Văn hóa, nghệ thuật và bài toán phục hồi

18/10/2021 - 06:50

PNO - Các ngành văn hóa - nghệ thuật hôm nay không đứng ngoài cuộc phục hồi chung của nền kinh tế - xã hội sau dịch bệnh. Nhà nước, các cấp, các ngành, và chính bản thân từng ngành, từng người làm nghề… đang cùng nỗ lực, tìm cách vượt qua khó khăn.

“Nhấp nhổm” ngày trở lại

Dù TP.HCM cho phép các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch từng bước mở cửa có điều kiện từ ngày 1/10; song, tới hiện tại, có một số hoạt động trở lại dè dặt, trong khi nhiều ngành vẫn còn phải “đóng băng” chờ tình hình khả quan hơn nữa.

Đường Sách TP.HCM có lẽ là một trong những đơn vị mở cửa lại sớm của thành phố. Ngày 9/10, nơi đây đã đón những vị khách đầu tiên trở lại sau bốn tháng đóng cửa. Trong khi đó, một số gameshow cũng rục rịch chuẩn bị sản xuất trực tiếp trở lại. Một số khác thì đã hoặc chuẩn bị “đổ bộ” trên sóng truyền hình như: Running Man Vietnam mùa 2 đang phát tập 5, Vinawoman - Bản lĩnh Việt Nam đang phát tập 2, Rap Việt mùa 2 từ ngày 16/10… Ngoài ra, một số chương trình truyền hình, phim sitcom… cũng lên phương án làm việc trở lại, như: Lần theo dấu vết, Ranh giới trắng đen… 

So với các ngành khác, ngành điện ảnh vẫn chưa “bình thường mới” được. Hàng loạt dự án vẫn còn đang “đắp chiếu”. Các phim Trạng Tí, Thiên thần hộ mệnh… mới chiếu rạp được hơn một tuần phải ngưng chiếu (kể từ đầu tháng Năm) do giãn cách xã hội, đang chờ ngày rạp mở cửa để chiếu lại. Ngoài ra, 15 phim Việt chiếu rạp đã ấn định ngày chiếu, nhưng cũng phải ngừng lại như: Rừng thế mạng, 1990, Bẫy ngọt ngào, Chìa khóa trăm tỷ, Dân chơi không sợ con rơi… Hệ thống rạp Lotte Cinema và CGV đã mở cửa một số rạp tại các địa phương đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; song, nơi chiếm thị phần lớn nhất như TP.HCM và Hà Nội thì vẫn im lìm.

Đường Sách TP.HCM ngày đầu mở cửa trở lại sau bốn tháng “ngủ hè” vì COVID-19 - ẢNH: VÕ MẠNH HẢO
Đường Sách TP.HCM ngày đầu mở cửa trở lại sau bốn tháng “ngủ hè” vì COVID-19 - ẢNH: VÕ MẠNH HẢO

Ngành sân khấu trong Nam ngoài Bắc cũng đang “ngoài vùng phủ sóng”. NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM - cho biết một số đơn vị đã chuẩn bị cho ngày trở lại nhưng vừa làm vừa thăm dò và vô cùng dè dặt, do đặc trưng của ngành nghệ thuật này là phải biểu diễn trực tiếp trên sân khấu và phải có khán giả. Theo ông, “những giải pháp đưa ra thời gian qua như sân khấu truyền hình, hoặc phát trên YouTube… chỉ mang tính tình thế, còn lâu dài thì không ổn”. 

Thay đổi từ hai phía

Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến góp ý của dư luận đối với dự thảo nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật và nghị định về chế độ, chính sách cho nghệ sĩ. Ngoài ra, Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 của Chính phủ cũng đang phát huy tác dụng, động viên tinh thần của anh chị em nghệ sĩ. 

Tuy nhiên, tùy đặc trưng và tính chất mà mỗi ngành cần một “luồng xanh” riêng về mặt chính sách. Chẳng hạn, với ngành xuất bản, ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất

COVID-19 thúc đẩy nền tảng số của Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp hơn. Nhìn điều này ở một góc độ nào đó, ta sẽ thấy, nó đang tiến gần tới chủ trương xây dựng thành phố thông minh, sáng tạo mà thành phố đề ra trong thời gian qua. Tất nhiên, trong cuộc chuyển đổi đó, yếu tố đóng vai trò quyết định vẫn là con người. Con người là chủ thể tạo ra thành phố thông minh, sáng tạo. Con người là yếu tố cần, điều kiện số là điều kiện đủ. Con người có ý thức đó, có mong muốn đó thì mới tìm đến, sử dụng hiệu quả những tiến bộ của khoa học kỹ thuật.

Ông Lê Hoàng (Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty TNHH Đường Sách TP.HCM) 

bản Việt Nam, Giám đốc Công ty TNHH Đường Sách TP.HCM - cho biết: “Mong Nhà nước có những chính sách giảm thuế, giảm lãi suất, hỗ trợ tiền thuê mặt bằng… để giúp các doanh nghiệp, các đơn vị xuất bản vượt qua giai đoạn khó khăn này”. Giới làm phim thì trông mong vào Luật Điện ảnh sửa đổi, tạo đà cho ngành điện ảnh tồn tại và phát triển được trong bối cảnh mới vốn nhiều khắc nghiệt.

Gần đây, trong không khí ảm đạm của đời sống văn hóa - nghệ thuật nổi lên tiêu điểm văn hóa: Tọa đàm “Ai góp ý giơ tay lên” số 1, số 2. Ở đó, có những câu chuyện trải nghiệm làm phim, những vấn đề vướng mắc giữa những người làm phim và Hội đồng duyệt phim quốc gia mà vật cản chính là Luật Điện ảnh với những nội dung đã trở nên lỗi thời, kìm hãm sự phát triển; đồng thời, đưa ra các nhóm giải pháp, những sáng kiến trên tinh thần xây dựng, mục tiêu là “cùng xây dựng một bộ luật điện ảnh sắc nét ngay bây giờ chứ không chờ thêm 15 năm nữa”. 

Đây là một sự kiện chưa có tiền lệ, khi giới làm phim tự đứng ra tổ chức cuộc tọa đàm cho chính mình. Họ không phát biểu lẻ tẻ trên báo chí, truyền thông nữa; cũng không xuất hiện ở tư cách là những người được mời đến để nói tại một sự kiện/hội thảo tọa đàm nào đó, rồi thôi. Khi dự thảo luật đang có những nội dung chưa sát thực tế, thì những người làm nghề, giàu trải nghiệm, phải lên tiếng, đưa ra những góp ý, đó không phải chỉ vì quyền lợi mà còn là trách nhiệm của họ vì sự tồn tại và phát triển của điện ảnh nước nhà. 

Từ sự kiện “Ai góp ý giơ tay lên” trong điện ảnh, nhìn bao quát các ngành văn hóa - nghệ thuật khác, để thấy, tiếng nói tự bên trong đó đang thúc đẩy, góp phần hoàn thiện hơn chính sách. Cũng từ sự kiện đó, có thể nhận ra, nếu bản thân những người làm nghề không tự thân vận động thì sẽ bị bỏ lại. Lúc đó, chẳng ai vô can trong chuyện này cả. 

Chẳng hạn, những người làm sân khấu cho rằng, đặc trưng của ngành nghệ thuật này là phải diễn ở sân khấu và phải có khán giả mới thì sân khấu mới sống được. Giả dụ diễn biến của dịch bệnh vẫn còn kéo dài, chẳng lẽ, ngành sân khấu chỉ biết chờ chết? Những người làm sân khấu đã có động thái gì để nhập cuộc? Hoặc nếu không nhập cuộc được, thì phải kiến nghị như thế nào với Nhà nước? 

Sự kiện “Ai góp ý giơ tay lên” số 1, số 2 do giới làm phim tự tổ chức để góp ý cho dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi
Sự kiện “Ai góp ý giơ tay lên” số 1, số 2 do giới làm phim tự tổ chức để góp ý cho dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi

Cách đây nửa tháng, 20 doanh nghiệp sản xuất phim, chương trình truyền hình của Việt Nam gửi văn bản “kêu cứu” lên Thủ tướng Chính phủ và UBND TP.HCM, đề nghị xem xét cho phép các công ty sản xuất phim và chương trình truyền hình thuộc nhóm đối tượng phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới. Vẫn biết dù “mở cửa lại” rồi, các ngành này vẫn phải chờ thêm một thời gian nữa mới có thể vận hành “bình thường mới”; nhưng ít ra, sự chủ động đó cũng cho thấy họ không muốn ngồi yên một chỗ để chờ chết.

Giám đốc Công ty TNHH Đường Sách TP.HCM thông tin, so với mặt bằng chung, các đơn vị có doanh thu tăng hầu như đều tập trung đẩy mạnh cho kênh phân phối trực tuyến. Chính dịch bệnh đã dạy ngành xuất bản bài học thay đổi để thích ứng nếu muốn tồn tại và sống chung với dịch bệnh. “Chúng tôi nhận ra rằng, phải từng bước tận dụng tiến bộ của công nghệ để chuyển đổi cách kinh doanh, tổ chức sự kiện”, ông Lê Hoàng nói. 

Ông Lê Hoàng cũng nói thêm, đơn vị này đang nghiên cứu cho ra mắt một sàn thương mại điện tử riêng để đưa sách đến với bạn đọc. So với các sàn thương mại điện tử lớn hiện nay như Tiki, Shopee, Lazada… bán đủ thứ, trong đó có cả sách; thì sàn riêng của đường sách mang tính chuyên đề hơn, sát với nhu cầu, sở thích của bạn đọc hơn, và ởđó, bạn đọc có thể dễ dàng tương tác với những đơn vị xuất bản quen thuộc của mình. 

Rõ ràng, bên cạnh “luồng xanh” về mặt cơ chế, chính sách, bản thân các ngành cũng phải nhận thấy tính cấp thiết của việc phải thay đổi, để tự cứu mình. Chủ động đưa ra các giải pháp, cất lên tiếng nói trong cuộc, hay chuyển đổi để thích ứng… đều là những biểu hiện cho ý thức không muốn bị thụt lùi. Và có lẽ, cũng chỉ có vận động từ trên xuống, rồi từ dưới lên, thì mới giải được bài toán phục hồi, nếu không, tất cả đều thua cuộc trong sự an bài của dịch bệnh hay bất cứ biến cố nào. 

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI