Tuyển sinh lớp 10 tại TPHCM: Vẫn cần 1 kỳ thi chung để tạo sự công bằng

25/02/2023 - 13:30

PNO - Từ góc nhìn của người trong cuộc, các nhà quản lý giáo dục tại TPHCM phân tích những lý do về quan điểm bỏ hay giữ thi tuyển sinh vào lớp 10.

 

Các nhà giáo dục tai TPHCM cho rằng hiện nay việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là phù hợp với TPHCM
Các nhà giáo dục tại TPHCM cho rằng hiện nay việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là phù hợp với TPHCM

Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc - Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì (TP Thủ Đức) - nhìn nhận, ở thời điểm hiện tại, tuyển sinh vào lớp 10 bằng hình thức thi tuyển vẫn là hình thức phù hợp nhất với TPHCM.

Bà phân tích, khi so sánh năng lực học sinh đầu vào lớp 10 năm học 2022-2023 - năm học mà tuyển sinh vào lớp 10 được thực hiện theo hình thức xét tuyển do ảnh hưởng của dịch COVID-19 dễ dàng nhận thấy có độ “chênh” so với các năm học trước, khi tuyển sinh bằng thi tuyển. Điều này cũng khiến quá trình học tập của học sinh bước đầu gặp nhiều khó khăn đòi hỏi nhà trường phải đa dạng hơn các hoạt động bổ trợ cho các em. 

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, kết quả này một phần là do việc đánh giá học sinh giữa các trường THCS chưa có sự đồng đều. Công tác giá thường xuyên vẫn có sự “nới tay” của giáo viên.

“Không nhìn nhận đâu xa, tôi lấy ví dụ hiện nay khi kết quả học bạ bậc THPT đang được sử dụng phổ biến để làm phương thức xét tuyển vào các trường đại học. Thực tế cho thấy đã tác động đến việc đánh giá học sinh của giáo viên. Giáo viên nào cũng đều có tâm lý thương học trò, nới tay khi đánh giá, tạo cơ hội trong đánh giá để các em có sự cố gắng, giúp các em có thêm cơ hội. Như vậy, khi sử dụng điểm học bạ bậc THCS để làm hình thức xét tuyển vào lớp 10 thì băn khoăn nhất là kết quả đánh giá thường xuyên, quá trình có đảm bảo học sinh giữa các trường. Do vậy, vẫn cần một kỳ thi chung để tạo ra sự đồng đều, công bằng trong đánh giá học sinh, giúp các trường THPT có căn cứ để làm thang đánh giá chất lượng học sinh đầu vào” - bà Nguyễn Thị Thanh Trúc đánh giá.

Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc khẳng định thêm rằng, để nói về áp lực trong tuyển sinh vào lớp 10 thì hình thức xét tuyển, thi tuyển sẽ đều mang đến những áp lực riêng, nhất định với học sinh, phụ huynh, nhà trường. Ngay cả khi xét tuyển cũng có thể tạo áp lực cho học sinh, sự chạy đua trong điểm số tại trường, có thể tạo mức điểm ảo giữa các nhà trường… Còn thi tuyển, cách thức ra đề thi cũng có thể giảm tải áp lực học tập của học sinh.

Nhìn nhận từ góc độ trường THCS, hiệu trưởng 1 trường THCS tại quận 1 khẳng định, thi tuyển vẫn là hình thức cần thiết với học sinh TPHCM trong tuyển sinh vào lớp 10, để đảm bảo công bằng nhất cho học sinh. 

Hiệu trưởng này nhấn mạnh, việc xét tuyển chỉ có thể thực hiện được nếu như TPHCM làm được các yếu tố sau: tính công bằng trong đánh giá học sinh ở các trường THCS (giữa giáo viên này với giáo viên kia, trường này với trường kia, địa phương này với địa phương kia); tăng số lượng trường THPT; quan niệm về sự đồng đều trong chất lượng giáo dục giữa các trường THPT…

“Việc thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TPHCM chỉ áp lực ở một số trường THPT có chất lượng giáo dục, môi trường giáo dục được phụ huynh học sinh đánh giá là nổi trội hơn các trường khác như THPT Gia Định, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Quý Đôn… Trong khi đó, đội ngũ giáo viên ở các trường THPT đều được đào tạo là như nhau, cơ sở vật chất các trường cũng được đầu tư như nhau. Rõ ràng, chính phụ huynh, học sinh đã và đang tạo ra áp lực cho con em mình trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10” - vị hiệu trưởng này cho biết.

Thời điểm Chương trình GDPT 2018 được triển khai có sự tiếp nối ở bậc THCS, THPT trong vài năm tới thì TPHCM cần nghiên cứu một hình thức tuyển sinh vào lớp 10 phù hợp
Thời điểm Chương trình GDPT 2018 được triển khai có sự tiếp nối ở bậc THCS, THPT trong vài năm tới thì TPHCM cần nghiên cứu 1 hình thức tuyển sinh vào lớp 10 phù hợp

Chung quan điểm giữ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở thời điểm hiện tại, bà Bùi Minh Tâm - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) - cho hay, TPHCM là địa phương có sĩ số học sinh lớn, tâm lý của phụ huynh lại luôn mong muốn con mình được vào học tại trường THPT công lập, nhất là các trường được đánh giá là “tốp” đầu.

Hiện nay, TP cần một kỳ thi tuyển sinh để làm thước đo đánh giá năng lực học sinh, tạo sự công bằng trong giáo dục, giúp các trường THPT có thể đảm bảo chất lượng đầu vào để xây dựng mục tiêu, chương trình giáo dục. Hình thức xét tuyển chỉ có thể phù hợp nếu như kết quả đánh giá học sinh ở bậc THCS có sự đồng đều giữa các nhà trường, quận huyện.

Tuy nhiên, bà Bùi Minh Tâm cho rằng, để phù hợp với lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018 từ bậc THCS tiếp nối bậc THPT thì các nhà quản lý giáo dục tại TPHCM cần phải ngồi lại để xây dựng, hình dung, nghiên cứu về một phương thức đánh giá mới phù hợp với cách thức đánh giá và định hướng chương trình ở bậc THPT. 

Bùi Minh Tâm phân tích: Chương trình GDPT 2018 hướng tới mục tiêu phát huy phẩm chất, năng lực học sinh, đánh giá học sinh không chỉ dựa trên điểm số, kết quả học tập mà việc đánh giá dựa trên quá trình, đánh giá theo năng lực của từng học sinh và đánh giá học sinh ở nhiều phương diện. Với riêng bậc THPT, ngay từ lớp 10 học sinh lựa chọn học đã không còn chỉ gắn với năng lực học tập mà còn theo định hướng nghề nghiệp. Như vậy, rõ ràng khi Chương trình GDPT 2018 được triển khai trọn vẹn ở bậc THCS trong vòng 3 năm tới thì hình thức thi tuyển sinh vào lớp 10 có thể không còn phù hợp mà cần được thay thế bằng một hình thức đánh giá mới.

“Chương trình GDPT 2018 bậc THPT “trao quyền” cho các trường THPT trong việc thiết kế, xây dựng chương trình, hoạt động giáo dục phù hợp với đặc thù của đơn vị. Việc tuyển sinh lớp 10 trong chương trình mới (khi có sự đồng bộ về chương trình ở bậc THCS, THPT) cũng cần phải hướng dần tới điều này, để giúp các trường THPT lựa chọn được những học sinh phù hợp nhất với đặc thù trường mình” - bà Bùi Minh Tâm nói. 

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI