Nhà giáo Phạm Toàn đã rời bến 'sông Mê'

28/06/2019 - 06:28

PNO - Cả cuộc đời Phạm Toàn cống hiến cho giáo dục. Lúc còn sống, ông nhắc đi nhắc lại, giáo dục là tổ chức sự trưởng thành cho thanh thiếu niên, không phải là đào tạo.

Căn bệnh K ập đến và Phạm Toàn đã dũng cảm chiến đấu với nó đến tận những giây phút cuối cùng. 88 tuổi, minh triết và đau đáu với những khát vọng chưa thành, ông đã rời bến “sông Mê”.

Tháng trước, tôi cùng một số thân hữu đến thăm ông. Ông gượng dậy, ra dấu cho người thân dìu ra phòng khách ngồi hàn huyên đôi ba phút. Anh Phạm Xuân Nguyên nhờ tôi tìm bài diễn văn của tân Tổng thống Ukraine, rồi anh đọc to cho ông nghe. Tất cả im lặng, khi thấy những giọt nước mắt của Phạm Toàn. Ông lấy tay quệt nước mắt, hồn nhiên và giản dị như trẻ con, thốt lên: “Bài diễn văn tình người quá. Lâu lắm rồi tôi mới được nghe bài diễn văn hay như vậy, chỉ sau bài của Fidel Castro. Chuyển ngay cho tôi bài viết này”.

Ông Phạm Toàn chỉ ngồi với chúng tôi được mươi phút, tranh thủ cơn đau chưa trỗi dậy. Ông yêu các bạn cùng lứa của mình lắm. Ông yêu Bùi Ngọc Tấn, yêu Dương Tường, yêu Nguyễn Xuân Khánh. Khi các ông gặp nhau, cũng như các chàng trai tuổi 20, gọi nhau “mày - tao”, khích nhau như tuổi trẻ chưa bao giờ băn khoăn.

Nha giao Pham Toan  da roi ben 'song Me'
Nhà giáo Phạm Toàn trong một buổi nói chuyện về giáo dục - Ảnh: CB

Tôi lại ngồi, chuyển bài viết cho ông qua email phamtoannhamthan. Vốn hài hước, cái gì qua ông cũng đều nhẹ nhõm, tươi lành, nên email của ông cũng lúc là phamtoanvidai, sau lại phamtoankhiemton, rồi cuối đời, như trở về bản nguyên, là phamtoannhamthan.

Ngay hôm sau, Phạm Toàn đã gửi cho anh Phạm Xuân Nguyên bài viết đầy cảm xúc mang tên “Ngẫu hứng âm nhạc”. “Tôi nhớ mình mấy lần kéo cánh tay áo cộc lau mắt. Mấy lần? Chắc không phải hai lần. Nhưng chắc không phải trên ba lần. Vì ba lần là vừa đủ”. Những dòng cuối cùng ông viết hiện ra trước mắt tôi.

Cả cuộc đời Phạm Toàn cống hiến cho giáo dục. Lúc còn sống, ông nhắc đi nhắc lại, giáo dục là tổ chức sự trưởng thành cho thanh thiếu niên, không phải là đào tạo. Thanh thiếu niên tự làm ra chính mình bằng cách tự trang bị cho mình một tư tưởng, một phương pháp học. Trong “Ngẫu hứng âm nhạc”, Phạm Toàn vẫn còn đau đáu. Ông nói về tiếng Việt, về môn văn, về cách chữa cái gốc kiến thức cho người giáo viên tiểu học.

Nhớ trước đây, có lần ông từng nói: “Văn của tôi, ai thích đọc thì đọc, không thích thì tôi cũng không dám ép, nhưng cuốn Công nghệ dạy văn thì tôi phải nói rằng, nếu không có công nghệ, (kỹ thuật được tổng hợp, đúc kết thành phương pháp) thì dạy văn và học văn chỉ là thứ cảm nhận rỗng tuếch, vớ vẩn”.

Ông cũng nói thêm: “Nỗi đau khổ của người Việt Nam nhiều thời là không phát triển được văn hóa và âm nhạc bản địa, trong khi lại quá vồ vập với những vẻ đẹp hào nhoáng mà mình không nằm trong sự phát triển của nó”. 88 tuổi, minh triết chứ không phải minh mẫn nữa, ông còn nói: “Hãy cùng nhau làm thử như vậy đi! Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi...”.

Nha giao Pham Toan  da roi ben 'song Me'
Nhà giáo Phạm Toàn - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Hà Nội rộng hay nhỏ, hình như do nhân duyên của mỗi người. Mỗi lần gặp ông, tôi lại thấy ông đang theo nhiều dự án, mà dự án viết sách giáo dục tiểu học kiểu mới là dự án xuyên suốt của ông với nhóm Cánh Buồm. Nói chuyện, mặt ông lúc nào cũng thể hiện tinh thần chăm chú lắng nghe người đối diện. Rồi bằng giọng hài hước, dí dỏm, ông chỉ cần nói vài câu đã đủ khiến người ta phải yêu thương, kính mến và mong được ở gần để học hỏi những tinh hoa của ông.

Vĩnh biệt ông, một trong những nhà trí thức đương thời mà chúng tôi kính trọng. Ông chính là người tiên phong trong các phong trào cải cách giáo dục. Các thầy cô giáo của công cuộc đổi mới luôn cần đến ông, coi nhà ông như nơi chốn quen thuộc để tới thăm hỏi, trao đổi về kiến thức giáo dục mới, sao cho gần gũi, sâu sát với học sinh.

Nghe tin ông mất, không ít nhà văn, nhà báo, nhà giáo, giới trí thức đăng những dòng chia sẻ, mới biết ông đã ở bên họ, qua những trao đổi riêng, nhằm giúp họ xử lý tình huống về giáo dục con trẻ trong gia đình. Với Phạm Toàn, người ta yêu ông vì cái tình nhiều hơn cái tài (dẫu tài năng của ông thì không còn phải bàn cãi), ngưỡng mộ ông về tinh thần làm việc lăn xả, làm đến phút cuối cùng trên giường bệnh.

Lâu rồi, bạn đọc không thấy ông trở lại với văn chương nghệ thuật. Nhưng nếu say mê văn học nước ngoài, bạn đừng quên tìm lại các bản dịch của ông với bút danh Châu Diên như: Chín mươi ba (Victor Hugo), Bay đêm, Hoàng tử bé (S.Exupéry), Ruồi (J.Sartre). Ông sáng tác thơ, sáng tác tập truyện 73 chiếc cối đá và tiểu thuyết Người sông Mê mà nhà thơ Dương Tường, khi mới đọc vài chương đầu, đã phải gọi điện thoại cho ông để quát: “Thằng khốn nạn, mày bỏ ngay tất cả những việc khác lại, lập tức viết cho xong cuốn sách này”…

Vĩnh biệt nhà giáo Phạm Toàn. Ông đã rời bến “sông Mê” để thong dong cõi khác. 

Nhà giáo Phạm Toàn (bút danh: Châu Diên) - một nhà hoạt động tích cực trong lĩnh vực giáo dục, người sáng lập nhóm Cánh Buồm - đã qua đời lúc 6g42, sáng 26/6, tại nhà riêng, hưởng thọ 88 tuổi.

Tang lễ của ông được tổ chức ngày 28/6 tại nhà tang lễ Cầu Giấy (phố Trần Vĩ, phường Mai Dịch, Hà Nội). Lễ viếng và truy điệu từ 8-10g. An táng cùng ngày tại đài hóa thân hoàn vũ Văn Điển (Hà Nội).

Codet Hanoi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI