
Niềm tự hào và sứ mệnh truyền cảm hứng
1. Trong buổi tiếp đoàn công tác của Hiệp hội Nhà báo và Phát thanh Truyền hình cùng Hội Phụ nữ tỉnh Chiang Mai, Thái Lan, tôi tự hào giới thiệu về sự ra đời của Báo Phụ nữ TPHCM.
Khi tôi kết thúc phần giới thiệu, các vị khách từ Hội Phụ nữ tỉnh Chiang Mai bày tỏ sự ấn tượng và nói rằng bây giờ, họ hiểu vì sao tỉ lệ phụ nữ tham gia hoạt động xã hội ở Việt Nam thuộc hàng cao của thế giới. Theo họ, phụ nữ Việt Nam đã được tạo điều kiện đặc biệt, công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ được quan tâm thúc đẩy. Bà Phó chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Chiang Mai chia sẻ: “Chúng tôi luôn mơ ước ra được tờ báo là tiếng nói của phụ nữ nhưng đến nay vẫn chưa đủ sức và có lẽ chúng tôi không nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía chính quyền”.
Nghe bạn nói, lòng tôi rộn lên niềm tự hào về tờ báo Phụ nữ TPHCM, về những người đi trước đã dày công vun đắp cho tờ báo.
2. Trong một buổi chia sẻ thông tin về các cô dâu Việt tại lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), vị đại diện Văn phòng Văn hóa, Kinh tế Đài Bắc tại TPHCM nói với tôi: “Tôi vừa gặp một đại diện của Báo Phụ nữ Việt Nam và tôi mới biết ở Việt Nam, ngoài Báo Phụ nữ TPHCM, còn có Báo Phụ nữ Việt Nam. Vậy là các bạn có 2 tờ báo dành riêng cho phụ nữ”.
Tôi lại tự hào khoe: “Ở Việt Nam, có Báo Phụ nữ Việt Nam thuộc Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Báo Phụ nữ Thủ đô thuộc Hội LHPN TP Hà Nội, Báo Phụ nữ TPHCM thuộc Thành ủy TPHCM (trước đây thuộc Hội LHPN TPHCM). Những tờ báo này có chung mục tiêu là nâng cao nhận thức về quyền phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và tạo ra không gian để thảo luận về các vấn đề xã hội, đặc biệt là giúp phụ nữ năng động, sáng tạo, vươn lên, tự chủ kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Vị đại diện ấy ồ lên: “Giờ tôi đã biết vì sao các cô dâu Việt ở Đài Loan rất năng động, chăm chỉ và chăm lo gia đình tốt”. Tôi đáp lại rằng, tôi biết ở Đài Loan, nữ quyền cũng rất được quan tâm, bằng chứng là từng có nữ lãnh đạo là bà Thái Anh Văn. Đánh giá cao phía bạn nhưng trong lòng tôi cũng rất tự hào.
3. Tôi tự hào về Báo Phụ nữ TPHCM cũng như tự hào về những tờ báo phụ nữ ở Việt Nam và rất hạnh phúc khi được ở trong “ngôi nhà” Phụ Nữ. Vậy mà khi được Thành ủy TPHCM phân công về Báo Phụ nữ TPHCM, tôi lo lắng mất ăn mất ngủ. Điều duy nhất giúp tôi có phần nào yên tâm là câu chuyện Bác Hồ làm việc với các dì trong Đoàn Phụ nữ cứu quốc khi chuẩn bị ra tờ báo Tiếng Gọi Phụ Nữ vào năm 1945 ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, là tiền thân của Báo Phụ nữ Việt Nam ngày nay. Tôi nhớ chi tiết Bác Hồ hỏi các dì: “Các cô đã có con chưa?”. Các dì đáp: “Dạ thưa Bác, chưa ạ”. Bác lại hỏi: “Thế các cô có biết quấn tã cho bé không?”. Các dì còn lúng túng thì Bác bảo: “Viết báo phụ nữ không thể cứ ngồi trong bốn bức tường nghĩ ra rồi viết điều này điều nọ mà phải viết về những chuyện, những việc cụ thể, thiết thực trong đời sống hằng ngày của phụ nữ, của trẻ em”.
Và cứ thế, tôi mang trong tim lời dạy của Bác bước vào “ngôi nhà” Phụ nữ TPHCM.
50 năm - những cột mốc và con số
Ngày 19/5/1975: ra số báo đầu tiên, lấy tên Phụ nữ Sài Gòn.
Từ năm 1975: ra mỗi tuần 1 số báo, mỗi số 8 trang.
Từ năm 1976: đổi tên tờ báo thành Phụ nữ TPHCM.
Từ năm 1982: ngoài số báo hằng tuần (đã tăng lên 16 trang), còn xuất bản các phụ san Hãy nuôi dưỡng tình yêu, Bạn gái trẻ, Hôn nhân và Gia đình.
Từ năm 1989: ra mỗi tuần 2 số báo (thứ Tư, thứ Bảy), mỗi số 16 trang.
Từ năm 1993: ngoài 2 tờ Phụ nữ thứ Tư, Phụ nữ thứ Bảy, ra thêm cuốn Phụ nữ Nguyệt san 40 trang (năm 1995 chuyển thành bán nguyệt san và năm 1996 chuyển thành tuần san Phụ nữ Chủ nhật).
Từ năm 2004 đến 2024: ra mỗi tuần 3 số báo (thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu), mỗi số 16 trang và cuốn tuần san Phụ nữ Chủ nhật.
Năm 2009: lập trang tin điện tử phunuonline.com.vn.
Năm 2015: nâng cấp trang tin điện tử thành báo điện tử phunuonline.com.vn.
Năm 2012: lập fanpage “Báo Phụ Nữ” trên mạng xã hội Facebook.
Năm 2021: lập kênh “Báo Phụ Nữ” trên mạng xã hội YouTube.
Năm 2022: lập kênh “Báo Phụ Nữ” trên mạng xã hội TikTok.
Năm 2007: khánh thành tòa nhà trụ sở Báo Phụ nữ TPHCM (số 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3).
Năm 2013: khánh thành tòa nhà Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức phụ nữ (số 20 Nguyễn Đăng Giai, TP Thủ Đức).
Từ năm 1975 đến 2021: Báo Phụ nữ TPHCM trực thuộc Hội LHPN TPHCM.
Từ năm 2021 đến nay: Báo Phụ nữ TPHCM trực thuộc Thành ủy TPHCM.
Đến cuối năm 2024, báo có 102 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên, trong đó 72 người có trình độ đại học, cao đẳng, 7 người trên đại học, 23 đảng viên.
Những năm cuối thập niên 1990, đầu 2000, các ấn phẩm của Báo Phụ nữ TPHCM đạt trên 100.000 bản mỗi số, trong đó báo tờ có lúc đạt 150.000 bản/số, cuốn Phụ nữ Chủ nhật có lúc đạt 200.000 bản/số.
Với sự phát triển của khoa học, công nghệ, cách thức tiếp cận thông tin có sự thay đổi. Các thể loại báo mạng, các kênh trên mạng xã hội được chuộng xem hơn khiến lượng phát hành báo in sụt giảm đáng kể theo từng năm.
Hiện nay, báo điện tử Phụ nữ TPHCM (phunuonline.com.vn) và các kênh TikTok, YouTube của báo thu hút tổng cộng khoảng 1 triệu lượt truy cập/tuần.
Từ năm 2000 đến nay, bình quân mỗi năm, phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM nhận trên 7 giải báo chí cấp thành phố và trung ương.
Ngoài hoạt động xuất bản, Báo Phụ nữ TPHCM có nhiều hoạt động bổ trợ và hoạt động vì cộng đồng.
Năm 1989 và 1995: tổ chức cuộc thi “Hoa hậu áo dài TPHCM”.
Từ năm 1992 đến 1994: liên tục tổ chức cuộc đua “Xe đạp nữ TPHCM”.
Năm 1999: tổ chức cuộc thi “Thời trang tuổi 40”.
Năm 2003: tổ chức cuộc thi “Thời trang mẹ và con”.
Năm 2008-2009: tổ chức cuộc thi viết truyện ngắn chủ đề “Người phụ nữ trong cuộc sống hôm nay”, thu hút 700 tác phẩm dự thi.
Năm 2024: tổ chức cuộc thi ảnh “Nét đẹp ngành cấp nước TPHCM” và cuộc thi viết “Vẻ đẹp của nước”.
Năm 2023-2025: tổ chức cuộc thi viết về Sài Gòn - TPHCM chủ đề “Thành phố của tôi”.
Năm 2024 và 2025: liên tục tổ chức Giải pickleball Báo Phụ nữ TPHCM.
Từ năm 2005 đến 2009: tổ chức nhiều chương trình ca nhạc “Hát và đưa báo Phụ Nữ đến với công nhân”.
Từ năm 1990 đến nay: thường xuyên tổ chức tọa đàm, hội thảo, talk show về các vấn đề giáo dục, tình yêu và hôn nhân, bạo lực học đường, bạo lực gia đình, xây dựng tổ chức hội phụ nữ vững mạnh.
Từ năm 1995 đến nay: vận động và chăm lo an sinh xã hội khoảng 100 tỉ đồng. Cụ thể, từ năm 1995 đến 2000: vận động và chăm lo bình quân hơn 1 tỉ đồng/năm; từ năm 2001 đến 2010: bình quân hơn 3 tỉ đồng/năm; từ năm 2010 đến 2020: bình quân hơn 4 tỉ đồng/năm. Từ năm 2021 đến 2024: vận động và chăm lo tổng cộng 21,8 tỉ đồng, trong đó riêng năm 2021 đạt 15,4 tỉ đồng (riêng chương trình “Kết nối, sẻ chia vì tuyến đầu chống dịch” đã vận động được 13 tỉ đồng để trao tặng thiết bị y tế, nhu yếu phẩm cho các bệnh viện dã chiến, trạm y tế, khu cách ly).
Với số tiền vận động được, Báo Phụ nữ TPHCM đã có nhiều chương trình chăm lo cho các đối tượng chính sách, phụ nữ và trẻ em nghèo, phụ nữ và trẻ em khuyệt tật, phụ nữ và trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, phụ nữ và trẻ em vùng biên giới. Đã xây tặng tổng cộng trên 600 nhà tình nghĩa, nhà tình thương.
Nổi bật trong các chương trình an sinh xã hội là học bổng “Nữ sinh hiếu học, vượt khó” được tiếp nối liên tục từ năm học 1991-1992 đến nay, đã trao 9.083 suất, tổng trị giá gần 14 tỉ đồng. Chương trình “Tết ấm” đã kéo dài hơn 20 năm qua, mỗi tết Nguyên đán chăm lo cho hàng trăm hộ, tổng tiền chăm lo bình quân hơn 400 triệu đồng. Chương trình “Biên cương xanh” trao 100 mái ấm biên cương cho các hộ nghèo các tỉnh giáp giới với nước bạn Campuchia…
Với những thành tích đạt được, Báo Phụ nữ TPHCM đã vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2000), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2006), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2010) cùng nhiều bằng khen cấp trung ương, thành phố.
Lý Việt Trung