Văn hóa nghệ thuật - giải trí 2013: Được và mất

30/12/2013 - 10:35

PNO - PN - CA NHẠC: SỰ TRỞ LẠI CỦA NHỮNG LIVESHOW CHẤT LƯỢNG

edf40wrjww2tblPage:Content

Gọi là trở lại vì không phải nhạc Việt chưa từng có những liveshow tử tế, dù số lượng không nhiều. Những liveshow trước đây đã diễn ra đúng nghĩa có ý tưởng, có chủ đề và mọi chi tiết đều phục vụ cho chủ đề đó, đặc biệt là phần “live”: hát “sống” hoàn toàn. Sau đó một thời gian dài, liveshow gần như bị biến tướng thành những chương trình tạp kỹ. Năm 2013, các liveshow tử tế đã trở lại, từ dàn dựng cảnh trí cho đến múa minh họa, khách mời… đều tôn lên nhân vật chính và lấy âm nhạc làm chủ thể duy nhất, phần nghe không bị phần nhìn lấn át. Tại các liveshow này, phần hát “live” khá sạch sẽ và ổn định từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết thúc. Điều này đã tác động lớn đến thị trường âm nhạc, kích thích các ca sĩ trẻ làm nghề với những tiêu chí tốt hơn, "chân chính" hơn.

Van hoa nghe thuat - giai tri 2013: Duoc va mat

Phương Mỹ Chi-Quang Anh - hai giọng hát nhí bị cuốn vào showbiz Việt 2013

Năm 2013 cũng là năm chứng kiến những mặt trái của showbiz, làm đảo lộn mọi giá trị về đạo đức, lòng tự trọng cũng như nhận thức lệch lạc về hai chữ nghệ thuật. Chưa bao giờ ngọn roi pháp lý mạnh tay đến thế với những lệnh cấm biểu diễn được đưa ra và sự giám sát nghiêm khắc vươn tới tận những điểm diễn nhỏ như phòng trà, bar… Điều đó cho thấy showbiz Việt đã chạm mức báo động đỏ, cần sự chấn chỉnh bằng pháp lý hơn là chỉ bằng dư luận chung chung. Đây cũng là năm mà một lần nữa, những khe hở hay sự thiếu sót của các quy định quản lý lại hiển lộ, cho thấy sự không bắt kịp diễn tiến thực tế. Chỉ sau một mùa Giọng hát Việt nhí, những đứa trẻ như Phương Mỹ Chi, Quang Anh… bị cuốn vào vòng xoáy nghiệt ngã của showbiz trong trạng thái không thể và không biết cách phòng vệ, trong khi những gương mặt nhí này lại chưa phải là đối tượng để điều chỉnh và bảo vệ trong khung pháp lý.

XUẤT BẢN: “SỐNG-CHẾT” CŨNG VÌ LIÊN KẾT

Không phải là chuyện mới, nhưng trong năm 2013, hình thức liên kết xuất bản thể hiện rất rõ vai trò, sức mạnh của mình, đồng thời cũng tự bộc lộ những hạn chế “chết người”. Một nửa số giải thưởng của giải Sách hay 2013 thuộc về các đơn vị làm sách tư nhân đã cho thấy đóng góp của họ qua phương thức liên kết. Thống kê hàng năm về tỷ lệ sách liên kết với sách tự xuất bản ở các nhà xuất bản Trung ương là ngang nhau, nhưng sang đến nhóm các nhà xuất bản địa phương thì sách liên kết lại chiếm đến trên 60%.

Tuy nhiên, nhiều sai phạm cũng từ liên kết xuất bản mà ra. Trong năm kiểu vi phạm chủ yếu, phổ biến, được Cục Xuất bản nêu ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2014, sách liên kết “dính” khá nhiều: thể hiện không đúng và đầy đủ chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia Việt Nam; sách tham khảo học sinh có nguồn gốc từ nước ngoài, sử dụng hình ảnh minh họa cờ Trung Quốc thay cho cờ Việt Nam; sách hồi ký, tự truyện không mang tính khách quan, không chính xác, tự ca ngợi quá mức về bản thân…

Lý do chính vẫn thuộc về các nhà xuất bản làm sách theo kiểu “chờ sung rụng”, phó mặc cho đối tác muốn làm gì thì làm, nên không hiếm chuyện nhà xuất bản bị qua mặt, không đọc hoàn chỉnh bản thảo, không được giao sách để nộp lưu chiểu…

Van hoa nghe thuat - giai tri 2013: Duoc va mat

Chicago: vở nhạc kịch đem đến luồng gió mới cho sân khấu

SÂN KHẤU: NHẠC KỊCH BROADWAY ĐEM ĐẾN LUỒNG GIÓ MỚI

Khi những người làm sân khấu (SK) kịch đang loay hoay tìm cách chinh phục khán giả thì sự xuất hiện của vở Broadway phiên bản Việt Nam: Chicago (chuyển ngữ và đạo diễn (ĐD) Nguyễn Khắc Duy) như một luồng gió mới. SK nhạc kịch vốn là một giấc mơ nằm ngoài tầm của giới làm nghề bởi những lo ngại về điều kiện SK, khả năng biểu diễn của diễn viên... Nhưng, Chicago đã chứng minh điều ngược lại. Thành công trong lần ra mắt đầu tiên của thể loại nhạc kịch đã mở ra một hướng đi mới và vun đắp sự tự tin cho giới làm nghề. Công ty giải trí LBT Entertainment đã mạnh dạn đầu tư cho Nguyễn Khắc Duy và nhóm kịch Buffalo tiếp tục với vở nhạc kịch thứ hai - High school musical - dự kiến sẽ công diễn từ mùng bốn Tết Giáp Ngọ. ĐD Cao Tấn Lộc (SK Thế Giới Trẻ) cũng đang xây dựng kế hoạch thực hiện nhạc kịch trong năm 2014. Dự báo nhạc kịch sẽ là loại hình SK đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ hiện nay.

Bên cạnh đó, cải lương tiếp tục hoạt động èo uột và lãng phí khi “cánh chim đầu đàn” của SK cải lương phía Nam - Nhà hát Trần Hữu Trang lại có thêm một năm hoạt động kém hiệu quả. Dù có chủ trương phục dựng những vở cải lương hoành tráng để phục vụ công chúng, nhưng Chiếc áo thiên nga - vở diễn đầu tiên được phục dựng với kinh phí khoảng 400 triệu nhanh chóng trở thành sự đầu tư lãng phí với một suất diễn duy nhất vào tháng 7/2013. Không chỉ Chiếc áo thiên nga, năm 2013 Nhà hát Trần Hữu Trang còn có hai vở diễn khác là Trái tim trong trắng và Đêm trước ngày hoàng đạo cũng chỉ diễn vài suất sau Liên hoan tài năng đạo diễn trẻ SK 2013. Trong tình hình khó khăn chung, dựng vở để “đếm chỉ tiêu” và “tiêu tiền” kiểu này là một sự lãng phí khó chấp nhận!

ĐIỆN ẢNH: BÁO ĐỘNG CHẤT LƯỢNG PHIM

Van hoa nghe thuat - giai tri 2013: Duoc va mat

Lửa Phật - phim được đầu tư cao về kinh phí nhưng chất lượng gây thất vọng cho khán giả

Điện ảnh Việt Nam vẫn giữ vững “phong độ” về số lượng phim ra rạp (18 phim/năm), nhưng không có tác phẩm nào vừa được đánh giá cao về chất lượng chuyên môn lại vừa có doanh thu phòng vé khả quan như “hiện tượng” Thiên mệnh anh hùng, Scandal - Bí mật thảm đỏ năm 2012. Sự xuất hiện tác phẩm đầu tay của những “tân binh”: Nguyễn Khắc Huy, Đinh Tuấn Vũ, Thiện Đỗ, Hàm Trần và Quang Huy được công chúng đánh giá cao vì sự chỉn chu, sạch sẽ. Dù “đứa con tinh thần” của họ vẫn còn những khiếm khuyết nhưng họ có thái độ làm nghề nghiêm túc, lòng nhiệt huyết. Tuy nhiên, nghịch lý là các phim ăn khách cũng chính là các phim bị chê nhiều nhất như Mỹ nhân kế, Nhà có năm nàng tiên và mới nhất là Tèo em. Ngay các tác phẩm có kinh phí cao, được quảng cáo là “bom tấn” Việt như Mỹ nhân kế, Lửa Phật vẫn bị dư luận chán ngán vì “thùng rỗng kêu to”.

Dòng phim độc lập năm nay gần như mất bóng khỏi màn ảnh rộng, trừ đại diện duy nhất là Đường đua. Điện ảnh Việt Nam mùa hè không còn né tránh phim ngoại mà vẫn dũng cảm ra rạp, nhưng tiếc thay, gần như các sản phẩm đều là “thảm họa”. Sự cẩu thả về kỹ thuật, non kém về cách kể chuyện, phi lý trong dường dây câu chuyện, diễn xuất lơ ngơ của dàn hotboy, hotgirl là những điểm chung nhất của những “thảm họa” này… Nỗi thất vọng còn nối dài với việc phim trong nước vắng bóng ở tất cả các liên hoan, giải thưởng điện ảnh quen thuộc trên thế giới. Suốt một năm dài không chọn được một đại diện nào xứng đáng để “đem chuông đi đánh xứ người” .

Van hoa nghe thuat - giai tri 2013: Duoc va mat

Thử thách cùng bước nhảy là chương trình truyền hình thực tế duy nhất vẫn tạo sức hút qua hai mùa

TRUYỀN HÌNH: TRUYỀN HÌNH THỰC TẾ DỒN DẬP PHỦ SÓNG

Phim truyền hình đã đa dạng hơn về thể loại, các nhà đài siết chặt hơn về chất lượng, không chỉ khai thác đề tài tình cảm tâm lý xã hội mà dàn trải đều: hình sự, lịch sử, cách mạng, dã sử, góp phần làm mặt bằng chất lượng phim nâng lên ít nhiều. Đồng hành với phim, các chương trình truyền hình thực tế (THTT) đủ lĩnh vực, từ thiết kế thời trang, người mẫu đến ca hát, nhảy múa đã làm sóng truyền hình sôi động vào những ngày cuối tuần. Nhưng, chính sự đổ bộ ồ ạt của THTT đã làm nhu cầu giải trí của khán giả rơi vào trạng thái bão hòa. Quá nhiều chương trình xuất hiện cùng thời điểm dẫn đến tình trạng trùng lắp nội dung lẫn cách thể hiện. Thay vì chương trình sau hay hơn chương trình trước, ở Việt Nam đang có diễn biến ngược lại: khi càng nhiều THTT thì chất lượng các chương trình về sau càng giảm dần do đầu tư dàn trải. Ngay cả ánh hào quang mà các đơn vị tổ chức cố tình tạo ra để “bơm” thí sinh đoạt giải quán quân lên cũng không còn tác dụng mạnh, ít tài năng thật sự tỏa sáng sau giải thưởng. Tuy vẫn còn là “miếng bánh” ngon cho các nhà sản xuất lẫn nhà đài trong năm 2014, nhưng nếu THTT cứ tiếp tục xuất hiện không tiết chế thì sự quay lưng của khán giả chỉ là sớm hay muộn.

 BAN VHVN

Lĩnh vực văn hóa nghệ thuật-giải trí năm 2013 được đánh giá có nhiều chuyển biến, bám sát sự phát triển của công nghệ giải trí các nước, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả. Tuy nhiên, cũng chính từ sự “hòa nhập” nhanh chóng này, bên cạnh những điểm nổi bật , lĩnh vực văn hóa nghệ thuật-giải trí cũng bộc lộ những hạn chế khi có những giá trị ảo được đề cao, ảnh hưởng không nhỏ đến tư duy làm nghề của nghệ sĩ và định hướng thẩm mỹ của khán giả.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI