Vắc-xin bạch hầu trẻ em không tiêm được cho người lớn?

15/07/2020 - 06:16

PNO - Dịch bạch hầu đang bùng phát ở Tây Nguyên và đã có ba ca tử vong.


Hỏi: Tôi đang dự tính đưa cả gia đình đi tiêm vắc-xin. Nếu tiêm vắc-xin thì bao lâu cơ thể mới được bảo vệ? Tại sao vắc-xin của trẻ em người lớn không tiêm được?

Phạm Thị Thanh Thúy (Q.Tân Bình, TP.HCM)

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, trả lời: Hiện nay, không có vắc-xin mũi bạch hầu đơn. Các dòng vắc-xin tùy theo hãng sản xuất phối hợp thêm bệnh khác. Ví dụ: bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt (4 trong 1), hoặc bạch hầu - ho gà - uốn ván (3 trong 1).

Trong hai loại vắc-xin 3 trong 1 và 4 trong 1, đối với trẻ em, nồng độ của vắc-xin bạch hầu và ho gà sẽ cao hơn người lớn do trẻ chưa tiếp xúc với mầm bệnh bao giờ, cần nồng độ cao mới tạo được kháng thể. Còn ở người lớn, nồng độ vắc-xin thường thấp hơn vì đã từng tiếp xúc với nhiều nguồn bệnh, nếu không giảm nồng độ của bạch hầu và ho gà xuống khi tiêm, phản ứng thuốc sẽ mạnh hơn gây ra các tác dụng phụ như nóng sốt, đau nhức…

Một tuần sau khi tiêm vắc-xin, cơ thể bắt đầu có kháng thể để bảo vệ trước bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, để có tác dụng bảo vệ cao thì chắc ăn nhất phải sau một tháng. Như vậy, trong khoảng thời gian chờ cơ thể tạo ra kháng thể đầy đủ, bạn vẫn có thể mắc bệnh bạch hầu dù đã chích ngừa. Cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và gia đình là hãy thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi ra ngoài, hạn chế lui tới nơi đông người. 

Thanh Huyền (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI