Trở lại cuộc sống bình thường với thẻ xanh, chứng nhận tiêm chủng

15/09/2021 - 07:16

PNO - Giữa lúc những đợt bùng phát COVID-19 mới xuất hiện ở châu Phi, châu Á và các khu vực có thu nhập thấp khác, những quốc gia phát triển đang tìm cách nối lại hoạt động kinh tế, vào trạng thái “bình thường mới” thông qua sáng kiến “hộ chiếu vắc-xin“, điển hình như chứng chỉ COVID-19 kỹ thuật số của Liên minh châu Âu hay thẻ xanh ở một số quốc gia như Israel, Ý...

Du khách xuất trình chứng chỉ COVID-19 điện tử của họ trước khi vào Đấu trường La Mã cổ đại ở trung tâm thành phố Rome, Ý - ẢNH: AFP
Du khách xuất trình chứng chỉ COVID-19 điện tử của họ trước khi vào Đấu trường La Mã cổ đại ở trung tâm thành phố Rome, Ý - ẢNH: AFP

Nhu cầu về thẻ xanh

Tại Ý, Thẻ xanh là một chứng chỉ kỹ thuật số cho thấy cá nhân đã được tiêm chủng, xét nghiệm âm tính hoặc khỏi bệnh COVID-19. Người giữ Thẻ xanh được phép dùng bữa trong nhà tại các nhà hàng, du lịch đường dài đến nhiều nước trong khối Liên minh châu Âu (EU) và tham gia một loạt các hoạt động văn hóa, giải trí khác. Với sáng kiến Thẻ xanh này, Ý đã có một mùa du lịch khá tốt trong năm nay. Hơn 23 triệu người Ý đã đặt phòng khách sạn và chọn kỳ nghỉ nội địa trong tháng 7 và tháng 8, theo dữ liệu từ Hiệp hội thương mại các doanh nghiệp vừa và nhỏ quốc gia.

François Vincent - người đứng đầu chi nhánh Liên đoàn doanh nghiệp độc lập Canada tại Quebec - cho biết: “Các doanh nghiệp không muốn tiếp tục lệnh giãn cách. Vì vậy hệ thống chứng nhận y tế tuy phức tạp, nó vẫn tốt hơn nhiều so với việc đóng cửa hoàn toàn nền kinh tế”.

Ở Pháp, sau thông báo của chính phủ rằng bằng chứng về việc tiêm chủng, xét nghiệm âm tính hoặc miễn dịch tự nhiên sẽ được yêu cầu tại các nhà hàng, quán cà phê và những nơi khác bắt đầu từ tháng Tám, hàng triệu người dân đã đổ xô đi tiêm chủng. Một tháng sau khi hệ thống này có hiệu lực, các ca nhiễm ở Pháp đã giảm xuống. Một nhà tư vấn sức khỏe cộng đồng nói rằng các biện pháp này “đã cứu sống hàng chục nghìn người”.

Trong khi đó, một số quốc gia như Indonesia và Turkmenistan chọn bắt buộc tiêm phòng vắc-xin cho những người đủ điều kiện. Tại Nga và Mỹ, ngày càng nhiều người sử dụng lao động yêu cầu người lao động phải cung cấp chứng nhận tiêm phòng, dù cho vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Nguy cơ về chứng chỉ giả và bất công xã hội

Hôm 12/9, Bộ trưởng Y tế Vương quốc Anh Sajid Javid nói rằng chính phủ sẽ không tiếp tục kế hoạch cấp hộ chiếu vắc-xin. Ông Javid giải thích: “Có rất nhiều biện pháp phòng thủ chống dịch cần phải duy trì bởi vì đại dịch vẫn đang hoành hành. Chúng ta không nên vội vàng chạy theo các nước khác hoặc chỉ nhìn lợi ích trước mắt”. Khoảng 65% dân số ở Anh đã chủng ngừa đầy đủ. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng ở những người trẻ tuổi thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tiêm chủng ở nhóm người lớn tuổi, và Anh vẫn báo cáo hơn 20.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.

Bên cạnh vấn đề về nguy cơ lây nhiễm, nhiều quốc gia còn đau đầu về sự bùng phát của chứng nhận tiêm chủng giả. Một nghiên cứu được công bố vào tháng Tám bởi Check Point Software Technologies - công ty an ninh mạng có trụ sở tại Mỹ và Israel - cho thấy thị trường chợ đen cung cấp thẻ tiêm chủng COVID-19 giả ngày càng náo nhiệt. Đầu năm 2021, chứng chỉ tiêm chủng giả chủ yếu được bán trên hệ thống “web đen” với giá trung bình 250 USD. Hiện thẻ giả đang được bán thông qua các ứng dụng nhắn tin phổ biến như Telegram và WhatsApp với giá từ 100 - 120 USD, tùy thuộc theo loại chứng chỉ, chẳng hạn như của Mỹ, châu Âu hoặc Nga. Số lượng các nhóm trực tuyến quảng cáo các dịch vụ đã tăng lên gấp bội kể từ đầu năm 2021.

Mặt khác, việc thúc đẩy hoạt động dựa trên thông tin y tế sau đại dịch chủ yếu đến từ các quốc gia phát triển, dưới áp lực về kinh tế. Vấn đề là người dân ở các nước thu nhập thấp, ngay cả khi đã tiêm vắc-xin, cũng khó đáp ứng các tiêu chuẩn tương đối khắt khe để sở hữu một chứng nhận mang tính quốc tế. Kết quả là, chứng chỉ sẽ cho phép những người có đặc quyền của các nước phát triển tiến hành kinh doanh trên toàn cầu một cách tương đối dễ dàng trong khi hạn chế sự di chuyển của những người khác, theo những cách mà về lâu dài sẽ gây tổn hại cho sự phát triển kinh tế, ở những vùng dễ tổn thương nhất. Các yêu cầu  về Chứng chỉ COVID-19 kỹ thuật số đe dọa cô lập những khu vực như châu Phi cận Sahara vì để nhận chứng chỉ, cá nhân phải có kết quả xét nghiệm đáng tin cậy từ một trung tâm y tế đủ mức tín nhiệm, hoặc tiêm loại vắc-xin được chấp nhận rộng rãi trong khối EU.

Hiện tại, hệ thống chứng nhận của EU dựa trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật số khép kín cho phép "chữ ký điện tử" liên kết với xét nghiệm COVID-19 của cá nhân, hoặc mũi tiêm vắc-xin từ hệ thống y tế của các quốc gia thành viên thông qua"cổng kết nối với cơ sở dữ liệu trung tâm của Ủy ban EU. Nhưng có thể mất nhiều năm, những quốc gia nghèo hơn mới đủ sức đáp ứng tiêu chuẩn và cơ sở hạ tầng kỹ thuật này. Joseph Atick - Chủ tịch điều hành của tổ chức phi chính phủ ID4Africa Movement (Mỹ) – giải thích: "Thử thách xoay quanh việc chứng thực một sự kiện lâm sàng. Chẳng hạn như tiêm chủng đúng quy trình hoặc xét nghiệm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế".

Linh La (theo Euro News, Quartz, SCMP, US News)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI