Trời nóng, dễ nguy kịch vì ngộ độc thức ăn

17/04/2023 - 06:26

PNO - Thời tiết nắng nóng khiến số ca ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa phải nhập viện gia tăng.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó trưởng khoa, Quyền điều hành Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 2 - thông tin, tính riêng ngày 10/4, đơn vị ghi nhận có khoảng 80 bệnh nhi bị nhiễm trùng tiêu hóa đang nằm viện. Con số này chưa đủ để phản ánh hết thực tế, bởi nhiều trường hợp khác, bị rối loạn tiêu hóa mức độ nhẹ khi tới khám đã được điều trị ngoại trú.

Ngày 13/4, Khoa Tiêu hóa của bệnh viện tiếp nhận bé P.X.N. (3 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) bị ngộ độc thực phẩm. Mẹ bé kể, sau khi con ăn bánh cuốn được vài tiếng thì đau bụng và nôn ói dữ dội. Cũng trong ngày, bé N.Đ.T. (5 tuổi) đã nhập viện vì nhiễm trùng đường ruột. Bé T. bị sốt cao, 1 tiếng đi ngoài 4 lần, xét nghiệm máu cho thấy chỉ số nhiễm trùng cao. Cả bé N. và T. đều bị nhiễm trùng đường ruột liên quan tới đồ ăn nhiễm khuẩn. 


 

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy đang khám cho một bệnh nhi bị nhiễm trùng  tiêu hóa - ẢNH: THANH HUYỀN
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy đang khám cho một bệnh nhi bị nhiễm trùng tiêu hóa - Ảnh: Thanh Huyền n

Nguyên nhân chính dẫn tới nhiễm trùng tiêu hóa đó là do siêu vi (vi rút) và do vi trùng. Khi con bị tiêu chảy nhiều lần, phụ huynh nên cho bé uống nhiều nước, không nên tự ý dùng các thuốc cầm tiêu chảy. Tại bệnh viện, bác sĩ phân biệt nhiễm trùng tiêu hóa do vi rút và vi trùng thông qua đặc tính bệnh và các xét nghiệm như xét nghiệm máu và soi cấy phân.

Vài ngày nay, nhiệt độ tại TPHCM có lúc lên tới trên 370C, bác sĩ Thu Thủy lưu ý phụ huynh, thời tiết này đồ ăn dễ bị nhiễm khuẩn nếu không được bảo quản đúng cách, làm gia tăng nguy cơ ngộ độc. Do đó, phụ huynh cần thận trọng lựa chọn nguồn gốc thực phẩm an toàn, hạn chế cho trẻ ăn thức ăn đường phố, đồ ăn cũ hâm lại.

Ngộ độc thực phẩm hay trúng thực là tình trạng người bệnh trúng độc do ăn phải thức ăn và uống nước bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc. Nếu ngộ độc ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể khỏe lại sau vài ngày. Trường hợp nặng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí không điều trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong. 

Triệu chứng thường gặp của ngộ độc thực phẩm là sốt, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Nếu ngộ độc do hóa chất, độc tố thì bệnh nhân sẽ gặp những triệu chứng khá phức tạp. Lúc này, người bệnh có thể bị đau đầu, co giật, chóng mặt, nhịp tim nhanh, trụy mạch, khó thở, tím tái…

Nếu thấy trẻ bị rối loạn tiêu hóa nhẹ, vẫn chơi, ăn uống được, phân không có máu thì có thể theo dõi, chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, khi con khó thở, mệt, tái xanh, li bì, đi tiêu nhiều lần hoặc có máu trong phân, ói dữ dội, sốt cao… thì cha mẹ cần đưa con tới bệnh viện ngay. 

Thúc đẩy bệnh nền chuyển biến nặng

Hiện nay, mỗi tuần Bệnh viện Lê Văn Thịnh tiếp nhận khoảng 30 trường hợp nhập viện liên quan tới rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng tiêu hóa. 2/3 số bệnh nhân này là người cao tuổi, 30% có bệnh lý nền. Qua khảo sát, các bác sĩ ghi nhận họ đều có thói quen ăn thực phẩm để tủ lạnh hâm đi hâm lại. 

Bác sĩ chuyên khoa 2 Đồng Quang Tráng - Trưởng Đơn vị tiêu hóa Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho biết vừa tiếp nhận 1 trường hợp người cao tuổi bị ngộ độc thực phẩm vô cùng nghiêm trọng. Bà cụ N.T.X. (75 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng dọa sốc do mất dịch, nôn ói dữ dội, sốt cao. Bác sĩ ghi nhận bệnh nhân bị nhiễm trùng tiêu hóa (nghi do thực phẩm). Điều đáng lo ngại là cụ bà có nhiều bệnh lý nền: tăng huyết áp, suy thận mạn giai đoạn 3 và đái tháo đường type 2. 

Ngay lập tức, bệnh nhân được tiêm kháng sinh, bù nước và điện giải. May mắn, bà X. đã qua cơn nguy kịch, nhưng thời gian hồi phục lâu gấp 3 lần người bình thường. Bác sĩ Đồng Quang Tráng nhấn mạnh, người cao tuổi chỉ cần một đợt rối loạn tiêu hóa nhẹ cũng dễ làm các bệnh lý nền bùng phát thành cơn cấp tính. Do đó, người cao tuổi cần cẩn trọng khi chọn lựa thực phẩm trong mùa nắng nóng. 

Trâm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI