Vì sao nhà thơ Tú Mỡ ghét… Tết?

19/01/2023 - 06:31

PNO - Cắc cớ hỏi rằng, hơn 500 năm trước, người Việt có gọi Tết là… Tết? Ông A. De Rhodes đã trả lời, thì đó, qua Từ điển Việt-Bồ-La, từ năm 1651: “Tết: Lễ đầu năm mới. Ăn Tết ba ngày: Mừng ba ngày đầu năm mới bằng tiệc tùng”.

Cái lệ ăn Tết đã có từ xưa. Tục ngữ có câu: “Tết đến sau lưng, ông vải thì mừng con cháu thì lo”. Lo trăm thứ hằm bà lằng xắn cấu. Do đó, có người đâm ra… ghét Tết. Trong làng văn có thể kể đến nhà thơ Tú Mỡ (1900-1976).

Sắm Tết xoay tiền, lo sốt vó

Làm thơ túng vận, nghĩ băn khoăn

Nắng mưa thay đổi người ngây ngất

Kinh tế buồn tênh lúc khó khăn

Buồn thì buồn, khó thì khó nhưng Tết thì vẫn… Tết. Xưa nay, vẫn có lệ mọi công nợ/ nợ nần ai ai cũng đều phải thanh toán cuối năm, không thể kéo qua năm mới, vì thế cứ như phải chạy vắt chân lên cổ:

Hàng họ bán rốn, vốn liếng thu về

 Réo công réo nợ, tiếng bấc tiếng chì

Chủ nợ gắt gay, con nợ năn nì

 Kỳ cùng tối mịt mới hết ê chề

Vậy là xong chứ gì? Chưa đâu. Những ngày chờ Xuân đón Tết lại còn bận rộn ghê gớm:

Dọn dẹp lích kích, trang hoàng bộn bề

Linh đình bàn cỗ, nghi ngút hương huê

Phải là thế, mới có thể:

Giữa cảnh gia đình tấp nập đón xuân sang

Trên bàn thờ đèn nến sáng choang

Hoa tươi thắm, khói trầm hương nghi ngút tỏa

Các cụ, tưởng chừng tề tựu cả

Tuy nhiên, không chỉ có thế, vì ở đời: “Giàu nghèo ba mươi Tết mới hay”, dù nghèo cũng cố vay nợ sắm Tết cho đặng cũng bằng chị bằng em, kẻo “thiên hạ cười chê”:

Giàu thời tíu tít, khó cũng sê mê

Sắm ăn sắm mặc, mua rượu mua chè

Ngày dưng rã họng, Tết cũng đầy mề

 Bánh chưng chán bứ, giò mỡ ngấy lè

 Mứt bí ngọt sắt, mứt gừng cay sè

Dưa hành một vại, rượu mùi dăm be

 Nào đã hết đâu:

Ăn đã hoang ghê, sắm càng dữ dội

Chậu cúc vàng hoa, cành đào đỏ ối

Mười củ thủy tiên, mấy tràng pháo cối

Đôi liễn loẹt lòe, bộ tranh rắc rối

Thẻ hương Thiên văn, man vàng Thủ khối

Theo tục theo lễ, đua thơm đua thối

Một lúc tiêu pha, bõ khi cặm cụi

Câu thơ cuối đã cho thấy cái ghét của Tú Mỡ, vẫn còn là do quan niệm “Tết mà” nên tiêu pha “vung tay quá trán”, xài tiền vô tội vạ. Ngày trước cỏn có lệ đốt pháo ầm ĩ, thiên hạ đã cười vào mũi những ai đó: “Thừa tiền mua pháo đốt chơi/ Pháo nổ lên trời, tiền vứt xuống ao”, đúng là dại thật. Nhưng rồi đâu vẫn vào đó, Tú Mỡ một lần nữa la toáng lên:

Kiết xác như vờ rồi

Con ngông đốt pháo mãi

Pháo kêu, tiền hỡi tiền

Dại

May mà nhà nước đã cấm đốt pháo, trừ đi được một cái hại không chỉ tiền mà còn vì chơi pháo/ đốt pháo “tiền mất tật mang”.

Ngay cả thú vui tao nhã “khai bút” đầu Xuân cũng biến dạng. Do đó, có thể nói vào dịp Tết, mặt hàng bán chạy như tôm tươi không phải giấy bút, mà vẫn là… bia rượu! Nhà thơ Tú Mỡ trào phúng thật tức cười:

Minh niên khai nút, nút khai chai

Vạn sự giai thành một hóa hai

Còn rượu, còn thơ, còn chếnh choáng

 Còn chưa đáng chán cõi trần ai

Do quan niệm cổ lỗ sĩ “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, nên đã Tết là thiên hạ mặc sức chơi. Chơi gì?

Cờ bạc bê tha, rượu chè be bét

Tổ tép, tổ tôm, tam cúc, tam kết

Tài xỉu tài bàn, ích xì ích xoẹt

Mượn tiếng vui chơi, giở trò vơ vét

Thưởng Xuân còn dài, nhiều thằng còn chết

Tháng Tết chưa tàn, tiền lưng đã hết

Xuân ơi là xuân, Tết ơi là Tết

Nói như người Nam Bộ, “chơi xả láng sáng về sớm”, chơi vô tội vạ nên:

Tết nhất uống, chơi, ăn

Thế xong khấu nợ nần

Hụt lương trong bốn tháng

Nhăn”. Mặc kệ. Cứ chơi:

Giấy bạc sẵn trong ví

Tha hồ tiêu phung  phí

Đua lịch và đua sang

Phí.

Rồi nữa:

Chè chén cứ liên miên

Hết Tết đâm lo nợ

Điên.

Qua những câu thơ trào phúng này, có thể nói nhà thơ Tú Mỡ đã nắm bắt được thói hư tật xấu chơi Tết không chỉ của một thời:

Trưởng giả học làm sang

Sĩ diện cho nên phải

Hoang.

Có thể thấy, đây là một trong những thói xấu của người Việt, vì sĩ diện hão nên đã thể hiện “quá hớp” trong dịp Xuân về Tết đến. Một lần nữa đọc những câu thơ “ghét Tết” của nhà thơ Tú Mỡ, ta càng nhận ra rằng, chẳng việc gì phải “Thấy người ta ăn khoai, mình cũng vác mai đi đào”, cứ chạy theo, đua đòi theo thiên hạ.

Nào riêng gì Tú Mỡ, nhiều người hiện nay cũng ghét kiểu đón Tết mà tiêu xài hoang phí đến mang nợ. Cứ làm như lời ông bà ta đã dạy “Liệu cơm gắp mắm”, có như thế mới thật sự là ý nghĩa của vui Xuân, đón Tết với tâm thế nhẹ nhàng, thanh thản…

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI