UBND TPHCM sẽ công khai thông tin dự án lấn biển Cần Giờ

23/07/2020 - 18:43

PNO - Dù thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, chính quyền thành phố cũng có trách nhiệm liên quan đối với dự án lớn được dư luận quan tâm.

Liên quan đến vấn đề mùi hôi “đến hẹn lại lên” của bãi rác Đa Phước, tại buổi họp báo hàng tháng do Văn phòng UBND TPHCM tổ chức chiều 23/7, ông Lê Trung Tuấn Anh - Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM - thông tin: hiện tại khu vực trên có 3 đơn vị hoạt động, gồm: Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS), 2 nhà máy xử lý bùn của Công ty Sài Gòn Xanh và Công ty Hòa Bình.

“Hàng năm, vào thời điểm này thường có mùi hôi và trước đó Sở đã có văn bản gửi UBND các quận có liên quan, phối hợp với nhân dân, để nắm bắt và có biện pháp xử lý. Sở đã yêu cầu các đơn vị đưa ra các giải pháp, bố trí phương tiện bảo đảm hạn chế tối đa mùi hôi. Các giải pháp đang được thực hiện nghiêm túc”, ông Tuấn Anh nói.

Bãi rác Đa Phước gây mùi hôi khó chịu, khiến người dân bức xúc nhiều năm - Ảnh: Zing
Bãi rác Đa Phước gây mùi hôi khó chịu, khiến người dân bức xúc nhiều năm - Ảnh: Zing

Về giải pháp trước mắt, Sở tổ chức kiểm tra định kỳ khi có phản ánh của người dân để có giải pháp kịp thời. Năm nay, VWS đầu tư thêm 43/70 thiết bị di động để triệt tiêu mùi hôi, cùng hệ thống phun sương dài 450m, hạ độ cao khu vực tiếp nhận xuống còn 13m, tăng cường máy phun áp lực, xịt, thay đổi chế phẩm… để bảo đảm xử lý mùi. Hai đơn vị xử lý bùn cũng phải xử lý che kín và khử mùi.

Về lâu dài, ông Tuấn Anh cho hay, theo chỉ đạo của Thành ủy và UBND TPHCM, các đơn vị trên đang thực hiện chuyển đổi công nghệ sang đốt rác phát điện. Hiện nay, đối với VWS, công ty đang thực hiện lọc dự án cũng như thẩm định công nghệ về hệ thống lò đốt. Đơn vị này đang thực hiện theo hướng dẫn của Sở Khoa học - Công nghệ về các chỉ số thẩm định.

Song song đó, UBND TPHCM đã yêu cầu phải triển khai các giải pháp, thủ tục liên quan công tác đấu thầu, kêu gọi đầu tư hai dự án đốt rác phát điện công suất 1.000 tấn/ngày. Lãnh đạo thành phố đang chỉ đạo xây dựng đấu thầu theo hình thức hợp tác công tư (PPP) để sớm triển khai.

Ngoài ra, TPHCM đang làm việc với tỉnh Long An để xúc tiến giải pháp đầu tư xây dựng công nghệ môi trường nhằm sớm đưa vào ứng dụng tại khu vực trên.

Về vấn đề môi trường của dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM - cho hay, dự án này đã có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại hai văn bản về báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Ngày 18/8/2003, Bộ có Quyết định 1163 phê duyệt ĐTM với thời điểm ban đầu thực hiện dự án là 600ha. Sau đó, khi dự án mở rộng lên hơn 2.800ha, Bộ cũng đã ban hành Quyết định 20 ngày 28/1/2019 phê duyệt ĐTM.

“Trong quá trình thẩm định mở rộng điều chỉnh, dự án cũng đã được các cơ quan tư vấn độc lập như Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM), Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam… Thực hiện theo các quy định hiện hành của Luật Đầu tư và các quy định liên quan, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ”, bà Mai nói.

Bà Mai cho biết thêm, ngày 12/6, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 826 phê duyệt điều chỉnh chủ trương dự án mở rộng. Đối với chính quyền TPHCM, theo quy định cũng có những trách nhiệm liên quan. Vì đây là dự án lớn được dư luận quan tâm, nên UBND thành phố sẽ tổ chức một buổi họp để thông tin cụ thể cho báo chí.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI