Truyền thông đại chúng: Đừng dễ dãi tiếp tay cho định kiến giới

14/05/2021 - 06:52

PNO - Chương trình "Shark Tank Vietnam" (Thương vụ bạc tỷ) bị xem là “xúc phạm phụ nữ” - đang gây bức xúc dư luận - chỉ là giọt nước tràn ly cho thực trạng định kiến giới xuất hiện khá dày đặc trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở Việt Nam nhiều năm qua.

Truyền thông đại chúng đang thực hành định kiến giới?

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS) nói: “Trong bối cảnh các sản phẩm của truyền thông đại chúng được tiêu thụ một cách rộng rãi như ngày nay, truyền thông đại chúng ngày càng đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là các chương trình có sự tham gia của những người nổi tiếng hoặc những người có địa vị xã hội, đề cập đến những vấn đề đang được quan tâm”.

Tuy nhiên, thay vì tuyên truyền thay đổi nhận thức và góp phần phá vỡ định kiến giới, thiết chế xã hội, truyền thông đại chúng trong nhiều năm qua lại đang thực hành định kiến giới. Ồn ào mới nhất là màn “thả thính” và những phát ngôn gây tranh cãi của các “cá mập” với người kêu gọi vốn trong tập 2, chương trình Shark Tank Vietnam phát sóng trên kênh VTV3 vào ngày 12/5 vừa qua.

Shark Phú trong chương trình đang gây “bão” dư luận phát sóng trên kênh VTV3 (ảnh chụp màn hình)
Shark Phú trong chương trình đang gây “bão” dư luận phát sóng trên kênh VTV3 (ảnh chụp màn hình)

Cụ thể, sau khi CEO Nguyễn Thị Thu Hằng trình bày về mô hình kinh doanh các dòng xe đạp trợ lực điện nguyên chiếc, sử dụng “năng lượng xanh” - pin lithium, Shark Phú (nhà đầu tư Nguyễn Xuân Phú) buông lời: “Anh chỉ mải nhìn em nên chẳng thấy gì đặc biệt ở chiếc xe cả”, “Anh đã nói ngay từ đầu, anh không quan tâm đến business, không quan tâm đến sản phẩm, mà đang quan tâm đến mỗi em thôi”. Shark Hưng (Phạm Thanh Hưng) nói thêm: “Đã nói ngay từ đầu, thật ra deal cứ sạch, xanh, xinh là xong”.

Cùng với đó, có không ít trang tin, trang mạng “ăn theo” với cách giật title mang tính câu view là chính. Chẳng hạn: “Shark Phú gây tranh cãi vì gật đầu chốt deal với nữ CEO xinh đẹp, tuyên bố không quan tâm đến sản phẩm “chỉ quan tâm đến em thôi”, “Nữ CEO rơi nước mắt vì bị chê xe xấu, “ngáo định giá”, Shark Phú liền “chốt” đầu tư: “Là vì em”, “Nhan sắc xinh đẹp của nữ CEO khiến Shark Phú chọn trong một nốt nhạc, bỏ qua cả khâu kiểm tra sản phẩm”, “Shark Phú biến sân khấu Shark Tank thành bể thính, chốt deal nhanh lẹ”… 

Ngay lập tức, dư luận xã hội “bùng nổ” với hai luồng ý kiến trái chiều; đa số cho rằng những phát ngôn mang tính cợt nhả đó rất “phản cảm”, “xúc phạm phụ nữ”, “thiếu tôn trọng người khác”, “phân biệt giới tính”, “nam tính độc hại”… Họ đặt vấn đề: Vì sao những phát ngôn đó lại có thể “lọt” cửa kiểm duyệt để phát sóng công khai trên truyền hình? Số ít còn lại cho rằng, “đùa chút cho vui, làm gì căng?!”. 

Tuy nhiên, có thể thấy vụ việc trên không phải là hy hữu. Lướt một vòng các trang tin, báo mạng, không khó để bắt gặp những tựa bài mang đầy tinh thần định kiến, khuôn mẫu giới, chẳng hạn: “T.N.A với thân hình phát tướng”, “T.N.A lại lộ vai u thịt khi mặc style giấu quần”… Các chương trình quảng cáo phát trên ti vi cũng đang tiếp tay duy trì định kiến giới bằng cách chạy các nội dung như lúc nào đàn ông cũng đi xe hơi, làm giám đốc, đi mây về gió… còn phụ nữ nấu cơm, rửa bát, nội trợ. Cách miêu tả nữ tính truyền thống như vậy chắc chắn đã lỗi thời với khán giả hiện đại, nhưng định kiến ​​về giới vẫn tiếp tục được phát triển trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Phim ảnh cũng đưa lên toàn hình ảnh người phụ nữ cam chịu; hoặc ngược lại rất đanh đá, gây phản cảm. 

4.	Trong phim “Chị chị em em”, nhân vật người chồng (do Lãnh Thanh đóng) là một người tham lam bị vợ vứt bỏ trong tình trạng chỉ còn chiếc quần che thân
Trong phim Chị chị em em, nhân vật người chồng (do Lãnh Thanh đóng) là một người tham lam bị vợ vứt bỏ trong tình trạng chỉ còn chiếc quần che thân

Cùng với sự thay đổi của xã hội, vị thế của phụ nữ đã được cải thiện, tuy nhiên, nhìn chung, tới thời điểm hiện tại, phụ nữ vẫn đang được sử dụng như một yếu tố để “bán hàng”, giật title, câu view. 

Tất nhiên, định kiến giới không chỉ diễn ra với nữ giới mà cả nam giới. Có không ít bộ phim, hình ảnh các quý ông lại èo uột, vô dụng, bất đắc chí, gia trưởng, vô công rồi nghề, nhu nhược, ăn chơi bạt mạng hoặc bội bạc… đến nỗi nhà phê bình Lê Hồng Lâm trong một cuộc nói chuyện về đề tài này đã phải thốt lên, đây là “sự thất bại vĩ đại của nam tính trong phim Việt”.

Bà Khuất Thu Hồng nhìn nhận: “Những gì thể hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng ít nhiều cũng phản ánh hiện thực cuộc sống. Tuy nhiên, nó sẽ thành định kiến giới nếu chúng ta cứ khuyến khích việc nam giới lúc nào cũng phải ở vị trí trụ cột, lúc nào cũng phải can đảm, giỏi giang, dũng cảm, hoặc chế giễu những đàn ông không có khả năng cáng đáng cho gia đình. Nó khiến áp lực của cánh mày râu gia tăng và chỉ làm mọi việc trở nên tồi tệ hơn”. Làm sao để phản ánh hiện thực nhưng không củng cố định kiến giới? Phim ảnh nước ngoài cũng phản ánh đàn ông bạo lực nhiều hơn phụ nữ; nhưng đằng sau đó, các nhà làm phim gửi gắm thông điệp gì, đó mới là điều quan trọng, Viện trưởng Viện ISDS phát biểu. 

Để không tạo ra những sản phẩm văn hóa giải trí “rác”, cần sự đầu tư rất nhiều về mặt chất xám, thái độ nghiêm túc trong công việc cũng như hiểu xu thế của thời đại của các tác giả lẫn người thể hiện.

Cần có sự kiểm duyệt nội dung liên quan giới

Về ồn ào xung quanh chương trình Shark Tank Vietnam, bà Hồng cho rằng: “Do họ chủ quan, thiếu nhận thức, non tay nghề nên để lọt những chi tiết đáng tiếc như vậy”. Tuy nhiên, theo bà, từ đây cũng cần có sự kiểm duyệt về nội dung liên quan đến giới giống các nước. Nhiều quốc gia xây dựng các bộ quy tắc ứng xử cho khách mời cũng như cán bộ, nhân viên sản xuất chương trình truyền hình và các phương tiện truyền thông đại chúng khác nói chung.

Shark Hưng: “Cứ sạch, xanh, xinh là xong”.
Shark Hưng: “Cứ sạch, xanh, xinh là xong”.

Các quy tắc này được xây dựng chủ yếu trên sự tích hợp nội dung của các công ước quốc tế, liên quan đến phân biệt đối xử và bất bình đẳng về giới. Khi đồng ý tham gia, nghĩa là tất cả phải tuân thủ bộ khung đó, đặc biệt là các chương trình phát sóng rộng rãi; để không có bất cứ chi tiết nào gây phản ứng tiêu cực từ khán giả. 

Ngoài việc truyền thông tăng cường nhận thức về giới và thực tiễn những quy định pháp luật về giới, thiết nghĩ, các cơ quan truyền thông đại chúng cũng nên thiết lập một bộ quy tắc ứng xử riêng. Điều đó là cần thiết trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi mà quan điểm của xã hội về tình dục đã có nhiều thay đổi; đặc biệt sự cạnh tranh khốc liệt giữa các loại hình truyền thông đa phương tiện khiến cho vấn đề xuất bản, công bố ngày càng trở nên dễ dãi hơn, phức tạp hơn. 

Đậu Dung

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI