Đây được cho là con số ấn tượng trong năm qua khi những tranh cãi xung quanh việc thu chi tác quyền không hợp lý tại các tụ điểm.
Trong 83 tỷ đồng thu được từ nhiều lĩnh vực: truyền thông, biểu diễn, phát thanh truyền hình, dịch vụ kinh doanh… thì số tiền từ lĩnh vực khách sạn, resort và cao ốc văn phòng gây xôn xao trong năm qua là hơn 4 tỷ đồng.
Theo tổng kết, số tiền VCPMC tiến hành phân phối, chi trả cho các tác giả trong và ngoài nước là hơn 60 tỷ đồng (sau khi trích hành chính phí) trên tổng số tiền nhập liệu phân phối là hơn 78 tỷ đồng.
 |
Buổi tổng kết diễn ra vào sáng nay, 26/1 tại Hà Nội
|
Tại buổi tổng kết và báo cáo, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Phó giám đốc VCPMC cho biết với con số thu về trong năm qua, đó là một thành quả từ việc đàm phán, truy thu rất khó khăn khi nhiều đơn vị trốn tránh, chây ỳ. Ông cũng chỉ ra nhiều trường hợp, công ty tổ chức show diễn xong thì xoá luôn công ty để thành lập đơn vị mới khiến công tác thu tác quyền gặp khó khăn; một số kênh truyền hình kĩ thuật số, truyền hình cáp thu phí dịch vụ từ người dân cao hơn lấy lý do nộp phí bản quyền, nhưng thực chất là chưa hề nộp.
Đặc biệt, việc thực thi ở một số tỉnh thành gặp khó khăn do chủ các quán cà phê, khách sạn phản ứng tiêu cực với việc đóng phí sử dụng. Tuy nhiên, ông Đinh Trung Cẩn cũng cho biết trong thời gian tới sẽ nhờ sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước để công tác đàm phán, truy thu nhanh chóng hơn.
 |
Nhiều vấn đề liên quan đến việc thu chi được đề cập trong buổi tổng kết |
Bên cạnh đó, Phó giám đốc VCPMC cũng khẳng định đã làm việc và gần đạt được thoả thuận với YouTube để phát hiện và xử lý các trường hợp sử dụng trái phép tác quyền âm nhạc được VCPMC quản lý.
Tại buổi báo cáo tổng kết, nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc VCPMC đã đọc bức tâm thư xin thôi giữ chức Giám đốc Trung tâm Bản quyền trước toàn thể hội viên và đề bạt lên Ban Thường vụ Hội Nhạc sĩ Việt Nam cân nhắc, bổ nhiệm nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn thay ông đảm nhận vị trí Giám đốc VCPMC.
Minh Tú