Úc thất vọng sâu sắc về việc Trung Quốc áp thuế trừng phạt hơn 80%

19/05/2020 - 12:00

PNO - Hôm 18/5, Trung Quốc áp đặt mức thuế chống bán phá giá lên các lô hàng lúa mạch từ Úc trong một động thái được cho là mang tính trả đũa ngoại giao.

Trung Quốc áp dụng mức thuế trừng phạt hơn 80% đối với hàng nhập khẩu lúa mạch từ Úc, giữa lúc nhiều quốc gia ủng hộ một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc COVID-19 do Úc đề xuất. 

Bộ trưởng thương mại Úc Simon Birmingham cho biết nước này có thể kháng cáo việc áp thuế chống bán phá giá 73,6% và thuế chống trợ cấp 6,9%, áp dụng cho tất cả lúa mạch Úc kể từ thứ ba 19/5.

Ông Birmingham phát biểu: “Úc thất vọng sâu sắc với quyết định của Trung Quốc về việc áp thuế đối với lúa mạch Úc. Chúng tôi phản đối các căn cứ của quyết định này và sẽ đánh giá chi tiết các bằng chứng trong khi xem xét những bước tiếp theo.

Chúng tôi bảo lưu mọi quyền để kháng cáo vấn đề này và tin tưởng rằng nông dân Úc là một trong những người làm việc hiệu quả nhất trên thế giới, họ không nhận sự trợ cấp của chính phủ về giá”.

Bộ Thương mại Trung Quốc công bố mức thuế vào cuối ngày thứ Hai 18/5 sau khi hoàn thành cuộc điều tra kéo dài 16 tháng về khiếu nại chống bán phá giá.

Cơ quan điều tra ra phán quyết rằng việc bán lúa mạch nhập khẩu từ Úc khiến ngành công nghiệp trong nước bị thiệt hại đáng kể, một tuyên bố trên trang web của Bộ cho biết.

Thuế quan mới là đòn giáng đáng kể đối với thương mại lúa mạch giữa Úc với Trung Quốc, chiếm khoảng một nửa tổng lượng xuất khẩu lúa mạch của Úc. Tuần trước, Trung Quốc cũng áp đặt lệnh cấm nhập khẩu thịt từ bốn nhà máy chế biến của Úc.

Trung Quốc tiêu thụ khoảng một nửa sản lượng lúa mạch xuất khẩu hằng năm của Úc.
Trung Quốc tiêu thụ khoảng một nửa sản lượng lúa mạch xuất khẩu hàng năm của Úc

Ngày càng có nhiều nghi ngờ rằng Trung Quốc đang trừng phạt Úc vì đã thúc đẩy một cuộc điều tra quốc tế về đại dịch COVID-19, và đặc biệt là nguồn gốc của vụ dịch.

Vào tối 18/5, hơn 110 quốc gia xác nhận đồng tài trợ cho một nghị quyết do Úc đề xướng về một cuộc điều tra quốc tế độc lập tại Hội đồng Y tế Thế giới.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới WHO - Tedros Ghebreyesus - hứa sẽ tiến hành điều tra trước khi cuộc bỏ phiếu nghị quyết diễn ra vào ngày 19/5. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết Bắc Kinh ủng hộ đánh giá toàn diện về phản ứng toàn cầu.

Ông Tập Cận Bình nói với hội nghị trực tuyến đang diễn ra tại Geneva: “Công việc này cần một thái độ khoa học, chuyên nghiệp, và phải được lãnh đạo bởi WHO với các nguyên tắc khách quan và công bằng”.

Thủ tướng Úc - Scott Morrison, trước đây đã mô tả việc thúc đẩy một cuộc điều tra về nguồn gốc của COVID-19 là điều hết sức bình thường.

Nhưng bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã lên án các nhà lập pháp nước ngoài vì “chính trị hóa đại dịch”.

Đại sứ Bắc Kinh tại Canberra cũng bày tỏ khả năng người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay các sản phẩm của Úc vì sự thúc đẩy cuộc điều tra.

Bên cạnh những căng thẳng về COVID-19, ông Birmingham thừa nhận Bắc Kinh đã có hiềm khích từ lâu đối với thuế quan của Úc trên mặt hàng thép từ Trung Quốc.

Bộ trưởng nói với Tạp chí Tài chính Úc: “Chúng tôi đã có những vấn đề trong quá khứ với Trung Quốc liên quan đến hệ thống chống bán phá giá. Mặc dù vậy, tranh chấp chống bán phá giá không nên dựa vào bảng so sánh chung. Chúng nên được giải quyết tùy theo giá trị của từng đối số riêng lẻ”.

Tấn Vĩ (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI