Văn chương kết nối thế hệ

06/03/2019 - 19:00

PNO - Hành trình mang giá trị cũ trở lại với bạn đọc tuổi mới lớn chỉ mới bắt đầu, với cuộc tìm kiếm độc giả mới.

Sau bộ sách 3 cuốn Áo tím qua đường, Mối tình như sương khói Còn những bóng mưa tan tái ngộ bạn đọc cuối năm 2018, nhà văn Từ Kế Tường tiếp tục cùng nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ phát triển tủ sách Thiên đường không tuổi. Một loạt các tác phẩm của các nhà văn Đoàn Thạch Biền, Mường Mán, Hoàng Ngọc Tuấn, Đinh Tiến Luyện… cũng vừa được phát hành.

Hành trình trở lại

Chia sẻ bìa tác phẩm cũ - Mưa đụng tim trên trang cá nhân, nhà văn Từ Kế Tường tiếc nuối: “Đây là tập truyện ngắn tôi viết năm 19 tuổi, từng đăng trên các tờ báo văn chương trước năm 1975: Nghệ thuật, Vấn đề, Bách khoa, Khởi hành, văn… do nhà xuất bản (NXB) Trí Đăng ấn hành. Một người bạn vừa nhắn tin cho tôi biết, cuốn này, cách đây không lâu, có người rao bán trên mạng với giá 500.000 đồng. Nhưng khi hỏi mua giùm tôi thì người bán sách bảo có người mua rồi. Thật tiếc!”.

Van chuong ket noi the he

Những trang sách cũ đã trở lại với bạn đọc trẻ hôm nay

Giao lưu các tác giả tủ sách Thiên đường không tuổi

Các nhà văn Mường Mán, Đoàn Thạch Biền, Từ Kế Tường sẽ có buổi giao lưu cùng bạn đọc lúc 15g30, ngày 9/3, tại Đường sách TP.HCM. Chương trình cũng kết nối khách mời là tác giả, bạn đọc trẻ, để mở những góc nhìn đa chiều về thế hệ bạn đọc, bạn viết hôm nay. Đây cũng là bước khởi đầu để tủ sách Thiên đường không tuổi tiếp tục tái bản, ra mắt các tác phẩm khác dành cho tuổi mới lớn, từ các nhà văn đi trước.

Mưa đụng tim là một trong số gần 50 tác phẩm đã bị thất lạc của nhà văn Từ Kế Tường (phần lớn in sau năm 1975). Khi chọn bản thảo tái bản, ông đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tìm kiếm các tác phẩm cũ của chính mình.

“Lúc tìm cuốn Tình yêu có màu gì?, tôi có nhờ anh Nguyễn Minh Nhựt (Giám đốc NXB Trẻ), vì hồi đó tác phẩm này in ở NXB Trẻ. Anh Nhựt “treo giải” vui cho cơ quan rằng, ai tìm ra tác phẩm đó sẽ có thưởng, nhưng không có. Thật may mắn là có một người bạn vẫn còn lưu giữ, tôi mang về nhập liệu lại. Những truyện không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại thì lược bỏ, thay bằng các truyện ngắn mới viết thêm” - nhà văn Từ Kế Tường chia sẻ.

Sau 4 tác phẩm được tái bản, ra mắt bạn đọc, nhà văn Từ Kế Tường chuẩn bị cho in lại một số tác phẩm từng được yêu thích của ông: Mùa áo vàng, Tiếng ve mùa hạ cũ, Hoa lưu ly không về, Bờ vai nghiêng nắng

Nhà văn Đoàn Thạch Biền sàng lọc từ 8 tác phẩm đã in, chọn lại 17 truyện, tập hợp thành tập Đâu phải cái gì cũng mong manh cho đợt tái bản lần này. Ngoài ra, ông còn viết thêm phần “ngoại truyện”. “Để  làm  mới  những  truyện  cũ  (như phim remake), dưới mỗi truyện, tôi viết thêm phần tái bút. Không phải tôi muốn kéo dài truyện ngắn đã viết, mà chỉ muốn bạn hiểu thêm  chuyện bên lề khi tôi viết truyện đó. Biết  đâu  chuyện  bên  lề  lại  thú  vị  hơn chính truyện” - Đoàn Thạch Biền hài hước. 

Van chuong ket noi the he

Lấp khoảng trống văn học tuổi mới lớn

“Từ năm 2008, tôi nghỉ hưu, coi như không viết gì nữa, chỉ tập trung vào hội họa cho vui. Tác phẩm Cạn chén tình, trước in ở NXB Trẻ, nay được NXB Văn hóa Văn nghệ cho tái bản, tôi cũng thấy vui. Thật ra, tác phẩm này cũng không hoàn toàn là viết cho tuổi mới lớn, chưa biết bạn trẻ hôm nay sẽ đón nhận như thế nào” - nhà văn Mường Mán nói. 

Những năm 1994-1995, tôi nhớ mình từng đọc Khóc nữa đi sớm mai (truyện dài, NXB Tiền Giang), Trăng không mùa (NXB Trẻ) của Mường Mán. Còn nhớ, giấy in sách thời đó ngà ngà hoặc vàng xỉn, không được như bây giờ. Đến năm 2000, lại được đọc Muối trăm năm (đã được hãng phim TFS chuyển thể thành phim Chuyện ngã bảy). Tác phẩm nào của Mường Mán, dù đề tài là gì, cũng nhiều cảm xúc, thu hút. Bẵng đi nhiều năm, tác phẩm của ông hiếm khi được nhắc trên các diễn đàn đọc sách của người trẻ. Vẫn còn những Lá tương tư, Một chút mưa thơm, Thương nhớ người dưng… chưa được trở lại với độc giả trẻ hôm nay.

Nhà văn Đoàn Thạch Biền cũng từng có bộ sách làm say lòng tuổi mới lớn một thời: Những ngày tươi đẹp, Mây bay trong đầu, Tôi thương mà em đâu có hay, Tôi hay mà em đâu có thương, Ví dụ ta yêu nhau… (trong đó có tác phẩm Tình nhỏ làm sao quên? đã được đạo diễn Lê Hoàng Hoa chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên). Nhưng văn chương ngày nay đã khác. Bạn đọc trẻ hôm nay, ngoài tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, chủ yếu tiếp cận với văn chương mạng, sách tản văn, ngôn tình, du ký, truyền cảm hứng… Những giá trị thuần chất văn chương chính thống từ một lớp nhà văn đi trước, nếu không được tái bản, có thể sẽ bị vùi dưới lớp lớp thời gian.

Trong đợt tái bản lần này, ngoài Tình yêu có màu gì?, Cạn chén tình, Đâu phải cái gì cũng mong manh kể trên, NXB Văn hóa Văn nghệ còn có: Ở một nơi ai cũng quen nhau (Hoàng Ngọc Tuấn), Tuổi ngọc ngày chưa xưa (Nguyễn Thị Minh Ngọc) và Anh Chi yêu dấu (Đinh Tiến Luyện). Hành trình mang giá trị cũ trở lại với bạn đọc tuổi mới lớn chỉ mới bắt đầu, với cuộc tìm kiếm độc giả mới. Vẫn mong, những tác phẩm từng làm bạn đọc say mê hàng thập niên trước sẽ lấp đầy được khoảng thiếu hụt của văn chương tuổi mới lớn hiện thời, lan tỏa giá trị. 

Van chuong ket noi the he
 

Nhà văn Tống Phước Bảo (Trúc Thiên, sinh năm 1983):

Tôi đọc sách của nhà văn Mường Mán lúc còn học lớp 12. Hồi đó không có sách nhiều như bây giờ, muốn mượn phải chờ bạn khác đọc xong, trả lại thư viện. Truyện của các nhà văn đi trước luôn mở ra những không gian rộng lớn, những nhân vật gợi nhiều cảm xúc đẹp cho người đọc. Họ có thể viết về nỗi buồn, nhưng không ưu sầu như nhiều tác phẩm bây giờ. Những nỗi buồn, nếu có, đều đẹp và để lại nhiều giá trị lớn lao.

Nhà văn Từ Kế Tường: 

Dù không khỏi chạnh lòng khi biết chắc số lượng bản in các tác phẩm tái bản không thể so sánh với trước, tôi vẫn rất ấm áp vì có nhiều độc giả tìm đến tác phẩm của mình. Không chỉ là bạn đọc trẻ, mới, mà còn ở tuổi trung niên. Họ đọc để hoài niệm về một thời đã qua, những kỷ niệm của năm tháng đẹp nhất đời người. 

Lục Diệp (ghi)


Bùi Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI