết đến. Trong khi đó, phim nước ngoài rất chú trọng khâu quảng bá, thậm chí có phim chi phí tuyên truyền còn ngang ngửa kinh phí làm phim.

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI