Túi ni-lông khó phân hủy vẫn tràn ngập chợ

10/06/2022 - 07:28

PNO - Hệ thống siêu thị đã dùng túi ni-lông tự hủy thay cho túi ni-lông khó phân hủy, nhưng các chợ truyền thống chưa làm được điều này. Theo tiểu thương, giá mua túi ni-lông tự hủy còn cao.

Bán 10 món hàng, dùng 10 túi ni-lông 

Khi bán hàng cho khách, chị Lan - tiểu thương chợ Bình Thới, Q.11, TPHCM - bỏ hành, tỏi chung một túi ni-lông và khoai lang, khoai môn chung một túi nhưng khách không chịu, đòi đựng riêng. Trên tay vị khách này lúc đó đang xách lỉnh kỉnh 5 - 6 túi ni-lông đựng hàng.

Chị Lan cho biết, rất nhiều khách yêu cầu đựng mỗi loại hàng trong một túi riêng nên mỗi ngày, chị phải dùng gần 1kg túi ni-lông. Chị chọn mua loại túi có giá 40.000 đồng/kg. Chị còn mua thêm loại túi ni-lông xốp có giá 30.000 đồng/kg để đựng hàng nhẹ cân bởi loại túi này dễ đứt, rách. 

Chị Lan không chọn mua loại túi ni-lông tự hủy là do nó có giá 60.000 - 70.000 đồng/kg, cao gấp đôi loại mà chị mua, số lượng túi lại ít hơn (60 cái thay vì 100 cái). Do tiền lời trên mỗi món hàng thấp nên chị phải mua loại túi có giá rẻ để đựng hàng cho khách. 

Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết tiểu thương các chợ truyền thống ở TPHCM dùng túi ni-lông khó phân hủy để đựng hàng cho khách. Họ dùng loại túi ni-lông có độ dai, dày khác nhau tùy loại hàng. Chẳng hạn, để đựng vải, giày dép, mỹ phẩm, tiểu thương dùng loại túi ni-lông bóng, đủ màu sắc, có giá từ 60.000 - 80.000 đồng/kg. 

Một người dân đi chợ truyền thống ở TP.Thủ Đức sử dụng hàng chục túi ni-lông loại khó phân hủy để đựng hàng (ảnh chụp đầu tháng 6/2022) ẢNH: MINH AN
Một người dân đi chợ truyền thống ở TP.Thủ Đức sử dụng hàng chục túi ni-lông loại khó phân hủy để đựng hàng (ảnh chụp đầu tháng 6/2022) - Ảnh: Minh An

Ở các chợ “cóc” lề đường, người bán còn đựng thực phẩm trong loại túi ni-lông tái chế có màu nhờ nhợ hoặc màu đen, có mùi hôi ngai ngái. Loại túi này có giá rẻ, thường được dùng để đựng rác. 

Ông Đỗ Quốc Tiến - Phó trưởng ban quản lý chợ Bình Thới - cho biết, ban quản lý chợ thường xuyên tuyên truyền, vận động tiểu thương dùng túi ni-lông tự hủy, túi giấy để đựng hàng cho khách nhưng không nhiều tiểu thương hưởng ứng do giá mua cao. Sức mua hàng hóa lại đang yếu, tiểu thương kinh doanh khó khăn nên họ dùng loại túi ni-lông có giá rẻ và khách hàng cũng không đòi hỏi phải đựng hàng trong loại túi nào. Bây giờ, rất ít người dùng túi bền hoặc xách giỏ đi chợ như ngày xưa; phần lớn đựng đồ trong túi ni-lông do tiểu thương cung cấp. 

“Cuộc chiến” không cân sức giữa hai loại túi ni-lông 

Bà Phan Thị Thúy Phượng - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại, Xuất nhập khẩu bao bì thân thiện môi trường Phương Lan - cho biết, bà đã phối hợp cùng Hội Phụ nữ các quận, huyện tuyên truyền, vận động tiểu thương dùng túi ni-lông tự hủy, túi làm từ nguyên liệu thân thiện môi trường để giảm thiểu rác thải nhựa. Công ty cũng cung cấp túi ni-lông tự hủy cho tiểu thương.

Theo bà, năm 2012, Bộ Tài chính ban hành quy định về thuế bảo vệ môi trường. Các nhà sản xuất túi ni-lông thông thường phải nộp thuế 40.000 đồng/kg túi và từ năm 2020, tăng lên 50.000 đồng/kg. Nhưng trên thực tế, cơ quan chức năng không thu được thuế này nên giá túi ni-lông thông thường vẫn rất rẻ và được phần lớn tiểu thương chọn mua để đựng hàng cho khách. Tiểu thương nói, loại túi nào giá rẻ thì họ xài, chừng nào Nhà nước cấm thì họ mới tính. Do vậy, hơi khó để vận động tiểu thương chuyển sang dùng loại túi ni-lông tự hủy. 

Bà Thúy Phượng so sánh, nhiều loại túi ni-lông đang được tiểu thương dùng có giá chỉ hơn 20.000 đồng/kg, là loại túi tái chế có chất lượng thua xa túi ni-lông tự hủy. Giá túi ni-lông tự hủy dĩ nhiên cao hơn do công ty phải nhập hạt phụ liệu tự hủy về sản xuất túi, chi phí để được cấp giấy phép sản xuất bao bì thân thiện môi trường cao, chi phí xét nghiệm 500 triệu đến 1 tỷ đồng/mẫu. 

“Giá túi ni-lông tự hủy hiện nay chỉ cao hơn giá túi ni-lông thông thường khoảng 5%, giá sỉ khoảng 40.000 đồng/kg, giá lẻ khoảng 45.000 đồng/kg và số lượng túi mỗi kg cũng không chênh nhau nhiều. Quan trọng vẫn là ý thức của tiểu thương trong việc chung tay bảo vệ môi trường, chuyển dần sang túi tự hủy” - bà Thúy Phượng nói. 

Bà Thúy Phượng cho biết, nhiều người vẫn chưa có thói quen mang giỏ đi mua hàng và nếu có đem túi theo thì vẫn đựng hàng bằng túi ni-lông rồi cho vào túi lớn. Do vậy, loại túi này vẫn chưa bán được ra thị trường nhiều. Công ty bà chủ yếu cung ứng túi ni-lông tự hủy cho kênh siêu thị, cửa hàng, trung bình khoảng 200 tấn/tháng. 

Theo bà Thúy Phượng, nhiều nước trên thế giới cấm sử dụng túi ni-lông khó phân hủy và phạt nặng hành vi vi phạm, đồng thời trợ giá cho các công ty sản xuất bao bì thân thiện môi trường. Nhờ đó, giá túi tự hủy tương đương, thậm chí rẻ hơn túi ni-lông thông thường nên đã khuyến khích được việc dùng ni-lông tự hủy. Để việc sử dụng túi ni-lông tự hủy ngày càng phổ biến ở Việt Nam, Nhà nước phải kiên quyết thu thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni-lông chậm phân hủy, đồng thời có chính sách để hạn chế việc sử dụng loại túi gây hại môi trường.  

Cần tạo thói quen, lối sống thân thiện môi trường

Chuyên gia Hoàng Trọng - giảng viên Trường đại học Kinh tế TPHCM, Cố vấn cấp cao Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao TPHCM - phân tích, TPHCM có khoảng 10 triệu dân nhưng mỗi ngày đã thải ra hơn 6.000 tấn rác sinh hoạt (chưa kể rác công nghiệp, rác từ các dịch vụ). Rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường, gây ra tình trạng ngập nước do rác lấp miệng cống thoát nước. 

Trong rác thải vứt bừa bãi ra môi trường ở TP.HCM túi ni-lông khó phân hủy thường chiếm số lượng lớn - ẢNH: PHÙNG HUY
Trong rác thải vứt bừa bãi ra môi trường ở TPHCM túi ni-lông khó phân hủy thường chiếm số lượng lớn - Ảnh: Phùng Huy

Theo ông, túi ni-lông tự hủy cũng là một loại rác thải nhựa, hiện được chôn lấp theo phương pháp cổ điển. Khi rác thải mục rã ra, những phân tử nhựa vẫn đi vào đất, có thể tuần hoàn gây hại cho con người. Đã có những nghiên cứu chỉ ra sự tồn tại của những phân tử nhựa trong não người. 

Để giảm thiểu rác thải nhựa, nhiều siêu thị, cửa hàng đã đưa vào sử dụng túi ni-lông tự hủy. Các thương hiệu cao cấp cũng dần chuyển sang dùng túi giấy, không dùng túi ni-lông. Các hệ thống siêu thị lớn như Big C, LOTTE Mart, Co.op Mart… còn bán loại túi dùng nhiều lần với giá ưu đãi cho khách hàng đến siêu thị nhiều lần để hạn chế dùng túi ni-lông, đồng thời cung cấp thùng giấy, băng keo miễn phí để khách đóng hàng vào thùng. Một số siêu thị còn bán các loại túi làm từ chất liệu thân thiện môi trường như lá sen, giấy với thiết kế đẹp mắt.

Lộ trình giảm túi ni-lông khó phân hủy ở TPHCM

Đại diện Sở Công thương TPHCM cho biết, sở vừa có kế hoạch triển khai chương trình tuyên truyền, vận động giảm sử dụng túi ni-lông khó phân hủy và sản phẩm (SP) nhựa dùng một lần trong hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi năm 2022.

Theo đó, sở vận động các hệ thống trên xây dựng kế hoạch và cam kết có lộ trình giảm thiểu chất thải nhựa, hạn chế SP nhựa dùng một lần hoặc thay thế bằng các SP thân thiện môi trường; không cung cấp miễn phí túi ni-lông khó phân hủy cho khách hàng. 

Mục tiêu của chương trình là đến hết năm 2022, toàn bộ hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng các loại bao bì thân thiện môi trường thay thế túi ni-lông khó phân hủy; toàn bộ tiểu thương các chợ dân sinh giảm 50% lượng túi ni-lông khó phân hủy để đóng gói, đựng SP cho khách hàng.

Đến hết năm 2023, tiểu thương giảm sử dụng 65% SP nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng các loại SP này, chuyển sang sử dụng SP thân thiện với môi trường.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam - cho biết, ngoài dùng túi ni-lông tự hủy, bán túi tái sử dụng nhiều lần, dùng thùng giấy carton đóng hàng để giảm thiểu rác thải nhựa, khu vực bán thức ăn ở các siêu thị cũng ngưng sử dụng chén, đĩa dùng một lần, chuyển sang dùng chén, đĩa bằng sành, sứ. Để ngày càng nhiều người có thói quen sử dụng túi dùng nhiều lần, cần có nhiều chương trình truyền thông rộng rãi. 

Chuyên gia Hoàng Trọng cho rằng, việc hạn chế sử dụng túi ni-lông là bước đệm để ngày càng nhiều người có ý thức chuyển sang sử dụng các loại túi làm từ chất liệu thân thiện môi trường. Tuy nhiên, giá bao bì giấy cao hơn giá túi ni-lông nên nhiều điểm bán chưa dùng và nhiều người vẫn chưa có thói quen dùng túi, giỏ có độ bền cao để đi chợ, siêu thị. 

Ông nói: “Việc hạn chế dùng túi ni-lông, ly, chén nhựa và chuyển sang dùng túi đựng thân thiện môi trường phải bắt đầu từ ý thức của mỗi người. Trong quá trình dạy học, tôi thường xuyên dạy các em ý thức bảo vệ môi trường từ những việc làm thường ngày như mang theo ly dùng nhiều lần. Nên tuyên truyền, phổ biến phong trào hạn chế rác thải nhựa từ trong trường học, gia đình để tạo ý thức, hành động, thói quen, lối sống thân thiện môi trường”. 

Luật hóa để sớm từ bỏ túi ni-lông 

Nhiều nước phát triển cũng từng có thời gian sử dụng túi ni-lông tràn lan như ở Việt Nam hiện nay. Nhưng họ đã sớm nhận thức được điều này là nguy hiểm, tệ hại. Túi ni-lông gây ô nhiễm môi trường, tích tụ lại trong đất, ảnh hưởng tới sự phát triển của sinh vật sống hoặc tràn xuống biển, gây thiệt hại tới nguồn lợi hải sản… 

Chúng ta đã tuyên truyền về việc hạn chế sử dụng túi ni-lông khó phân hủy trong nhiều năm nay. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa tạo ra nhiều biến chuyển. Nếu chỉ tiếp tục tuyên truyền và vận động, có lẽ chúng ta sẽ không đạt được kết quả như ý muốn mà còn tốn kém chi phí in ấn tài liệu, băng rôn.

Điều quan trọng là phải luật hóa, tiến tới cấm sử dụng túi ni-lông khó phân hủy cũng như ngừng sản xuất SP này. Hiện nay, chúng ta đã đánh thuế cao hơn với nguyên liệu nhựa để sản xuất túi ni-lông nhưng như thế là chưa đủ. Chi phí sản xuất túi ni-lông khó phân hủy vẫn rất rẻ. 

Nhìn từ quy định phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông hay phải đeo khẩu trang khi ra đường trong mùa dịch, ta thấy, khi đã trở thành mệnh lệnh, yêu cầu bắt buộc, có sự kiểm tra, giám sát và xử phạt của lực lượng chức năng thì những quy định này nhanh chóng đi vào cuộc sống. Nếu chúng ta quyết tâm và sử dụng công cụ luật pháp thì có thể loại bỏ việc dùng túi ni-lông để góp phần bảo vệ môi trường.

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh (chuyên gia công nghệ thực phẩm)

Tới năm 2026, phải nói không với túi ni-lông 

Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp lý nhằm quản lý chất thải nhựa. Ngay từ tháng 6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phát động chương trình chống rác thải nhựa trên toàn quốc, đặt mục tiêu phấn đấu đến 2025, cả nước không dùng túi ni-lông, đồ nhựa dùng một lần; sau ngày 31/12/2030 sẽ dừng sản xuất SP nhựa sử dụng một lần. Chính phủ cũng ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 với các hướng dẫn và mục tiêu cụ thể. 

Với nền tảng này, tới năm 2026, các siêu thị, nhà bán lẻ có đủ thời gian để chuẩn bị và chuyển sang “nói không với túi ni-lông”. Việc giảm thiểu, tiến tới không sử dụng túi ni-lông dùng một lần là cần thiết, thể hiện cam kết của doanh nghiệp trong nỗ lực giảm nhựa.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nghiên cứu và sớm hoàn thiện các hướng dẫn chi tiết thực hiện các quy định như đã được giao trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP, bao gồm thu gom, phân loại rác thải tại nguồn; vận chuyển và tái chế; xử lý và xác định các định mức kinh tế kỹ thuật liên quan. 

Đồng thời, cần nghiên cứu các giải pháp để sớm hoàn thiện hệ thống khai báo, đánh giá, báo cáo việc triển khai hệ thống Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) cũng như tương tác chặt chẽ với các bên liên quan trong việc hoàn thiện định mức chi phí tái chế SP, bao bì theo quy định. 

Cuối cùng, không thể không nói tới sự cần thiết của việc truyền thông để người dân, doanh nghiệp cùng tham gia thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy - Giám đốc Chương trình Giảm nhựa, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) Việt Nam

Huyền Anh (ghi)

 

Nguyễn Cẩm

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI