Nỗi buồn phim tử tế

14/09/2018 - 07:33

PNO - Bộ phim 'Song lang' sắp kết thúc thêm một tuần lễ trụ rạp (ngày 14/9) sau chiến dịch “Cho 'Song lang' thêm một tuần nữa” mà nhiều nghệ sĩ và khán giả Việt kêu gọi.

Ra mắt ngày 17/8, bộ phim chủ đề cải lương Song lang không thành công ở phòng vé, dù nhận được nhiều lời khen về chất lượng lẫn sự đầu tư tâm huyết. Các suất chiếu bị xếp vào giờ không thuận tiện dẫn đến việc phim “chết yểu” sau hai tuần công chiếu.

Việc phía sản xuất không công bố doanh thu phim phần nào cho thấy thực tế là chất lượng Song lang không tỷ lệ thuận với tiền bán vé.

Noi buon phim tu te
Dù nhận được vô số lời khen, Song lang không thành công về doanh thu

Trong khi Song lang ngậm ngùi vì vắng khách thì phim Việt phát hành sau đó nửa tháng - Hoán đổi - lại vô cùng hoan hỉ với doanh thu 20 tỷ đồng chỉ sau bốn ngày khởi chiếu.

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu Hoán đổi không bị giới phê bình và công chúng chê tơi tả vì nội dung nhạt nhẽo, kỹ xảo thô sơ, chọc cười kiểu sân khấu, tình tiết rời rạc phi lý, xây dựng nhân vật thiếu nhất quán.

Sự ăn khách của Hoán đổi, một lần nữa, cho thấy gu xem phim của khán giả trong nước vẫn nghiêng về những tác phẩm giải trí nặng tính chọc cười hơn là những bộ phim có chủ đề sâu sắc, thể hiện dấu ấn cá nhân.

Giữa năm nay, thất bại phòng vé của Ống kính sát nhân cũng vì lý do đó. Phim đầu tư chỉn chu, thể hiện sự tìm tòi về thể loại tâm lý tội phạm còn khá mới mẻ trên màn ảnh Việt, nhưng sớm mất hút ở rạp, vì khán giả chẳng mặn mà thử “khẩu vị lạ”. Trong khi đó, phim hài hành động Lộ mặt, phát hành một tuần sau đó, có nội dung hết sức hời hợt, lại dễ dàng thu 15 tỷ ngay tuần đầu ra rạp.

Thị trường điện ảnh Việt Nam đang tăng trưởng không ngừng. Mỗi phim Việt ra rạp có doanh thu đều là chuyện đáng mừng, vì giúp thực đơn phim nội thêm nhiều màu sắc và góp phần làm thăng bằng cán cân tiền vé với các bộ phim ngoại.

Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào bề nổi như vậy để lạc quan về điện ảnh Việt thì đó chính là lạc quan tếu. Sự lên ngôi của những bộ phim giải trí hời hợt, việc đua nhau khai thác đề tài, thể loại “dễ ăn”, với mức đầu tư “an toàn” (tầm 7-8 tỷ đồng), hướng đến mục tiêu “đánh nhanh thắng nhanh” sẽ khiến phim Việt mãi quẩn quanh ở mặt bằng thấp.

Dẫu cũng có vài ngoại lệ hiếm hoi như phim chất lượng cao Chàng vợ của em mới đây đã thắng giòn giã với 83 tỷ đồng tiền vé sau bốn tuần chiếu, nhìn lại, sự ăn khách của phim vẫn là do đánh trúng gu xem phim chính của khán giả: hài. Nếu Chàng vợ của em không hài, có lẽ phim cũng sẽ chung số phận với Fan cuồng - một phim cũng có sự hợp tác của bộ đôi đạo diễn Charlie Nguyễn - diễn viên Thái Hòa và được đầu tư chỉn chu, tâm huyết nhưng “chết yểu” vì chủ đề (rock) xa lạ, lại không có yếu tố gây cười.

Một nền điện ảnh mang màu sắc chủ đạo là hài nhưng lại chẳng thể vui được khi nhìn vào “đường dài”, e chỉ có ở nước ta!

Nguyễn Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI