62 quốc gia ủng hộ lời đề nghị của Úc trong việc tìm kiếm nguồn gốc COVID-19

18/05/2020 - 15:12

PNO - Nhiều quốc gia ủng hộ đề xuất của Úc trong việc điều tra nguồn gốc của bệnh COVID-19, cũng như xem xét hành động của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong đại dịch.

Một liên minh gồm 62 quốc gia hỗ trợ lời kêu gọi từ Úc về truy tìm nguồn gốc của COVID-19. Theo đó, các nước sẽ đưa ra nghị quyết chung, mở cuộc điều tra độc lập về phản ứng quốc tế đối với đại dịch và hành động của Tổ chức Y tế Thế giới.

Nghị quyết được toàn bộ Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 thành viên cùng với New Zealand, Indonesia, Nhật Bản, Anh, Ấn Độ, Canada, Nga, Mexico và Brazil ủng hộ; dự kiến sẽ được đưa trước cuộc họp của Hội đồng Y tế Thế giới để bỏ phiếu vào thứ Ba 19/5.

Quang cảnh cuộc họp của Hội đồng Y tế Thế giới năm 2019.
Quang cảnh cuộc họp của Hội đồng Y tế Thế giới năm 2019

Hội nghị bao gồm các Bộ trưởng Y tế của 194 quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới họp mỗi năm một lần tại Geneva, Thụy Sĩ, để thiết lập chính sách y tế cho WHO. Năm nay nó sẽ được tổ chức trực tuyến. Nghị quyết này là phiên bản tăng cường của nghị quyết do EU đề ra trước đó.

Văn bản đòi hỏi tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phải “khởi xướng vào thời điểm thích hợp sớm nhất, tham khảo ý kiến ​​với các quốc gia thành viên về một quá trình đánh giá công tâm, độc lập và toàn diện”.

Nghị quyết mới yêu cầu đánh giá “kinh nghiệm thu được và bài học từ phản ứng quốc tế do WHO phối hợp trước COVID-19”, cũng như "hiệu quả của các cơ chế theo ý kiến của WHO", "hành động của WHO và các mốc thời gian liên quan đến đại dịch COVID-19".

Tuy nhiên, nghị quyết không đề cập cụ thể đến Trung Quốc hay thành phố Vũ Hán nơi căn bệnh xuất hiện lần đầu tiên.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định có bằng chứng cho thấy COVID-19 xuất phát từ phòng thí nghiệm virus học ở Vũ Hán (ảnh).
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định có bằng chứng cho thấy COVID-19 xuất phát từ phòng thí nghiệm virus ở Vũ Hán 

Mỹ đã thúc đẩy kêu gọi hành động cứng rắn hơn để điều tra cụ thể cách đại dịch bắt đầu ở Vũ Hán. Đồng minh hùng mạnh nhất của Úc không đồng tài trợ cho nghị quyết, nhưng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi tất cả các quốc gia ủng hộ lời kêu gọi của Úc.

Trung Quốc bị buộc tội che đậy mức độ nghiêm trọng của đại dịch, khiến thế giới mất đi nhiều tuần chuẩn bị quan trọng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã biết về chủng virus mới vào ngày 7/1, nhưng Trung Quốc chỉ đóng cửa tâm chấn của vụ dịch ở tỉnh Hồ Bắc vào ngày 23/1, sau khi 5 triệu người đã rời khỏi Vũ Hán, đi đến phần còn lại của thế giới.

Tổng giám đốc WHO Ghebreyesus nói với các quốc gia trên thế giới vào ngày 3/2 rằng họ không nên đóng cửa biên giới, nhằm đảm bảo duy trì đi lại và buôn bán. Tại thời điểm đó, các nhà khoa học cho rằng thế giới vẫn còn cơ hội để ngăn chặn cường độ và sự lây lan của virus ở mức đại dịch.

Các chuyến bay tiếp tục và WHO đã không chính thức tuyên bố COVID-19 là đại dịch cho đến ngày 11/3.

Đến nay, COVID-19 đã giết chết hơn 300.000 người trên toàn thế giới.
Đến nay, COVID-19 đã giết chết hơn 300.000 người trên toàn thế giới

Nghị quyết mới được tăng cường sẽ yêu cầu các nhà điều tra cập nhật cho tất cả 194 quốc gia thành viên một báo cáo về tiến trình truy xét trong cuộc họp hội nghị năm 2021.

Con số quốc gia đồng tài trợ nghị quyết đang tăng lên và dự kiến nó sẽ vượt qua cuộc bỏ phiếu tại cuộc họp hội nghị vào thứ ba 19/5. Úc là quốc gia đầu tiên kêu gọi đánh giá độc lập về cách thức COVID-19 bắt đầu và lan rộng, và nhận về nhiều phản ứng trả đũa từ Trung Quốc.

Sự hỗ trợ quốc tế ngày càng tăng đối với động thái này dự kiến sẽ tiếp tục thúc đẩy cơn giận của Trung Quốc. Bắc Kinh muốn tiến hành điều tra nội bộ mà không cần sự giám sát của nước ngoài.

Linh La (Theo Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI