Vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh: Chỉ cần tự tin băng về phía trước…

20/05/2023 - 13:45

PNO - Những ngày tháng Năm, dường như cả nước đang hướng về SEA Games 32. Và trái tim chúng ta lại ngân lên những nhịp vui lẫn tự hào khi cái tên vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh liên tục được xướng lên trên đường chạy.

 

Vận động viên Nguyễn Thị Oanh trên đường chạy tại SEA Games 32 - ẢNH: ĐỨC ĐỒNG
Vận động viên Nguyễn Thị Oanh trên đường chạy tại SEA Games 32 - Ảnh: Đức Đồng

Những gì Nguyễn Thị Oanh vừa trải qua không thể chỉ gói gọn bằng những từ ngữ dùng để ca tụng, bởi có điều gì đó hơn thế nữa, nhất là khi trước mắt chúng ta là cô gái nhỏ nhắn, mong manh… Và như Oanh từng chia sẻ: “Sự nghiệt ngã của lịch thi đấu trở thành động lực, buộc tôi phải thể hiện hết khả năng và bùng nổ cảm xúc khi chiến thắng. Đó mới chính là giá trị quý giá nhất mà tôi muốn mang về cho thể thao”.

Trở thành người hài lòng với bản thân nhờ điền kinh

Phóng viên: Mấy hôm nay, nếu đọc báo chắc Oanh cũng thấy được sự phấn khích của cả nước khi nói về bạn. Mọi người dõi theo từng bước chân của bạn. Cảm giác của bạn thế nào khi được chào đón trở về? Bạn có thấy mình “khác hẳn”?

Vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh: Chắc chắn chẳng có một Oanh nào khác. Tôi tin dù có thế nào, tôi vẫn là chính mình. Tôi hạnh phúc vì nhiều người nhận ra mình khi vừa bước tới sảnh khách sạn. Tôi vui vì tin rằng mọi người rất quan tâm đến thể thao. 

* Bạn có nghĩ rằng giới tính cũng là rào cản trên con đường chinh phục những giải đấu?

- Thực ra, khi đã quyết tâm theo đuổi thể thao đỉnh cao thì tôi và có lẽ đa số vận động viên (VĐV) đều không cần phải suy nghĩ, bận tâm quá nhiều về điều này điều kia. Không điều gì có thể cản trở được quyết tâm của mỗi người. Nếu chúng ta có đam mê, có mục đích thì sẽ luôn kiên định theo đuổi. Tuy nhiên, tuổi tác cũng là một trở ngại đối với phụ nữ, gây ảnh hưởng nhiều đến việc thi đấu, luyện tập. Thấy các chị lập gia đình, sinh con xong quay lại tập luyện, tôi rất khâm phục. Tôi biết các chị đã rất cố gắng, chịu hy sinh. Sự cố gắng ấy chứng tỏ việc theo đuổi mục tiêu, khát khao nơi các chị rất lớn. Nhưng suy cho cùng, phụ nữ mà, chúng tôi cũng còn rất nhiều sứ mệnh khác, sau sứ mệnh chinh phục thể thao đỉnh cao.

* “Sứ mệnh khác” đó với bạn là…

- Đến giờ, với tôi vẫn là cố gắng tập luyện để chinh phục những thành tích cao hơn. Tôi cũng từng nghĩ về những ngày sau khi giải nghệ nhưng còn mông lung lắm. Có lẽ tôi phải rõ ràng hơn nữa với sứ mệnh của mình, vạch cho mình những mục tiêu tiếp theo.

* Quay ngược thời gian, vì sao bạn chọn điền kinh?

- Có lẽ đó là cái duyên. Năm 9 tuổi, khi được chứng kiến một cuộc thi điền kinh đúng nghĩa, cô học sinh tiểu học là tôi lúc đó lập tức dán mắt vào những bước chạy. Những tiếng hò reo, ánh mắt ngưỡng mộ của mọi người dành cho người dẫn đầu khiến tôi ao ước một ngày nào đó mình cũng có thể nhận được sự cổ vũ như vậy. Tôi tham gia các giải chạy phong trào, các hoạt động thể thao của trường. Càng gắn bó với điền kinh, tôi càng phát hiện ra đam mê của mình. Rồi đến một ngày, tôi tin rằng mình phải đồng hành cùng nó trong cuộc đời.

* Những ngày bắt đầu có trải đầy hoa hồng?

- Thực sự tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Năm 15 tuổi, tôi khăn gói xuống Trường năng khiếu Thể dục thể thao Bắc Giang để theo đuổi con đường trở thành VĐV chuyên nghiệp. Khi bắt đầu tham gia thi đấu đỉnh cao, chỉ chừng 1 tuần tôi đã muốn bỏ về với bố mẹ. Tôi nhớ nhà, cứ khóc đòi về. Tối đó, dù mưa to gió lớn, bố mẹ vẫn lập tức xuống đón tôi. Nhưng, sau khi ngồi nói chuyện với huấn luyện viên, tôi lại quyết định ở lại. May mắn sau đó tôi dần dà nhận ra điền kinh giúp tôi nhận rõ chính mình nhất. Nhờ điền kinh, tôi trở thành một cô gái biết hài lòng với bản thân, luôn muốn mình ngày càng hoàn thiện, phát triển nhiều hơn so với hôm qua. 

Cuộc đời có rất nhiều chặng đua

Vận động viên Nguyễn Thị Oanh duyên dáng bên ngoài đường chạy
Vận động viên Nguyễn Thị Oanh duyên dáng bên ngoài đường chạy

* Tôi thấy bạn đang nói về cha mẹ với rất nhiều sự biết ơn…

- Ngay lúc này, bố mẹ tôi đang có mặt ở TPHCM để đón tôi và chung vui cùng tôi. Tôi cảm thấy ấm áp vô cùng. Có một điều rất may mắn khi tôi có thể chia sẻ mọi buồn vui với bố mẹ. Tôi luôn biết ơn vì mình được lớn lên trong một gia đình đầy tình yêu thương. Thật ra bố từng không đồng ý để tôi theo thể thao chuyên nghiệp, ông lo đủ thứ cho đứa con gái bé xíu của mình. Nhưng rồi dần dần bố cũng được mẹ và các chị thuyết phục, nhất là khi tôi quyết tâm cố gắng theo đuổi đến cùng đam mê này, ngay cả lúc các bạn cùng lứa đều đã bỏ cuộc. 

Tôi từng phải rời đội vì mắc bệnh viêm cầu thận. Khi đó, tôi bị sưng phù hết từ cổ đến mặt, phải nhập viện điều trị, sau đó phải dừng tập hoàn toàn, kiêng ăn dẫn đến teo cơ. Tôi mặc cảm đến mức trầm cảm và bắt đầu nghĩ đến việc giải nghệ. Trong những ngày tháng đó, bố mẹ, gia đình luôn bên tôi. 

Hay như trong kỳ SEA Games này, khi biết ban tổ chức bất ngờ đổi lịch thi đấu, đẩy 2 nội dung nữ 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật vào cùng một buổi, giờ xuất phát của 2 nội dung chỉ cách nhau 20 phút, bố mẹ đã rất lo lắng, chỉ sợ con gái ngất khi đang chạy. Gia đình chính là điểm tựa vững chắc nhất để tôi tự tin rằng dù có thế nào, mình luôn có một nơi để trở về... 

* Gần đây, trên mạng xã hội, mọi người thường nói nhiều về giá trị của bản thân. Phải chăng chuỗi thành tích vừa rồi là cách để bạn thể hiện giá trị bản thân?

- Chỉ cần cố gắng tập luyện cũng chính là mình đang khẳng định giá trị bản thân. Tôi chỉ đơn giản thấy mình may mắn, bởi xung quanh luôn có những người yêu thương, động viên để tôi mạnh mẽ, kiên trì hơn.

* Đường chạy giúp bạn tôi luyện bản thân thế nào, hay phần lớn là tố chất? 

- Những ngày tập luyện đến đi không nổi, nôn thốc nôn tháo vì mệt, lần thi đấu đến ngất xỉu… đã giúp tôi bản lĩnh hơn. Có rất nhiều khó khăn, thử thách đòi hỏi tôi phải vượt qua nếu không muốn bỏ cuộc với ước mơ của chính mình. Mỗi thời điểm, khoảnh khắc khó khăn trong luyện tập, thi đấu và cả trong cuộc sống đời thường đã giúp tôi rèn giũa rất nhiều, tôi tự tin hơn vì “cuối cùng mình cũng làm được”. 

“Đến với mỗi giải đấu, tôi luôn chuẩn bị và tập trung cao độ. Mỗi đường chạy luôn là mục tiêu và nhiệm vụ bắt buộc tôi phải hoàn thành. Khi đó, tôi chỉ có một con đường duy nhất là chiến đấu”. 

Vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh

Cuộc đời cũng như thi đấu và luyện tập thôi, có rất nhiều chặng đua mà có khi bạn chỉ cần chiến thắng chính mình. Khi nhắc lại những “chặng đua” đó, tôi cảm thấy biết ơn những gì mình đã trải qua, để có thể trân trọng hơn những ngày sống hiện tại, để tin vào hy vọng, tin vào yêu thương, tin vào may mắn… Chỉ cần tự tin băng về phía trước, chắc chắn sẽ có gì đó tươi đẹp chờ đợi mình.

* Bạn thấy hành trình vừa qua có gì đáng nhớ?

- Các hành trình vừa qua đều là những cột mốc đáng nhớ bởi để vượt qua không hề đơn giản. Tôi và nhiều VĐV phải đánh đổi và hy sinh rất nhiều. Như tôi đã nói, có rất nhiều VĐV nữ sau khi lập gia đình, sinh con, để đảm bảo cường độ luyện tập đã đánh đổi bằng rất nhiều thời gian, khoảnh khắc lẽ ra họ phải dành cho con cái, gia đình mình. Thế nhưng, chúng tôi không than van bởi đó là sự lựa chọn. Ý chí, sự quyết tâm của các chị chính là động lực rất lớn để đồng đội mạnh mẽ đi tiếp hành trình nhiều chông gai, thử thách. 

Hãy cho bản thân mục tiêu rồi cố gắng chinh phục

Bên cha mẹ
Nguyễn Thị Oanh bên cha mẹ

* Với những bạn trẻ đam mê điền kinh, bạn sẽ dành cho họ điều gì?

- Tôi muốn nói với các bạn trẻ điều mà tôi vẫn thường nói với chính mình: Hãy cho bản thân mục tiêu, ước mơ rồi cố gắng chinh phục. Chẳng có con đường nào trải sẵn hoa hồng mà sẽ đầy chông gai thử thách nhưng chỉ cần bạn luôn cố gắng, quyết tâm… Khi bạn dành tình yêu mãnh liệt cho điền kinh, phía cuối con đường đó chắc chắn sẽ có nhiều trái ngọt.

* Và mục tiêu, ước mơ hiện tại của VĐV Nguyễn Thị Oanh là gì?

- Tôi mong những người yêu thương mình có thật nhiều sức khỏe và bản thân luôn chinh phục được những cột mốc khác nhau trong đời. Bởi ngoài căn bệnh như đã kể trên, tôi còn từng bị chấn thương nghỉ thi đấu 6 tháng vào năm 2012, ảnh hưởng rất nhiều đến giải đấu năm đó. Do đặc thù, tôi tập luyện nội dung vượt chướng ngại vật nên việc tập luyện ảnh hưởng nhiều đến xương khớp. Vì đã trải qua giai đoạn điều trị bệnh và chấn thương rất vất vả nên tôi luôn có ý thức chăm sóc sức khỏe bản thân.

Sau này, khi không còn thi đấu, tôi có thể sẽ trở thành huấn luyện viên và truyền cho các thế hệ đàn em cảm hứng về một môn thể thao chinh phục, tặng các bạn những kinh nghiệm và kể lại cho mọi người câu chuyện chinh phục mục tiêu của tôi ngày hôm nay. Biết đâu những câu chuyện nhỏ của tôi sẽ giúp được ai đó đang muốn bỏ cuộc. 

* Vậy còn ước mơ về một mái ấm nhỏ thì sao?

- Đó có lẽ là điều tất cả phụ nữ trên đời đều hướng đến. Tôi mong có được một mái ấm trọn vẹn, có người thương đồng hành, sẻ chia và thấu hiểu từng việc nhỏ trong cuộc sống. 

* Cảm ơn bạn đã chia sẻ. 

Nguyễn Thị Oanh - sinh năm 1995, là VĐV điền kinh của Bắc Giang. Sau chiến thắng ở nội dung chung kết 10.000m nữ với thành tích 35 phút 11 giây 53, Oanh trở thành VĐV đạt được 12 huy chương Vàng SEA Games trong sự nghiệp. Oanh là người thứ hai trong lịch sử cán mốc 12 huy chương Vàng điền kinh ở SEA Games của Việt Nam, sau đàn chị Nguyễn Thị Huyền. Theo đó, Oanh cũng trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên giành 4 huy chương Vàng cá nhân môn điền kinh trong 1 kỳ SEA Games. Trong đó, 2 huy chương Vàng ở nội dung 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật được cô giành chỉ sau 20 phút dù lịch thi đấu rất dày đặc và vô cùng bất lợi. 

Ngoài 12 huy chương Vàng đã đạt được sau các kỳ SEA Games, Nguyễn Thị Oanh còn gây ấn tượng với hàng loạt thành tích. Đầu năm nay, tại Kazakhstan, cô đoạt huy chương Vàng cự ly 1.500m tại giải điền kinh trong nhà châu Á. Ngoài ra, cô còn sở hữu 1 huy chương Đồng Asiad, 1 huy chương Vàng và 1 huy chương Bạc giải Thể thao bãi biển châu Á (Asian beach games)...

Tạ Khánh Tâm (thực hiện)

Ảnh: nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI