Tưởng ung thư não nào ngờ ấu trùng sán làm tổ

16/07/2020 - 07:53

PNO - Chân tay co giật, mắt mờ và sụt cân, bệnh nhân hốt hoảng tưởng mình bị ung thư não, nào ngờ do ấu trùng sán dây lợn làm tổ gây ra - căn bệnh mà theo các chuyên gia dễ bị nhầm lẫn.

Rụng rời chân tay vì tưởng ung thư não

Sau một tuần nằm điều trị tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, bệnh nhân N.V.H. (58 tuổi, tỉnh Quảng Ninh) đã ăn ngon, ngủ kỹ và chân tay không còn run lẩy bẩy như những ngày mà ông gọi là “ác mộng”. Bệnh nhân H. cho biết, cách đây khoảng hai tháng, ông bắt đầu có triệu chứng mệt mỏi và mất ngủ. 

Hình ảnh khối u do ấu trùng sán dây làm tổ gây ra các hiện tượng co giật, đau đầu, nôn mửa… ở bệnh nhân
Hình ảnh khối u do ấu trùng sán dây làm tổ gây ra các hiện tượng co giật, đau đầu, nôn mửa… ở bệnh nhân

Ban đầu, chân tay ông có cảm giác buồn bực như kiến bò bên trong, sau đó tình trạng dần nặng lên. “Thời gian gần đây, mắt tôi bỗng mờ đi, nhìn mọi thứ không còn rõ. Những cơn co giật chân tay xuất hiện. Ngay cả khi hết cơn thì tay chân vẫn run lẩy bẩy”, bệnh nhân H. kể.

Lo sợ mắc ung thư não, ông H. đi khám tại bệnh viện địa phương và được chỉ định chụp X-quang. Cầm phim X-quang trên tay, ông giật mình vì nhìn thấy một “khối u” hiện lên rõ ràng. “Tôi và người nhà đều hoảng sợ, vì không cần đến con mắt chuyên môn của bác sĩ cũng có thể nhìn ra đó là “khối u” nằm ngay trong não”. Tuy nhiên, sau khi làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán mắc sán não do ấu trùng sán dây lợn làm tổ.

Cũng giống như ông H., ông P.V.N. (60 tuổi, tỉnh Bắc Giang) phải nhập Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương vì bệnh sán não. Trước đó, ông N. đã trải qua hai lần phẫu thuật vì phát hiện khối u trong não, tuy nhiên, các triệu chứng run rẩy, yếu tay chân vẫn không được khắc phục. Giải phẫu bệnh của bệnh nhân sau khi mổ lấy khối u phát hiện có tổ chức sán. 

Tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân còn các nang ấu trùng sán lợn nằm ở vùng thùy chẩm của não. Khu vực cư trú của sán nằm tại vùng phối hợp vận động nên bệnh nhân bị yếu cơ tay chân, từ đó dẫn tới hạn chế vận động. Theo thời gian, chân tay của ông N. đã bắt đầu teo lại, cơ thể gầy gò và suy kiệt sức khỏe.

Ở tuổi ngoài 20, dù chưa có biểu hiện co giật nhưng L.M.T. (tỉnh Hà Giang) lại thường xuyên bị đau đầu. Bệnh nhân từng đi khám nhiều nơi, uống nhiều loại thuốc nhưng không phát hiện ra bệnh. Chỉ khi chụp X-quang, các bác sĩ phát hiện ổ ấu trùng sán lợn sống ký sinh trong não.

Căn bệnh dễ chẩn đoán nhầm 

Tiến sĩ - bác sĩ Trần Huy Thọ, Trưởng khoa Khám bệnh chuyên ngành Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho biết, bệnh sán não do ấu trùng sán dây gây ra. Nguyên nhân là do ăn phải ấu trùng sán dây lợn hoặc bò có trong thực phẩm. Khi vào cơ thể, ấu trùng theo đường máu tới các bộ phận, trong đó có vùng não. Tại khu vực này, ấu trùng sán dây phát triển thành những nang nhỏ tròn và chắc. Tổ chức này gây tăng áp lực nội sọ, từ đó dẫn tới các cơn đau đầu, buồn nôn, gây kích thích và co giật tay chân. Đặc biệt, với những bệnh nhân nặng, sán não có thể gây ra liệt chi, thậm chí đột tử. 

Điều đáng nói, bệnh sán não thường bị nhiều người hoặc chính các nhân viên y tế bỏ qua. Nhiều bệnh nhân khi thấy ngứa dưới da, đau đầu, co giật lại nghĩ mình mắc bệnh da liễu, động kinh, thậm chí nghi ung thư dẫn đến tinh thần suy sụp. Nhiều cơ sở y tế cũng bỏ qua xét nghiệm ký sinh trùng dẫn tới việc chẩn đoán nhầm, điều trị không đúng bệnh. Chỉ đến khi không điều trị khỏi mới nghĩ tới bệnh do ký sinh trùng thì bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

Ấu trùng sán dây làm tổ ở não sẽ khiến việc điều trị khó khăn, phức tạp hơn. Với bệnh nhân có các di chứng như co giật, động kinh, giảm chức năng vận động… các bác sĩ có thể phải can thiệp ngoại khoa trước rồi mới điều trị bệnh ký sinh trùng. Thời gian điều trị có thể kéo dài từ một tới vài năm, thậm chí, nhiều bệnh nhân không thể điều trị khỏi hoàn toàn mà để lại thành những hạt sạn vôi trên não.

Nếu như trước đây, các căn bệnh liên quan tới ký sinh trùng, trong đó có sán dây chủ yếu tập trung ở vùng cao thì nay, bác sĩ Thọ cho hay cũng ghi nhận rất nhiều ở người dân thành thị. Do đó, bên cạnh việc vệ sinh cá nhân, tẩy giun định kỳ sáu tháng/lần, người dân cần duy trì thói quen “ăn chín, uống sôi” và hạn chế các món như tiết canh, gỏi cá, rau sống…

“Nhiều bệnh nhân khi phát hiện mắc bệnh, một mực khẳng định không ăn tiết canh nhưng khi kể ra thì vẫn thường xuyên ăn phở tái, rau sống… Đây chính là những con đường quen thuộc khiến ấu trùng giun sán xâm nhập và sống ký sinh trong cơ thể”, bác sĩ Thọ cảnh báo.

Huyền Anh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI