Trung tâm ngoại ngữ “biến mất”, ai bảo vệ quyền lợi học viên?

25/10/2021 - 06:43

PNO - Từ cuối tháng 5/2021, các cơ sở giáo dục tại TPHCM phải tạm ngừng hoạt động trực tiếp để phòng, chống dịch COVID-19. Từ đó đến nay, một số trung tâm ngoại ngữ không thể duy trì hoạt động, đến tháng Mười thì đột ngột... biến mất, dấy lên lo ngại về quyền lợi của người học.

Khó khăn kéo dài, nhiều trung tâm đóng cửa

Từ đầu tháng Mười đến nay, phụ huynh, học viên của hai hệ thống Trung tâm Ngoại ngữ (TTNN) Thế hệ mới (SAS) và Pixar với nhiều cơ sở tại TPHCM đi từ bất ngờ đến ngơ ngác khi tất cả cơ sở đều đóng cửa, trả mặt bằng. 

 Nhiều cơ sở của Trung tâm Ngoại ngữ Pixar đóng cửa
Nhiều cơ sở của Trung tâm Ngoại ngữ Pixar đóng cửa

Anh Dương Đức Hiếu, phụ huynh của học viên TTNN Pixar - cơ sở 42 Bùi Văn Ngữ, quận 12, cho biết: “Chúng tôi rất thông cảm là cuối tháng Năm trung tâm nghỉ dịch theo quy định. Từ đó đến nay, phía trung tâm không ai liên lạc với chúng tôi về việc chuyển đổi học online hay hướng xử lý trong thời gian tới như thế nào.

Đến đầu tháng Mười, TPHCM hết giãn cách, trung tâm cũng tiếp tục im lặng. Cho đến một ngày, tôi đi làm ngang thì thấy trung tâm đã đóng cửa, tìm kiếm sang các cơ sở khác thì thậm chí còn treo cả bảng cho thuê mặt bằng. Tôi gọi vào số hotline không ai nghe, tìm được số của giám đốc thì điện thoại, nhắn tin đều không được hồi đáp”. 

Nhiều phụ huynh cho biết, sau khi đóng học phí, con họ chưa kịp học buổi nào. Rồi đột ngột đầu tháng Mười thấy cả bốn cơ sở ở quận: 12, Tân Phú, Gò Vấp đều đóng cửa, treo bảng cho thuê mặt bằng.

Có phụ huynh phải bỏ làm để đi kiếm những người có trách nhiệm của trung tâm nhưng không có kết quả. Nhiều lần thấy fanpage trung tâm vừa đăng thông tin đó nhưng nhắn tin thì không ai trả lời, gọi vào tất cả số điện thoại của trung tâm đều không ai nghe máy... Đến ngày 24/10, một số phụ huynh mới gặp được giám đốc trung tâm để đối thoại, yêu cầu hoàn trả học phí chưa sử dụng.

Trong khi đó, hàng chục ngàn học viên, nhân viên của hệ thống SAS đang không biết tìm ai để đòi lại quyền lợi khi ngay cả cơ quan quản lý vẫn chưa liên lạc được với chủ đầu tư. Hệ thống SAS với gần 70 cơ sở mở khắp các tỉnh, thành đều đột ngột dừng hoạt động. Hàng chục ngàn học viên, nhân viên của TTNN này ở trong tình trạng bị nợ lương, nợ học phí nhiều tháng liền.

Sau khi cố gắng liên lạc với chủ đầu tư là ông Đỗ Văn Quản bất thành, nhân viên của TTNN đành phải đăng thông báo lên fanpage của trung tâm rằng giám đốc đã bỏ trốn. Bản thân phó giám đốc hệ thống SAS tại TPHCM cũng thừa nhận không thể liên hệ được với ông Quản và bị nợ lương thời gian dài.

Với tình hình dịch bệnh kéo dài, hoạt động giáo dục trực tiếp gần như “đóng băng” nhiều tháng liền khiến nhiều TTNN không thể cầm cự.

Đại diện truyền thông một hệ thống ngoại ngữ lớn tại TPHCM kể: “Là một hệ thống lớn nên trong quá trình hoạt động đã có nguồn tích lũy khá và duy trì quỹ dự phòng. Đợt dịch năm 2020, quỹ này dùng để trả tiền cơ sở vật chất, duy trì lương cho nhân viên, giáo viên tạm ổn. Nhưng đến đợt dịch 2021 kéo dài, quỹ dự phòng cũng cạn dần, lương nhân viên bắt đầu giảm, sau đó, bộ phận nào không hoạt động sẽ không nhận lương. Một khi TTNN chưa thể hoạt động thì vẫn phải tiếp tục đối mặt với khó khăn, nhất là các TTNN nhỏ…”.

Không ôm tiền bỏ trốn

Sau thời gian “im hơi lặng tiếng”, ông Vũ Văn Bảo Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) Pixar đã có buổi làm việc với 25 phụ huynh. Tại đây, ông thừa nhận có lỗi vì đã trả mặt bằng bốn chi nhánh mà không thông báo khiến phụ huynh hoang mang, bức xúc.

Ông Ngọc cho hay: “Từ ngày 28/5, trung tâm phải tạm ngừng giảng dạy trực tiếp để phòng, chống dịch. Từ đó đến nay, trung tâm phải tạm ngừng tất cả hoạt động nhưng vẫn phải trả tiền mặt bằng dù chủ nhà có hỗ trợ nhưng với một doanh nghiệp nhỏ thì gần như kiệt quệ về tài chính. Bất khả kháng, đến đầu tháng Mười, chúng tôi phải trả lại cả bốn mặt bằng cũ, tìm kiếm mặt bằng mới rẻ hơn để chờ ngày tái hoạt động, chứ không có chuyện bỏ trốn.

Hiện trung tâm đã có hai mặt bằng mới (địa điểm mới tại đường Trần Thị Nghỉ, quận Gò Vấp phải thuê theo ngày để duy trì hoạt động) và một mặt bằng cũ ở quận 12 chủ nhà hứa sẽ cho thuê lại khi hoạt động”.

Theo ông Ngọc, trung tâm đã tổ chức dạy online cho trẻ từ 7 - 12 tuổi được khoảng 10 lớp từ tháng 6 - 7 nhưng cũng chưa hiệu quả như mong muốn. Bên cạnh đó, theo kinh nghiệm, trẻ 4 - 5 tuổi học online không hiệu quả nên không tổ chức. Nếu phụ huynh đồng ý cho con học online thì trung tâm xếp lớp, sau ngày 25/10 sẽ liên lạc với phụ huynh. Nếu không dạy online thì trung tâm sẽ tổ chức dạy trực tiếp khi được phép. 

Ông Nguyễn Phúc Huy Tùng, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên Sở GD-ĐT TPHCM, cho hay: Hiện nay, có nhiều TTNN đang gặp khó khăn, thậm chí có một vài nơi xin giải thể vì không thể cầm cự được nữa. Có nhiều chủ đầu tư cho biết đã sạt nghiệp, bao năm gầy dựng tiêu tan hết sau hai mùa dịch, thậm chí còn thiếu nợ vì những tháng qua phải duy trì việc trả tiền thuê mặt bằng, nhân viên… 

Phụ huynh làm việc với Trung tâm Ngoại ngữ Pixar sáng 24/10
Phụ huynh làm việc với Trung tâm Ngoại ngữ Pixar sáng 24/10

Tuy nhiên, theo ông Tùng, khi có khó khăn thì các TTNN phải đối diện với thực tế, chia sẻ, đối thoại với phụ huynh đề tìm hướng giải quyết, chứ không thể chọn cách đóng cửa, im lặng gây bức xúc.

Với những trường hợp để phụ huynh phản ánh không liên lạc được chủ đầu tư, phòng chuyên môn sẽ chuyển hồ sơ cho thanh tra tìm hiểu, làm việc với chủ đầu tư để tìm cách cho hai bên tháo gỡ khó khăn, khúc mắc. Mọi thỏa thuận của TTNN và người học là thỏa thuận dân sự, nếu sau khi hết dịch, TTNN vẫn không giải quyết quyền lợi cho người học thì cần lực lượng khác xử lý các bước tiếp theo. 

Quyền lợi phập phù

Trước tình trạng hàng loạt cơ sở của hệ thống TTNN SAS đột ngột đóng cửa, không thể tìm được chủ đầu tư, giữa tháng Mười, nhiều học viên của TTNN này đã tập trung tại trụ sở Công an TPHCM để đưa đơn tố cáo, đồng thời cũng đã gửi đơn tố cáo đến công an các quận, huyện nơi các cơ sở của hệ thống TTNN này tọa lạc. 

Lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đã làm việc với đại diện của SAS. Nhưng, cũng như báo cáo giải trình với Sở GD-ĐT TPHCM, chủ đơn vị này cũng đưa ra lộ trình trả dần học phí cho học viên. Tuy nhiên, cho đến nay học phí của học viên vẫn chưa được trả lại. 

Còn tại tỉnh Tây Ninh, nhiều học viên của SAS cũng đã nhờ luật sư Phan Vĩnh thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh làm đại diện. Theo vị luật sư này, chủ trung tâm có dấu hiệu chiếm đoạt tiền lương của giáo viên và học phí của học viên.

Theo nhận định của giới luật sư, vụ việc của SAS có dấu hiệu hình sự khá rõ. Chủ đầu tư có dấu hiệu bỏ trốn, không giải quyết học phí cho học viên và nợ lương của giáo viên. Mỗi cá nhân nên làm đơn tố cáo lên cơ quan công an để giải quyết.

Thực tế, quyền lợi của người học trong những cuộc tranh chấp dân sự rất khó được đảm bảo. Một khi đã đóng tiền thì gần như rất khó được hoàn lại dù nhiều khi lỗi thuộc về phía đơn vị cung cấp dịch vụ vi phạm cam kết. Nếu muốn đòi lại quyền lợi phải đeo đuổi kiện tụng kéo dài. Nhiều phụ huynh cho rằng đi kiện TTNN cũng như con kiến đi kiện củ khoai vậy, họ tuyên bố phá sản, không có khả năng thanh toán thì làm gì được nhau. 

Sau buổi làm việc kéo dài gần bốn giờ không đạt được thương lượng chung, đại diện cho nhóm phụ huynh của TTNN Pixar, anh Dương Đức Hiếu trả lời Báo Phụ Nữ TPHCM rằng sẽ cử đại diện nhóm gửi đơn lên công an bởi họ đã mất niềm tin. Muốn TTNN hoàn trả lại học phí chưa sử dụng trong thời gian một tháng là đã có sự chia sẻ nhưng không đạt được thỏa thuận.

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI