Vẫn còn sớm để Việt Nam tuyên bố chấm dứt đại dịch

23/09/2022 - 06:31

PNO - Sau phát biểu của WHO và mới đây nhất là tuyên bố của Mỹ về kết thúc đại dịch COVID-19, không ít người đặt câu hỏi, khi nào đại dịch có thể chấm dứt tại Việt Nam?

Tiếp tục duy trì 2K

Sau gần 3 năm ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, thế giới đã trải qua nhiều biến động, tác động đến mọi mặt của kinh tế - đời sống - xã hội. Nhiều người dân trên khắp thế giới không khỏi ao ước được trở lại cuộc sống bình thường. Chính vì vậy, phát biểu mới đây của đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã mang đến một nguồn năng lượng đầy tích cực. Thống kê từ WHO cho biết, số ca tử vong do căn bệnh này đang xuống thấp nhất kể từ tháng 3/2020. 

Nhiều chuyên gia nhận định Việt Nam đang tiến rất gần tới việc chấm dứt đại dịch COVID-19 nhưng chưa thể buông lỏng các biện pháp phòng dịch  - ẢNH: Bảo Khang
Nhiều chuyên gia nhận định Việt Nam đang tiến rất gần tới việc chấm dứt đại dịch COVID-19 nhưng chưa thể buông lỏng các biện pháp phòng dịch - Ảnh: Bảo Khang

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định, đây chính là “ánh sáng cuối đường hầm” và là thời điểm tốt nhất để các quốc gia kết thúc đại dịch. Ông nói: “Chúng ta chưa bao giờ ở vị thế tốt hơn như hiện nay để chấm dứt đại dịch. Chúng ta vẫn chưa đạt đến đích đó, nhưng kết quả đã ở trong tầm mắt”.

Ngay sau đó, cuối tuần qua, trong cuộc phỏng vấn với đài CBS, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố “đại dịch COVID-19 đã kết thúc” ở quốc gia này. Tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, các biện pháp phòng, chống đại dịch cũng đang được nới lỏng, dù không tuyên bố đại dịch kết thúc. 

Những thông tin này khiến nhiều người đặt câu hỏi, khi nào COVID-19 kết thúc ở Việt Nam? Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế - cho biết, chúng ta không sử dụng từ “chấm dứt đại dịch” nhưng đã đến lúc để ngồi lại bàn bạc, xem xét chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B.

Vị chuyên gia phân tích, hiện nay, số ca mắc của Việt Nam dù vẫn ghi nhận ở con số từ 2.000-3.000 ca/ngày và có bệnh nhân tử vong. Tuy nhiên, đây là những con số có dấu hiệu ổn định và Việt Nam vẫn đang trong tầm kiểm soát, không xảy ra quá tải bệnh nhân, quá tải điều trị. Đồng thời, tiêm vắc-xin COVID-19 đã đạt được tỷ lệ cao. “Chúng ta nên xem xét để có thể quyết định COVID-19 trở thành bệnh truyền nhiễm nhóm B để dồn lực phòng, chống các loại dịch bệnh khác” - ông Nguyễn Huy Nga nói. 

Tuy nhiên, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng lưu ý, việc chuyển COVID-19 sang bệnh nhóm B không đồng nghĩa với việc từ bỏ tất cả biện pháp chống dịch hiện hành: “2K (khẩu trang, khử khuẩn) vẫn phải tiếp tục duy trì. Người bị bệnh ho, hô hấp tiếp tục có ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân. Chúng ta tiếp tục phòng, chống lây nhiễm trong bệnh viện. Người có bệnh nền, người cao tuổi, người suy giảm hệ thống miễn dịch vẫn tiếp tục được theo dõi chặt chẽ…”.

Chưa thể buông lỏng

Theo phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam - tuyên bố chấm dứt đại dịch COVID-19 ở Việt Nam là việc cần phải có đánh giá kỹ lưỡng. Tuy nhiên, đây cũng là lúc để ngồi lại và bàn bạc, tính toán một cách tổng thể.

Vị chuyên gia cũng phân tích, WHO đang khuyến cáo để các quốc gia tận dụng, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó đặc biệt đẩy mạnh tiêm chủng để kết thúc bệnh dịch chứ không phải bệnh dịch này đã hoàn toàn được kiểm soát trên toàn cầu. Do đó, Việt Nam có các chính sách nới lỏng để mở cửa, phát triển kinh tế nhưng các biện pháp dự phòng vẫn phải đồng bộ, chưa thể buông trôi, thả lỏng. 

Đặc biệt, phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu lưu ý, hiện nay, có nhiều người dân bị mắc COVID-19 nhưng không làm xét nghiệm, không báo cáo tình trạng nhiễm bệnh… nên con số thống kê chưa phải đã phản ánh đúng thực tế. Đây cũng là vấn đề cần phải xem xét để đánh giá lại, xác định dịch liệu đã ổn định hay chưa. 

Trong khi đó, phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng Trường đại học Y Dược TPHCM - khẳng định: “Việt Nam đang ở rất gần thời điểm chấm dứt đại dịch nhưng để tuyên bố thì còn hơi sớm. Như WHO cũng đã nói, chúng ta đang ở cuối chặng đường nhưng phải đến đích, nếu dừng ngay bây giờ dịch bệnh có thể quay trở lại. Nếu vội vàng có thể đánh mất những thành quả trong thời gian gần đây”.

Ông đánh giá số ca COVID-19 hiện nay đang có tính ổn định, song với số ca tử vong ghi nhận liên tục trong vài tuần nay thì vẫn phải cảnh giác. Do đó, ông khuyến cáo người dân không nên vội vàng, chủ quan. Khẩu trang, khử khuẩn, tiêm chủng, chống lại các thông tin dịch bệnh sai lệch… như WHO khuyến cáo vẫn là các biện pháp cần duy trì. 

Xét trong bối cảnh chung, phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Dũng nêu quan điểm, dịch trong nước đang kiểm soát tốt bởi các biện pháp chống dịch hiệu quả, phù hợp. Do đó, việc chúng ta cần làm là duy trì thành quả để đợi chờ các quốc gia khác trên thế giới chống dịch. Giả sử một quốc gia nào đó chưa đạt tỷ lệ tiêm chủng, xuất hiện biến chủng SARS-CoV-2 mới có thể khiến vắc xin mất ít nhiều tác dụng thì điều này có thể tác động trực tiếp tới Việt Nam. “Việc kết thúc đại dịch phải xét trên toàn thế giới chứ không chỉ một quốc gia” - ông nói. 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI