Vì sao học sinh thích sử nhưng sợ học môn lịch sử?

28/12/2022 - 06:31

PNO - Nhiều học sinh và phụ huynh coi lịch sử chỉ là môn phụ. Học sinh sợ phải nhớ những sự kiện cùng rất nhiều mốc thời gian, con số. Nội dung sách giáo khoa lịch sử thiếu hấp dẫn. Giáo viên ngại đổi mới phương pháp… Những điều này đã biến môn học quan trọng, thú vị thành nỗi ám ảnh của không ít thế hệ học sinh.

Những tiết học buồn ngủ

Trở thành sinh viên năm thứ nhất Đại học Quốc gia Hà Nội, Nguyễn Hoài Anh vẫn không quên những giờ học lịch sử khi còn học phổ thông ở tỉnh Hưng Yên: “Suốt những năm THCS lên THPT, tiết lịch sử của chúng tôi luôn bắt đầu bằng việc giáo viên vào lớp, rà sổ gọi học sinh lên kiểm tra bài cũ. Khi một cái tên được đọc lên, cả lớp thở phào trừ người bị gọi. Sau đó là hơn 30 phút độc thoại của thầy cô giáo trên bục giảng”. 

Học sinh Trường THCS Nguyễn Du (TP Hà Nội) đi thực tế di tích Nhà tù Hỏa Lò và nghe giáo sư, Nhà giáo nhân dân Vũ Dương Ninh - một nhân chứng kể về sự kiện lịch sử 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không (ảnh chụp vào đầu tháng 12/2022) - ẢNH: C.T.V
Học sinh Trường THCS Nguyễn Du (TP Hà Nội) đi thực tế di tích Nhà tù Hỏa Lò và nghe giáo sư, Nhà giáo nhân dân Vũ Dương Ninh - một nhân chứng kể về sự kiện lịch sử 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (ảnh chụp vào đầu tháng 12/2022) - ẢNH: C.T.V

Theo Hoài Anh, học sinh chỉ tỉnh ngủ khi thầy cô dặn phần kiến thức nào sẽ có trong bài kiểm tra, kiến thức nào quan trọng, có khả năng thi học kỳ. Nghe kiểm tra, thi, một số bạn lật đật lấy bút đánh dấu phần kiến thức vừa được dặn dò.

Phạm Nhật Minh (lớp Mười hai, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) kể: “Trong nhiều môn không thích học, em chán nhất là môn lịch sử. Dù cố gắng nghe cô giảng bài, em vẫn không đọng lại được chút kiến thức nào trong đầu. Những điều cô giảng và sách giáo khoa không khác gì nhau. Tiết học sử, lời giảng đều đều của cô giáo càng khiến em buồn ngủ. Tiết lịch sử nào, lớp em cũng có mấy bạn ngủ gật, nhiều bạn làm việc riêng”. 

Chị Bùi Thị Hải - mẹ Nhật Minh - chia sẻ: “Từ khi Minh học THCS, tôi đã nghe cô giáo phàn nàn việc cháu hay ngủ gật trong giờ lịch sử. Tôi có nhắc cháu chú ý nhưng suy từ bản thân ra thì rất dễ thông cảm cho cháu. 20 năm trước, khi học THPT, tôi cũng chán học môn lịch sử dù học khối C”.

Nguyễn Huy Thành (lớp Mười một, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) giải thích việc mình không tập trung trong giờ học lịch sử: “Có một số nội dung đã được học từ lớp Sáu, Bảy, lên THPT vẫn phải học lại. Các nội dung khác thì dày đặc sự kiện, số liệu. Bài giảng của cô giáo lại không có điểm nhấn”.

Học sinh Trường THPT Lương Văn Can (TP Hà Nội) học chủ đề “Hào khí Bạch Đằng” kết hợp tìm hiểu về “nghề bảo tàng” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam
Học sinh Trường THPT Lương Văn Can (TP Hà Nội) học chủ đề “Hào khí Bạch Đằng” kết hợp tìm hiểu về “nghề bảo tàng” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam

Trần Trung Kiên (lớp Mười hai, quận Đống Đa, TP Hà Nội) nói, học lịch sử từ năm lớp Sáu đến nay, em mới gặp 1 cô giáo khiến lớp hứng thú.

Học sinh không quay lưng với lịch sử

Phạm Nhật Minh hay ngủ gật trong giờ học môn lịch sử, nhưng thường tìm đọc các câu chuyện lịch sử trên mạng. Minh nói: “Em thích tìm hiểu về những danh nhân lịch sử như Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn 2 lần đánh tan quân xâm lược Nguyên - Mông, những trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng hay vụ án Lệ Chi Viên. Nhưng em vẫn không có hứng thú học môn lịch sử trên”. 

Học sinh lớp Sáu Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) học lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam
Học sinh lớp Sáu Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) học lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam

Theo phó giáo sư Nguyễn Quang Liệu - Hiệu trưởng Trường chuyên khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội - một trong những nguyên nhân khiến việc dạy và học môn lịch sử trong trường phổ thông không đạt yêu cầu là do nhiều trường chưa thực sự coi trọng môn học này. Họ không có đội ngũ giáo viên dạy tốt môn lịch sử, thậm chí cử giáo viên dạy môn khác kiêm nhiệm môn sử. Sách giáo khoa thì khô cứng, hàn lâm và dài. 

Ông nói: “Môn lịch sử là kể chuyện quá khứ. Nếu giáo viên chỉ kể đơn thuần theo kiểu nhồi nhét kiến thức thì học sinh không muốn nghe, không muốn học. Chúng ta phải thay đổi cách thức dạy, học và thi, đặc biệt là sự thay đổi từ người thầy về phương pháp dạy sử. Chúng ta phải dạy sử bằng công nghệ thông tin, bằng hình ảnh và phải đa dạng phương pháp giảng dạy”.
Cô Vũ Hà Thu - giáo viên ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội - nhận định: “Không hẳn học sinh quay lưng với môn lịch sử mà do các em chưa tiếp cận được với môn sử một cách khoa học. Nhưng việc học sinh tiếp cận được môn sử một cách khoa học lại phụ thuộc vào sách giáo khoa, giáo viên và nhiều yếu tố khách quan khác”. 

Ngọc Minh Tâm

Sách giáo khoa lịch sử chưa chú trọng hình ảnh

Thầy Nguyễn Viết Đăng Du - dạy lịch sử ở Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM - nhận xét, việc nhầm lẫn hình ảnh quốc kỳ, người lính trên áp phích gần đây có nguyên nhân từ sự cẩu thả, vô trách nhiệm của cá nhân cũng như sự lỏng lẻo trong quy trình xét duyệt, kiểm tra của tập thể. Ngoài ra, cũng có một phần nguyên nhân từ việc sách giáo khoa lịch sử hiện nay chưa chú trọng hình ảnh, dẫn đến nhận diện về hình ảnh còn yếu. Bộ sách lịch sử mới theo chương trình phổ thông 2018 đã có nhiều cải tiến nhưng vẫn còn rất yếu về hình ảnh. Cho nên, để đổi mới việc dạy và học lịch sử, những nhà biên soạn sách giáo khoa nên chú ý đến hình ảnh nhằm giúp học sinh tiếp thu một cách trực quan, dễ thấm, dễ nhớ hơn là phải tưởng tượng, hình dung.
Theo thầy Đăng Du, cách dạy lịch sử ở Việt Nam vẫn lạc hậu. Ở các nước, những giờ học lịch sử chủ yếu dành cho học sinh thảo luận, làm bài tập. Còn ở Việt Nam, giáo viên luôn cố gắng để học sinh nhớ càng nhiều thông tin càng tốt nên khó tạo được cảm hứng, khiến học sinh dễ chán. Chương trình học lịch sử cần cân đối lại theo hướng truyền cảm hứng lịch sử hơn là bắt học sinh phải nhớ nhiều sự kiện, dữ liệu về sự kiện lịch sử. Khi kiểm tra, thay vì bắt học sinh nhớ con số, sự kiện thì có thể cho viết cảm nhận, suy nghĩ để đánh giá được năng lực nắm bắt, suy nghĩ về sự kiện. Giới trẻ hiện nay thường xuyên tiếp cận thông tin trên mạng, nên việc xây dựng nguồn dữ liệu sử học chính thống trên mạng cũng là ý tưởng rất hay. 
Phó giáo sư, tiến sĩ Tôn Nữ Quỳnh Trân (Hội Khoa học lịch sử TPHCM) nhận xét, môn lịch sử hiện nay thiếu hẳn việc gắn kết thực tế. Việc học với toàn số liệu, sự kiện trên sách vở, giấy tờ thì rất khó nhớ. Nếu kết hợp sách với việc đi thực địa hoặc tới bảo tàng lịch sử hay Trung tâm Lưu trữ quốc gia sẽ giúp học sinh nắm bắt sự kiện lịch sử tốt hơn. 

Minh Linh

Các nước dạy môn lịch sử như thế nào?

Ở Nhật Bản, học sinh chính thức học môn lịch sử từ lớp Năm. Từ lớp Năm - Chín, học sinh chủ yếu học lịch sử Nhật Bản. Ở cấp THPT, học sinh học lịch sử thế giới, lồng ghép với lịch sử Nhật Bản hiện đại.

 Trong hướng dẫn mới nhất năm 2022, mục tiêu của môn lịch sử là giúp học sinh có được khả năng hiểu, điều tra và tổng hợp thông tin lịch sử; kiểm tra, giải thích và thảo luận về bản chất và ý nghĩa của các hiện tượng lịch sử nhằm cải thiện xã hội; đồng thời xây dựng ý thức về bản sắc quốc gia cũng như nhận thức về tầm quan trọng của việc tôn trọng các quốc gia khác và nền văn hóa của họ. 

Môn lịch sử yêu cầu học sinh đọc tài liệu, đặt câu hỏi về những thay đổi xảy ra trong từng thời kỳ và tìm kiếm câu trả lời. Sách giáo khoa chứa nhiều câu hỏi và bài phân tích mẫu để học sinh nghiên cứu thêm, kết hợp cùng phần hình ảnh màu sinh động. 

Ở Mỹ, không có bộ sách lịch sử quốc gia chung hoặc tiêu chuẩn về lịch sử nói chung. Thay vào đó, mỗi tiểu bang đưa ra hướng dẫn giảng dạy riêng của mình và cập nhật chúng theo định kỳ - thường từ 7-10 năm/lần. Do vậy, học sinh ở Mỹ thường có những buổi thảo luận trên lớp để cùng giáo viên tìm hiểu vì sao một sự kiện lịch sử xảy ra và liệu nó có thực sự cần thiết hay không. 

Ở châu Âu, Hội đồng châu Âu đã phát hành một dự án sách điện tử về lịch sử chung của châu lục vào năm 2014. Sách chứa đựng các tài liệu giảng dạy liên quan đến những sự kiện lịch sử quan trọng, các tương tác và hội tụ ở châu Âu cùng với những chiến lược, phương pháp và kỹ thuật giảng dạy chung nhằm tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích ý thức lịch sử dựa trên góc nhìn đa chiều và hội nhập.

Ở các nước, bên cạnh sự thay đổi từ chương trình học, việc dạy và học lịch sử cũng mang tính tương tác cao hơn. Thay vì bắt buộc học sinh đọc sách giáo khoa, giáo viên biến nó thành giờ kể chuyện và thảo luận nhóm. Học sinh cũng được dẫn đến bảo tàng để học sử.

 Ngọc Hạ (theo Nippon, Asian Minato, Cold Wire, Classplus)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI