Từ cây thốt nốt Tri Tôn

14/10/2019 - 16:00

PNO - Trẻ em Khmer quanh ngọn đồi này cũng vì vậy mà gắn bó với cây thốt nốt. Nguồn thu nhập không cao nên mọi nhân lực lao động đều tận dụng từ các thành viên trong gia đình.

Những  chuyện kể  của con

LTS: Từ năm 2018, Đinh Chí Trung đã khởi động dự án "100 câu chuyện trẻ em Việt Nam - Chuyện kể của con". Trong suốt hai năm qua, chàng trai sinh năm 1988 (hiện sống ở thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước) vẫn kiên trì lặn lội từ Nam chí Bắc, từ đồng bằng đến miền cao để thực hiện những bộ ảnh đẹp, mà cũng là để vẽ lên cổ tích cho trẻ em nghèo. 

Trong hành trình muôn dặm của mình, bước chân Trung đã đến với những vùng đất mà ở đó, có những đứa trẻ lớn lên, gắn bó với nghề truyền thống, bằng tình yêu và những giấc mơ đẹp…

Báo Phụ Nữ TP.HCM trân trọng giới thiệu loạt bài Đinh Chí Trung viết về những câu chuyện ý nghĩa này. 

Tôi đến Châu Đốc (tỉnh An Giang) lần đầu vào tháng 5/2019, những ngày cuối cùng của mùa khô. Ngày lễ tắm Phật bà Châu Đốc sầm uất hơn bất cứ lễ hội nào mà tôi từng đến, từng đoàn người đổ về xin phước lẫn trả lễ, đông như trẩy hội. Nhưng không nán lại được lâu, tôi thuê xe máy chạy về hướng Tri Tôn…

Tu cay thot not Tri Ton

Đi tìm cây thốt nốt

Trên tuyến đường băng qua khu dân cư, An Giang trông không khác gì so với các tỉnh miền tây khác, chỉ có những cây thốt nốt bên đường khiến tôi lưu tâm. Phải đi rất xa, và nhờ người dân bản địa tôi mới tìm đến được một ngọn đồi thốt nốt, nơi còn sót lại vài lò đường truyền thống. Ngọn đồi này vào mùa khô ruộng hoang cỏ dại, người ta không trồng lúa mà sống dựa vào nguồn thu từ những cây thốt nốt. Có gia đình làm nghề thu trái, gia đình khác thu mật nấu đường. Cùng một cây thốt nốt, nhưng nó trở thành kế sinh nhai của nhiều gia đình. 

Trẻ em Khmer quanh ngọn đồi này cũng vì vậy mà gắn bó với cây thốt nốt. Nguồn thu nhập không cao nên mọi nhân lực lao động đều tận dụng từ các thành viên trong gia đình. Gia đình nào làm nghề thu trái thì cả nhà cùng làm. Người cha, người anh lớn có nhiệm vụ trèo cây bẻ trái, đứa nhỏ hơn một chút thì đứng bên dưới gom trái đến cho mẹ chặt ra tách lấy hạt.

Tu cay thot not Tri Ton
Bé Sóc Ny hồn nhiên qua ống kính

Ấy vậy mà du khách đến An Giang mùa nào cũng có thể mua được ly nước thốt nốt tươi mát, vì vẫn có những gia đình cố gắng lấy những trái thốt nốt trái mùa, để được giá cao hơn - mặc cho công việc tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. 

Sáng sáng trên đồi thốt nốt vang vọng tiếng người lấy trái, tiếng dao vỗ vào những lớp vỏ thốt nốt thô cứng, tạo ra thứ âm thanh mộc mạc, giản dị. Những đứa trẻ làm nghề này tầm mười tuổi đã có thể phân biệt được trái non hay trái già, hạt nằm phía bên nào để canh chặt không bị phạm. Có đứa buổi đi học, buổi theo phụ giúp cha mẹ. Đến mùa mưa, thân thốt nốt trơn trượt, việc leo cây thu hoạch trái rất nguy hiểm. Nên cứ từ tháng sáu trở đi, giá thốt nốt cao hơn những tháng nắng.

Sóc Ny nấu đường

Sóc Ny, một cô bé Khmer sống cùng em gái và cha mẹ trên ngọn đồi thốt nốt ấy. Sau lễ Ok om bok vào tháng 11 dương lịch, cả nhà em bắt đầu quay lại mùa thu mật nấu đường. Nghề nấu đường một năm kéo dài sáu, bảy tháng. 

Tu cay thot not Tri Ton
Sóc Ny và em gái Sina

Công việc nấu đường không khó, nhưng luôn cần có người canh lò, phần việc này dành cho Sóc Ny. Ngoài giờ đi học, cô bé quanh quẩn trong bếp phụ cha mẹ, trông cho lửa không tắt, và đường không bị sôi tràn ra ngoài. Có khi Sóc Ny vừa trông lò vừa trông em gái Si Na mới hai tuổi. Em nói với tôi, dù cuộc sống trên đồi không tiện nghi, nhưng vẫn thích ở đây với cha mẹ hơn, thay vì về nhà ngoại ở khu dân cư. 

Anh Mơm, cha của Sóc Ny rất hiếu khách. Anh đón tiếp người khách xa lạ như tôi rất nhiệt tình. Anh giải thích cho tôi biết nhiều thứ về nghề làm đường của gia đình. Công việc của anh là trèo lên những ngọn thốt nốt cao vút lấy mật vào mỗi sáng. Mật thốt nốt không phải lấy từ trái, mà được cắt chảy ra từ vòi hoa. Trung bình một ngày anh thu được khoảng sáu mươi lít mật, nhóm lò nấu từ trưa đến khi trời chập tối thì được tám ký đường, bán với giá chưa bằng một nửa giá ngoài cửa hàng bán cho du khách. 

Tu cay thot not Tri Ton
Em gái của Sóc Ny mới 2 tuổi

Sóc Ny và Si Na lớn lên dưới tán cây thốt nốt, đã quen với cái hơi nóng của bếp lò và vị ngọt của giọt đường, quen với bữa cơm tối mờ ảo dưới ánh sáng đèn pin. Cuộc sống của hai đứa trẻ dù thiếu tiện nghi, nhưng lúc nào tôi cũng nghe được tiếng cười trong trẻo. Trong ngôi nhà nhỏ trên ngọn đồi thốt nốt, tuổi thơ của Sóc Ny và Si Na dù thiếu thốn nhưng tôi vẫn cứ thấy đủ đầy… 

Để thực hiện bộ ảnh về cô bé Sóc Ny và gia đình, tháng Chín vừa rồi, tôi đã quay lại nhà em. Chỉ mới cách vài tháng, cánh đồng trước đây là ruộng khô cỏ dại, bây giờ đã được thay bằng những lớp mạ xanh mơn mởn. Sóc Ny cũng vừa khai giảng vào lớp Năm. Nhìn cô bé tươi tắn trong bộ đồng phục đến trường, băng qua cánh đồng lúa trên chiếc xe đạp cũ, tôi cảm giác như có một làn gió tốt lành ùa về ngọn đồi thốt nốt.

Tu cay thot not Tri Ton
Sóc Ny đến trường

Nơi ấy, chưa có điện

Gia đình Sóc Ny sống xa khu dân cư nên không có điện lẫn nguồn nước sinh hoạt. Trên ngọn đồi heo hút, mọi hoạt động buổi tối của gia đình phụ thuộc vào ánh sáng của hai chiếc đèn pin le lói. Tối đó tôi được chị Sà Rum (mẹ Sóc Ny) mời ở lại dùng cơm, cũng là lần đầu tiên tôi được ăn món canh bông đu đủ và mắm bù hóc của người Khmer, trong không khí vui tươi của gia đình họ. 

Tu cay thot not Tri Ton
Mọi sinh hoạt ban đêm của nhà Sóc Ny đều diễn ra dưới ánh đèn pin

Chưa đầy 8g tối, cả nhà đã chuẩn bị đi ngủ. Tôi và anh Mơm nằm trên chiếc chõng tre ngoài sân, mong trời đừng mưa vì sợ tấm bạt mỏng không thể che hết nước. Tối đó anh Mơm kể với tôi về cái khó của gia đình, vào những tháng mưa, có khi một ngày không kiếm được đồng nào. Khó khăn là vậy, nhưng anh nói sẽ cố gắng để hai con được đến trường. Trong ngôi nhà ấy, nhìn đâu cũng chỉ thấy tình yêu thương. 

Đinh Chí Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI