Vì sao hàng loạt nhà máy nước ở Nghệ An “đắp chiếu” ?

26/03/2022 - 10:55

PNO - Đầu tư tiền tỷ xây dựng nhà máy nước khang trang với hy vọng đáp ứng nhu cầu người dân, song nhiều nhà máy nước lại bỏ hoang gần cả chục năm nay trong khi người dân lại “khát” nước sạch.

Nhà máy nước sạch xã Diễn Quảng (huyện Diễn Châu, Nghệ An) được đầu tư với kinh phí gần 20 tỷ đồng từ năm 2012. Theo nhiều người dân địa phương, nơi đây vẫn thường bị thiếu nước sạch vào mùa khô. Bởi thế khi nhà máy nước này được triển khai xây dựng, họ những tưởng rằng nỗi lo này sẽ được giải quyết, nhất là đối với những hộ dân làm nghề sản xuất bún sạch trên địa bàn.

Thế nhưng 10 năm trôi qua, dự án này vẫn còn ngổn ngang, chưa thể đi vào hoạt động vì thiếu vốn. Hiện các hạng mục chính của dự án như hồ chứa nước, bể nước, nhà điều hành, đường ống dẫn nước… đã được xây dựng. Tuy nhiên do bỏ hoang lâu nay nên đã dần xuống cấp.

Nhà máy nước hơn 25 tỷ ở huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) bỏ hoang nhiều năm qua vì thiếu nguồn nước thô để sản xuất
Nhà máy nước hơn 25 tỷ ở huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) bỏ hoang nhiều năm qua vì thiếu nguồn nước thô để sản xuất

Ông Tăng Ngọc Quý - Chủ tịch UBND xã Diễn Quảng cho biết, công trình này được ngân sách trung ương tài trợ 60%, địa phương 40%. Hiện tiền vốn từ trung ương đã được cấp đủ, song 40% còn lại huy động từ người dân lại gặp khó khăn.

Ông Quý nhẩm tính, với gần 1.000 hộ dân hưởng lợi từ dự án, nếu chia phần trăm thì mỗi hộ phải đóng khoảng 6 triệu đồng. Số tiền này đối với người dân là quá lớn, không mấy người có đủ khả năng đóng nên dự án vẫn tạm dừng lâu nay. “Mỗi hộ 6 triệu đồng là tính từ mấy năm trước rồi, nay vật giá đều lên nên nếu tính lại chắc chắn sẽ phải hơn nhiều nữa. Ngoài ra, một số hạng mục như đường ống dẫn nước đã làm quá lâu nên nay cũng sẽ phải làm lại”, ông Quý nói.

Sức dân không kham nổi, chính quyền xã Diễn Quảng đã chuyển hướng kêu gọi các doanh nghiệp về đầu tư, tiếp tục dự án này. Song tất cả đều về xem rồi lắc đầu bỏ đi vì sợ đầu tư không thu được lãi.

Nhiều công trình nhà máy nước đầu tư xây dựng giang dở rồi “đắp chiếu”
Nhiều công trình nhà máy nước đầu tư xây dựng dang dở rồi “đắp chiếu”

Cách đó không xa, nhiều người dân xã Phúc Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) cũng chán nản không kém khi chờ đợi dự án nhà máy nước của xã gần cả chục năm qua. Không thấy dự án có tiến triển gì thêm, nhiều gia đình phải thuê thợ về đào giếng khoan, thậm chí thuê máy về khoan giếng với giá 30-35 triệu đồng để có nước sạch sử dụng.

Ông Trần Thế Anh - Chủ tịch UBND xã Phúc Thành cho biết, nhà máy nước xã Phúc Thành được triển khai từ năm 2012 với kinh phí 32 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án này mới chỉ triển khai được một phần trong hạng mục đường ống dẫn nước rồi dừng từ nhiều năm qua do thiếu vốn.

Ông Nguyễn Văn Dương - Phó chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết, hiện trên địa bàn huyện này còn 3 nhà máy nước dang dở. Đây là những công trình nước sạch theo Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2011-2015, trong đó nguồn ngân sách trung ương 60%, địa phương 40%. Tuy nhiên, do nguồn vốn bị cắt nên những công trình này không thể hoàn thành theo tiến độ. 

“Giờ cũng không còn cách nào khác, địa phương cũng đã chỉ đạo các xã huy động các nguồn, người dân địa phương để tiếp tục hoàn thành công trình, tránh gây lãng phí”, ông Dương nói.

Nhà máy nước gần 25 tỷ ở xã Minh Thành (huyện Yên Thành) bỏ hoang gần chục năm nay
Nhà máy nước gần 25 tỷ ở xã Minh Thành (huyện Yên Thành) bỏ hoang gần chục năm nay

Ông Nguyễn Xuân Linh - Trưởng phòng Kỹ thuật Quản lý cấp nước, Trung tâm Nước sạch sinh hoạt và Vệ sinh môi trường tỉnh Nghệ An cho biết, sau khi hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2011-2015, địa phương này vẫn còn 14 nhà máy nước chưa hoàn thành và đi vào hoạt động. 

Sau khi kết thúc chương trình, nguồn ngân sách từ trung ương không còn; mặt khác, nguồn vốn huy động từ nhân dân còn hạn chế, trong khi đó ngân sách của tỉnh đang rất khó khăn nên các công trình này phần lớn vẫn “án binh bất động”.

“Trong số 14 công trình này thì đến nay mới chỉ có 6 công trình đã đi vào hoạt động, 8 công trình khác chủ yếu ở huyện Yên Thành và huyện Quỳnh Lưu vẫn đang bỏ hoang”, ông Linh nói và cho hay trong đó, thậm chí có công trình ngân sách trung ương đã cấp đủ nhưng xã vẫn không thể hoàn thiện vì không huy động được nguồn vốn trong dân. Đối với trường hợp này, chính quyền xã phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, trường hợp không thể tìm được nguồn thì không còn cách nào khác ngoài… bỏ hoang.

Theo ông Linh, đối với những nhà máy nước còn thiếu ngân sách, đơn vị này cũng đã đề nghị UBND tỉnh tập trung bố trí theo từng công trình mỗi năm để hoàn thành dứt điểm từng dự án, không bố trí dàn trải tại nhiều dự án như trước đây. “Thay vì bố trí kinh phí dàn trải cho nhiều công trình mỗi năm vài tỷ, họ chỉ đủ trả nợ nhà thầu thì chúng tôi đề xuất mỗi năm bố trí kinh phí đó tập trung một đến hai công trình để hoàn thành dứt điểm”, ông Linh nói.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocnhinvi /strCate=gocnhin

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu