Truyện Ngắn - Hoa đoàn viên

05/02/2024 - 19:46

PNO - Chiếc xe tấp vào quán cà phê cóc đầu hẻm một buổi chiều đỏ ối như ông trời nhóm bếp nấu cơm. Thụy ngó ra thì thấy một người trung niên tóc lốm đốm bạc 2 ngày trước vừa ghé quán.

Ông chú vẫn gọi cà phê không đường và bắc ghế ngồi đợi. Chiếc xe máy màu hồng trong ánh chiều nhá nhem đã bớt đi phần rực rỡ như buổi sáng cách đó 2 ngày Thụy gặp. Thụy nhớ kỹ bởi đây là lần đầu họ ghé quán mà chiếc xe lại quá ấn tượng. Bận đó, mấy ông già ngồi cà phê giật mình rồi cười khùng khục. Trời thần, thằng cha này chịu chơi quá, chắc vợ ổng thích màu hồng. Sơn nguyên cái xe hồng chạy ngoài đường không bao giờ lạc. Mấy ông già cười, ông chú trung niên cũng cười. Chuyện rổn rảng như tiếng rao cách gần cây số của cái chợ trên bến dưới thuyền mà tận đây vẫn nghe.

Quán cóc ăn ké khách thương hồ ghiền cà phê sáng, ăn bồi thêm người dân đi sắm tết. Thành thử ra mấy ngày nay, vừa tan ca là Thụy lại tất bật ngược xuôi pha cà phê, bưng trà và tính tiền phụ ba má. Cũng vài lần anh Hai điện thoại nói ba má dẹp quán đi. Cái nhà xây 3 tầng đẹp gần chết, tự dưng để cái quán ngay cửa nhà nhìn bầy hầy phát chán. Đã vậy còn cực. Mới 5 giờ đã lục tục dậy dọn bàn ghế, nấu nước nóng rồi ngồi hóng khách. Buôn bán lời bao nhiêu, hằng tháng anh Hai gửi về cho. Chứ già vậy còn quần quật làm thì hàng xóm họ cười đám con lưng dài vai rộng mà không nuôi nổi ba má. Mấy lời này, anh Hai cứ nhằn trong điện thoại. Anh nhằn riết, Thụy thuộc lòng. 
***
Năm đó, Thụy nhẩm tính rồi thở dài, vậy là tròn 8 năm anh Hai chưa về. Mấy mùa pháo hoa đêm giao thừa nổ lụp bụp, từ bên này kênh nhìn qua khu trung tâm, má hỏi mông lung: “Pháo hoa tàn, pháo hoa rơi ở đâu?”. Gió bận đó chẳng lạnh nhưng câu hỏi như đóng băng giữa thời khắc nhà nhà sum vầy. Năm nào cũng vậy, anh Hai hay điện thoại báo sẽ gửi tiền về mừng tuổi ba má, dặn Thụy mua cái áo mới cho má, nhắc ba đừng thức khuya dậy sớm. Hay thỉnh thoảng anh Hai bảo Thụy lén chụp hình ba má gửi cho anh xem. Tấm hình gửi đi luôn nhận về cái thả tim đỏ chót rồi lặng thinh. 

Anh Hai giỏi, thông minh và có chí. Má nói vậy ngày anh ngập ngừng nói chuyện sẽ đi học xa, học bổng bán toàn phần của một trường đại học trứ danh ở miền đất hứa cách nơi này nửa vòng trái đất. Má cười tươi như hoa đương độ rộ mùa. Ba cũng gật gù, đuôi mắt xếp li giãn ra như chưa từng trải qua phong ba dầu dãi. Sáng đó, Thụy thấy ba má chở nhau đi đâu đó rồi trở về nhà ngó trước ngó sau. Trong cái bao đen là một xấp tiền đô. Má rì rầm nói với Thụy mà như nói một mình: “Cái này phòng thân cho anh Hai mày ở chốn xa người lạ”. Tối đó Thụy rửa chén, dọn rác thấy bên trong cái bao là mấy hộp nữ trang của má. 

Ngày anh đi, ba má đưa ra sân bay, chẳng có nước mắt nào rơi trong buổi đưa tiễn. Khóc gì trời? Đi cho có tương lai. Ở nhà với ba má biết đời nào khôn. Đi khỏe nhen con! Ở xứ người, mình lạ nước lạ cái thì một câu nhịn chín câu lành. Ráng nhen con! Thiếu thốn gì thì cứ nói ba má. Đừng mê làm kiếm tiền mà bỏ học. Ba má có mình mày là con trai. Nhưng, nếu lỡ mình sống không nổi ở đó thì cứ quay về, ở nhà luôn có ba má. Cặp mắt anh Hai đỏ hoe. Anh ôm ba má thật lâu rồi quay đi. Bận đó, trên chiếc taxi trở về, ba má mỗi người một góc ngó thành phố chạy dài trong đêm. 
Ngày ra đi, anh Hai vừa tròn 20 tuổi.
***
Càng những ngày cuối Chạp, gió càng dịu dàng. Gió mơn man qua hàng cây xanh đang trổ lá biêng biếc. Từ góc phố có hàng cây xanh ấy đi về hướng bến thuyền chừng cây số mà người thì lố nhố chen chân. Cứ vào thời điểm này là thiên hạ dập dìu ghé bến thuyền chọn bông lựa trái đem về nhà chưng tết như một nếp quen xưa cũ còn lưu lại giữa phồn hoa đô hội của thị thành đang ngày càng hiện đại. Phía đông đất nở ra hàng lô lốc tòa nhà uy nga lộng lẫy. Cuối phía tây vẫn còn con kênh, bờ kè để bán buôn theo kiểu trên bến dưới thuyền. Siêu thị đầy, chợ cũng khắp nơi nhưng cái chợ nổi vẫn cứ rộn ràng mỗi bận xuân sang. Có lần, má nói đời người cũng như đời phố. Càng đi theo năm tháng dặm dài của thời gian, người ta càng da diết nhớ những quê kiểng thân gần. Mấy ông bà già thị thành làm sao không biết cách đi siêu thị nhưng vẫn mê mấy cái chợ truyền thống. Tết nhứt, dân thị thành nườm nượp ghé chợ thuyền cặp con kênh này chẳng qua là thèm tết cũ. Kiểu tết rộn rạo, lào xào, trong mớ hỗn độn chen lấn, trả giá lẫn lựa cái này, ngó cái kia là tâm trạng ăn tết đang len lỏi vào tận hồn mình. 

Chẳng biết má nói đúng hay không nhưng cái quán cà phê cóc đầu con hẻm cứ đông đúc người ngồi nghỉ mệt sau buổi đi chợ. Lắm khi có những tốp người quần nát cái chợ xong về lại quán cóc thở hổn hển, vậy đó chứ tầm tiếng sau lại chen chân vào chợ. Hỏi mắc gì đi lòng vòng năm ba bận thì nhận được câu trả lời gọn lỏn: “Cho vui”. Tết là phải vui. Vui theo cái kiểu ăn tết của người đất này thì phải lòng vòng vậy đó. Vòng tới vòng lui đôi khi mua có cặp bông. Vậy đó mà hôm sau lại thấy vòng ra mua thêm cặp dưa hấu hay đòn bánh tét. Miết rồi quen mặt, nhớ tên. 
Ông già đi xe máy màu hồng thuộc thành phần tua đi tua lại cái chợ và mỗi lần bà vợ ông quay lại quán cà phê thì cũng cầm trên tay vài món. Có khi là chục bịch muối Ba Thắc theo ghe Bạc Liêu lên. Muối Ba Thắc làm củ cải mặn là ngon số dách. Muối xứ biển lồng vị phù sa nên không bao giờ chát. Bà vợ ông xe máy hồng tớp ngụm cà phê, thở ra cái khà, lấy tay quẹt mồ hôi cười giải thích. Mấy ông bà già ngồi quanh bàn trầm trồ. 

Hóa ra cái quán cóc cũng là nơi thiên hạ chỉ nhau sắm tết. Ăn tết phải đúng điệu. Mà mấy thứ ngon, lạ, xưa cũ thì siêu thị hay chợ làm gì có. Chỉ ở cái bến Bình Đông này người ta mới có cơ may tìm được món xưa vị cũ để ủ trong lòng mình cái tết đậm đà mà thôi. Ông xe máy hồng kể ổng dân miền Tây chính hiệu. 2 năm nay, vợ chồng ổng theo con lên đây định cư hẳn. Nhà có 3 đứa thì cả ba đều như sáo sổ lồng rồi gá luôn phận mình ở đất thị thành. Chừng ổng bả già, mấy đứa nhỏ năn nỉ ba má lên đây ở đặng tiện bề chăm sóc. Nghĩ chẳng thể làm phiền đám con cháu hở có chuyện là phải chạy về quãng đường xa xôi, vợ chồng ông đóng cửa nhà, kéo nhau lên đây. Cái tết đầu tiên quanh quẩn theo mấy đứa nhỏ vô siêu thị lựa đồ. Cũng có cái tết đủ đầy nhưng vẫn cảm thấy thiếu. “Mới tuần trước tui thấy ti vi nói có cái chợ này. Trời thần, mừng ứa nước mắt. Vậy là tìm đường chạy qua đây. Bữa đầu bị lạc, tấp vô hỏi đường người ta chỉ. Vậy là chạy đúng bon ngay” - ông xe máy hồng kể rổn rảng.

Mấy ông bà già xích cái ghế, kê cái bàn là thành cái hội. Tui Bến Tre lên đây ngót nghét 40 năm. Tui An Giang xứ mắm, cũng 20 năm rời đồng bưng tứ giác Long Xuyên. Còn tui Cà Mau nè, xa mút chỉ cà tha, cũng theo con cái lên đây đâu chừng 10 năm rồi. Mấy ông bà già gốc miền Tây như tìm thấy cố xứ giữa thị thành. Đất này hơn chục triệu người, biết bao thân phận là tha hương xa xứ về đây. 

Má cũng người miền Tây lấy ba mới theo về đất này. 
***
Trong khoảng 20 năm bôn ba đất lạ, anh Hai chỉ về quê 2 lần. Một lần, anh khiến ba má bất ngờ bởi không nghĩ thằng con trai về lại dắt theo đứa con dâu - một cô gái gốc Việt nhưng sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Cô gái nói lơ lớ, nhìn ba má gật đầu, rồi chỉ biết ngồi lặng im. Anh bảo đã cưới bên ấy, quốc tịch cũng vừa xong. Đó là năm thứ tám, anh vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và được nhận ở lại trường làm giảng viên. Sau phút bất ngờ, má cũng chỉ nhẹ nhàng trách sao không nói trước một tiếng để má dọn nhà cho tươm tất. Con gái người ta quen sống xứ đó, biết có chịu ở nhà của mình. Ba cũng chẳng nói gì, chỉ bảo anh lớn rồi thì tự quyết định cuộc đời mình. Đừng làm con gái người ta khổ mà cũng đừng để mình khổ. Đàn ông lấy vợ là sống bằng trách nhiệm, đàn bà lấy chồng thì phải nhủ lòng chữ bao dung. Chỉ khi hiểu được mấy chữ đó thì mới sống một đời cùng nhau. Chẳng biết chị dâu có hiểu hay không nhưng Thụy thấy chị dâu cũng dạ khi anh Hai nói một đoạn tiếng Anh dài ngoằng. 

Đêm mùa hè nóng bức, Thụy dẫn anh chị đi dạo bờ kênh. Anh bảo đó là những ngày anh vật lộn với sự hòa nhập. Vừa học vừa làm, 8 đồng 1 tiếng rửa chén, 10 đồng 1 tiếng cắt cỏ. Xứ người đâu dễ sống. Anh cứ lầm lũi học và làm. Có lần anh bệnh nặng vì kiệt sức. Chị là con gái người chủ chỗ anh làm thêm. Thấy đến ca làm mà anh không đến, gọi điện thoại không nghe máy, giữa đêm tuyết, chị lái xe tới nhà trọ anh ở. Như là duyên số giữa xứ lạ không một người thân, anh chị lấy nhau. 2 năm rồi nhưng chưa dám thưa ba má vì chẳng biết nói sao. Anh chưa từng nghĩ mình sẽ ở lại xứ đó. Anh là đứa con trai duy nhất mà sống xa ba má nên lòng cứ đau đáu. Anh sợ một ngày nào đó không kịp quay về khi ba má chẳng may có chuyện. 

Đêm treo ngọn trăng lên thành phố. Phía bên kia con kênh vẫn xanh đỏ đèn màu lấp lánh của mấy tòa nhà cao vời vợi. Phía bên này, gió vẫn xào xạc thổi lên những lo lắng của đứa con trót gửi phận mình nơi cách nửa vòng trái đất. 
Đám cưới anh chị nhỏ gọn như một lễ ra mắt ở Việt Nam vào một mùa hè khi anh được nghỉ dạy nhân dịp lễ. Anh chị ào về và vội vã đi bởi chỉ có 7 ngày cho kỳ nghỉ. Hôm tiễn anh chị về lại, má có gói bộ áo dài thêu hoa cho chị dâu. Má nói ở bên này, thường cưới dâu thì má chồng hay cho cái áo dài. Con đem về đó thích thì mặc vào mấy dịp lễ tết gì đó cũng được. Chữ “cũng được” má nói nhỏ và nhẹ tênh, thể như má tự nói với mình. 

Anh đi và biền biệt thêm 6 năm trời mới về lần thứ hai nhưng là một mình. Đợt đó má mổ tim. Bác sĩ bảo không chắc ăn lắm. Vậy mà anh về, má khỏe re. Bác sĩ cười bảo chắc tại má thương thằng con trai. Tim má nay chứa thêm dây nhợ để sống. Tim anh Hai chắc cũng chứa ba má để sống. Tim ai cũng phải chứa một thứ gì đó để sống. Đôi khi chẳng phải là máu. 
***

29 tết quán cà phê đang rộn ràng thì bỗng giọng ông xe máy hồng ngoái đầu vào nhà la chói lói: “Chủ quán đâu, có ai tìm kìa”. Thụy ngó ra ngoài cửa rồi sững người. Phía bên trong, ba má cũng kịp nhìn ra. 4 người, 2 lớn 2 nhỏ đang ngập ngừng trước cửa. Chiều đó, má đóng quán sớm. 

Anh chị trở về sau 10 năm. Đây là lần đầu tiên anh đưa cả gia đình mình về ăn tết. Chị bảo kỳ đại dịch anh bị nhiễm. Trước lúc bị đưa vào viện, anh ghi lại mảnh giấy dặn chị nếu anh có gì thì tro cốt đem về cho ba má. Mấy đứa nhỏ nhớ học tiếng Việt để còn nhìn ông bà. Mình người Việt thì sống đâu cũng là người Việt. Nên chị đừng lo… Ngày anh về, chị quyết sẽ sắp xếp để có một ngày đoàn viên sum vầy. Vậy mà đến 2 năm sau trận dịch đó chị mới thu xếp được để cả nhà về cùng một chuyến. 

Lâu lắm rồi anh Hai mới khóc. Má khóc. Ba cũng khóc. Nhưng kỳ thực giọt nước mắt như mùa xuân nở ra đóa hoa đoàn viên. Khóc mà miệng cứ cười tươi. Khóc mà cũng nở hoa mùa xuân thì chỉ có mỗi mình Thụy nghĩ ra. Anh Hai nói vậy rồi cả nhà lại í ới bàn chuyện ăn tết năm này sao cho tưng bừng. Mới 29 tết mà xuân thì đã nở hoa ngập nhà. 

Tống Phước Bảo

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI