Về hưu, làm sao tránh bi quan?

10/05/2024 - 06:16

PNO - Nhìn chị, tôi liền nghĩ đến việc xây dựng tuổi 50 của mình sao cho không rơi vào bi quan.

Chị nghĩ, phải chi mình có nghề tay trái để cuộc sống bận rộn, khi ấy thời gian bớt thừa thãi (ảnh minh họa)
Chị nghĩ, phải chi mình có nghề tay trái để cuộc sống bận rộn, khi ấy thời gian bớt thừa thãi (ảnh minh họa)

50 tuổi, chị thất nghiệp do công việc không còn thuận lợi, xem như về hưu sớm. Sau bao năm vất vả, bận rộn với công việc, cuộc sống, cứ tưởng buông bỏ được công việc chị sẽ sống nhàn nhã, thảnh thơi, làm điều mình thích. Nào ngờ không phải vậy.

Chị than với tôi: “Không làm ra tiền, chị thấy cuộc sống vô nghĩa quá em”. Chị nói, giá có thêm nghề tay trái cũng đỡ, đằng này chị chỉ làm đúng 1 công việc từ khi còn trẻ đến giờ. Xin đi làm việc khác ở tuổi này chẳng ai nhận. Mà có nhận, con cái cũng không cho mẹ đi làm, vừa cực khổ mà chẳng được bao nhiêu. Với lại, người ta chỉ làm vì đam mê, hoặc vì lo kinh tế, mà cả hai thứ đó chị đều không có.

Trong 3 đứa con của chị, người con lớn làm bác sĩ được 2 năm, mỗi tháng đưa mẹ đủ số tiền trang trải sinh hoạt cho cả nhà. 2 con nhỏ đã tốt nghiệp đại học ra trường, tháng nào dư dả cũng phụ mẹ chút đỉnh tiền chợ.

Tưởng như vậy, chị sẽ yên tâm không lo lắng đến tiền nong, nhưng chị chia sẻ: “Bản thân mình sao vô dụng quá, giờ chỉ biết ăn bám con. Nhiều đêm nằm nghĩ phải chi ngủ một giấc rồi đi luôn, như vậy biết đâu tốt hơn...”.

Tôi hiểu những suy nghĩ tiêu cực đang bủa vây lấy chị, nên chỉ nhẹ nhàng nói: “Vợ chồng anh chị đã cực khổ cả đời để nuôi con rồi, giờ con cái trưởng thành chăm lo lại cho ba mẹ cũng là lẽ thường tình, có gì phải suy nghĩ nặng nề. Với lại, sau này mấy đứa có con, chị còn chăm cháu, tụi nhỏ cần chị biết bao nhiêu”.

Nói mạnh miệng vậy, nhưng tôi không khỏi lăn tăn trong lòng. Ở mỗi giai đoạn, người ta nghĩ khác đi. Khi ngoài 30, chẳng bao giờ tôi tính đến việc mình sẽ ở bên cạnh ai, ai sẽ ở bên cạnh mình trong chặng đường phía trước. Tôi tự tin mình có thể độc lập mọi thứ.

Khi đến những nơi ở mới, tôi luôn luôn khóa cửa, ngắt mọi kết nối với hàng xóm, dù chẳng ai phiền đến mình bao giờ. Tôi cũng không hiểu sao lại phản ứng thái quá như vậy. Thậm chí tôi từ chối mọi tiếp xúc, kể cả việc các cô trong ban điều hành chung cư đến thu tiền xe, phí chung cư hàng tháng, tôi cũng xin được chuyển khoản để không phải chạm mặt.

Vậy mà đến năm 40 tuổi, tôi lại nghĩ khác. Tôi cần sự kết nối với hàng xóm trong chung cư. Ra khỏi nhà bao giờ cũng nở nụ cười thân thiện hơn với mọi người. Có lẽ do trải qua vài sự cố, tôi nhận ra sự kết nối với những người gần gũi chung quanh mình là cần thiết.

Anh em ruột thịt thương nhau đó, nhưng đến khi cần thì hàng xóm mới là người xuất hiện đầu tiên và nhanh nhất. Vậy tại sao mình không cởi mở hơn với mọi người, nhiệt tình giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, cần đến mình, bởi sẽ có lúc chính bàn tay họ nắm lấy tay mình trong cơn khốn khó. Tôi thấy câu nói “bán anh em xa, mua láng giềng gần” chẳng bao giờ lỗi thời.

Có những người rất hài lòng với tuổi trung niên của mình (ảnh minh họa)
Có những người rất hài lòng với tuổi trung niên của mình (ảnh minh họa)

Vậy nên, ở tình huống của chị, tôi không dám mạnh miệng khẳng định gì, vì bản thân chưa trải qua. Nhưng tôi liền nghĩ đến việc xây dựng tuổi 50 của mình sao cho không rơi vào bi quan.

Trong lớp yoga mà tôi theo học, nhiều chị ở tuổi ngoài 50, con cháu đủ đầy. Họ có sự kết nối với nhau trong lớp học và cả ngoài cuộc sống. Thỉnh thoảng các chị rủ nhau đi du lịch, đăng lên mạng xã hợi những bức ảnh tập thể tươi vui. Nhìn ai cũng như trẻ ra chừng chục tuổi. Cuối tuần, họ hẹn nhau đi cà phê, chụp những bức ảnh thật đẹp, cùng sẻ chia với nhau thứ chuyện, rồi còn đi bơi, xem phim...

Nhìn vào cuộc sống của các chị U60 ấy, tôi thấy toàn sắc màu hy vọng. Tôi cảm nhận được các chị rất hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống.

Có chị nói: “Đến giờ mới thấy cuộc sống thật sự thảnh thơi, không còn áp lực công việc, cả kỳ vọng con cái cũng không, yêu đương ghen tuông giận hờn càng không. Buông bỏ hết mọi thứ, đầu óc nhẹ nhàng hẳn”.

Tôi nghĩ những người con của họ cũng an tâm biết bao khi thấy hình ảnh tươi tắn, hạnh phúc của ba mẹ.

Một chị bạn đồng nghiệp khác của tôi đã về hưu 2 năm, nhưng trên mạng xã hội luôn thấy than chuyện chạy deadline. Chị than như một cách ngầm khoe rằng: chị chẳng rảnh rỗi khi về hưu.

Có người nói, làm cả đời rồi, sao đến tuổi hưu còn chưa chịu buông việc, nhưng đó là niềm vui của người thích bận rộn. Tôi nghĩ, ai cũng có quyền tự tìm niềm vui cho mình. Dù tất bật khi về hưu hay thảnh thơi sống chậm đúng nghĩa, chỉ cần người trong cuộc thấy hài lòng với chọn lựa của mình là được.

Còn tôi, tôi sẽ chọn lựa sự phù hợp cho mình ở tuổi về hưu. Khi ấy, tôi tin những hạt giống tích cực của mình vẫn nảy nở trong mảnh đất tâm hồn màu mỡ, như bấy lâu nay...

An Na

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Sao Băng 10-05-2024 12:17:51

    Cuộc sống vốn không hoàn hảo, nhưng nếu con người ta biết đủ thì lúc nào cũng cảm thấy vui vẻ. Cho dù mỗi người có cách sống khác nhau nhưng chỉ cần họ cảm thấy hạnh phúc, vậy là đủ rồi.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI