Từ ngày mai 21/2, trẻ mầm non ở TPHCM bắt đầu được ăn sáng tại trường

20/02/2022 - 17:39

PNO - Từ mai (21/2), các trường mầm non tại TPHCM bắt đầu cho trẻ ăn sáng tại trường. Việc trẻ mầm non đến trường tăng dẫn đến yêu cầu phòng dịch cao hơn.

Yêu cầu phòng dịch cao hơn

Trẻ mầm non chưa được tiêm vắc xin, chưa nhận thức đầy đủ việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, do đó, khi TPHCM mở cửa trường mầm non, tỷ lệ phụ huynh đồng thuận cho trẻ đến trường so với các bậc học khác là thấp nhất (tỷ lệ phụ huynh đồng thuận cho trẻ đến trường ở bậc tiểu học là 95%, THCS, THPT lên đến gần 100% trong khi mầm non chỉ trên 60%). 

Tuy nhiên, sau một tuần mở cửa trường, theo đánh giá của các trường, tỷ lệ phụ huynh đưa trẻ đến trường ngày một tăng. Trẻ đến trường với tâm thế vui tươi, hào hứng, nhanh chóng thích nghi với môi trường trường học. 

Cô Nguyễn Thị Phương Linh (Hiệu trưởng Trường mầm non Măng non III, quận 10) nhìn nhận, sau một tuần trẻ đã ổn định được nề nếp, duy trì tốt thói quen vệ sinh cá nhân, nhanh chóng thích nghi với chế độ sinh hoạt tại trường. Đến giờ này, trẻ đã ý thức các thời điểm rửa tay, khi ho phải che miệng, không ăn, uống chung với bạn.

Yêu cầu phòng dịch được các trường mầm non TP.HCM đặt ra cao hơn khi trẻ bắt đầu được ăn sáng tại trường
Yêu cầu phòng dịch được các trường mầm non TPHCM đặt ra cao hơn khi trẻ bắt đầu được ăn sáng tại trường

Đặc biệt, trái với những lo lắng ban đầu, phụ huynh ngày càng an tâm, đồng thuận đưa trẻ đến trường. Số trẻ đi học đã tăng theo từng ngày. 

“Vì đã được tập huấn kỹ về công tác phòng chống dịch, xử trí khi phát sinh ca nhiễm nên việc tổ chức lớp học rất khoa học, đảm bảo yêu cầu phòng dịch. Trẻ được chia theo từng nhóm, từng tổ trong mỗi lớp để vui chơi, sinh hoạt. Các cô sẽ gửi hình ảnh của các bé đến phụ huynh vào cuối ngày để phụ huynh thêm yên tâm đưa trẻ đến trường”, cô Linh cho biết. 

Cô Linh cho hay, tận dụng thời gian vàng trẻ đến trường, giáo viên tổ chức linh hoạt các trò chơi vận động dưới sân. Mỗi lớp luân phiên 30 phút chơi dưới sân. Sau mỗi ca chơi, nhân viên phục vụ sẽ khử khuẩn đồ chơi, đảm bảo an toàn cho trẻ lớp sau. 

“Từ mai 21/2, trẻ được ăn sáng tại trường. Những hoạt động giáo dục, chăm sóc trẻ cũng được mở rộng, giúp trẻ có thêm các kỹ năng. Công tác phòng dịch vì thế sẽ được siết chặt hơn tại trường, lớp và với phụ huynh”, cô Nguyễn Thị Phương Linh nói.

Cô Đặng Thị Tố Trinh, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Lan (quận 1) cho biết, sau một tuần mở cửa trường, từ hiệu quả các biện pháp phòng dịch, số trẻ đến trường đều tăng mỗi ngày. Hàng ngày, GVCN đều nhắc nhở phụ huynh theo dõi sức khỏe của trẻ và thông tin kịp thời.  

Tuần tới, trường tiếp tục nâng cao biện pháp phòng dịch, hình thành thói quen mới cho trẻ trong mùa dịch như rửa tay, đeo khẩu trang, không dùng chung đồ. Việc tổ chức ăn sáng được thực hiện kỹ từ khâu tiếp phẩm, chế biến, lên thực đơn là món trẻ dễ ăn, dùng mát trong mùa dịch.

“Thêm một khâu tổ chức là biện pháp phòng dịch phải được nâng lên để hạn chế thấp nhất yếu tố tiếp xúc, lây nhiễm. Sau mỗi bữa ăn, lớp học đều được vệ sinh, trẻ được chia theo các nhóm nhỏ khi ăn, khi chơi…”, cô Đặng Thị Tố Trinh bày tỏ.

Làm thật kỹ, thật sâu công tác tư tưởng với phụ huynh

Theo yêu cầu của Sở GD-ĐT TPHCM, trong giai đoạn từ 21/2 - 25/2, các trường mầm non sẽ tiếp tục hướng dẫn trẻ thói quen về phòng chống dịch. Duy trì các thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân. Chú trọng tổ chức các hoạt động cốt lõi, đảm bảo nội dung chương trình và thời gian của năm học. 

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hoài Nam đề nghị trường mầm non làm thật kỹ
Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam đề nghị trường mầm non làm thật kỹ, thật sâu công tác tư tưởng với phụ huynh

Đối với trường ở vùng xanh, khi trẻ đến trường học trực tiếp, các cơ sở giáo dục sẽ xây dựng và thiết kế môi trường giáo dục mang tính mở. Sắp xếp đồ dùng, đồ chơi để trẻ vận động, dễ vệ sinh khử khuẩn đồng thời chia nhỏ các nhóm trẻ khi tổ chức hoạt động…

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam yêu cầu, khi trẻ mầm non trở lại trường, ngoài công tác nuôi dạy trẻ, các trường mầm non cần đặc biệt quan tâm dạy trẻ kỹ năng phòng chống dịch, hình thành thói quen mới thích ứng trong mùa dịch. Công tác phòng dịch trong trường không được chủ quan, lơ là. 

Ông Lê Hoài Nam đề nghị các trường cần làm thật kỹ, thật sâu công tác tư tưởng với phụ huynh. Thông tin xuyên suốt, kịp thời các biện pháp phòng dịch của trường đến phụ huynh để phụ huynh an tâm, phối hợp cùng nhà trường hình thành cho trẻ các thói quen phòng dịch, các tình huống nghi ngờ. Từ đó hoạt động nuôi dạy trẻ trực tiếp mới được đảm bảo, ổn định, bình thường hóa trong bối cảnh dịch bệnh. 

Tấn Dũng

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI