Chu kỳ sốt xuất huyết đang rút ngắn, nguy cơ bùng phát dịch năm 2025

11/07/2025 - 12:54

PNO - Ngày 11/7, Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 32.000 ca mắc sốt xuất huyết và 5 ca tử vong. Thời tiết mưa nhiều, nóng ẩm đang tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển và truyền bệnh.

Bệnh nhi mắc sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 - ảnh: Phạm An
Bệnh nhi mắc sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 - Ảnh: Phạm An

Ông Võ Hải Sơn - Phó cục trưởng Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) nhận định, so với cùng kỳ năm 2024 (ghi nhận 36.276 ca và 6 ca tử vong), số mắc giảm 11,2%, tử vong giảm 1 trường hợp.

Tuy nhiên, ông cảnh báo, hiện nay đang bước vào mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết. Thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện lý tưởng để muỗi truyền bệnh phát triển.

Một số địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao so với cùng kỳ như: Bến Tre (cũ) tăng 346,5%, Tây Ninh (cũ) tăng 274,3%, Long An (cũ) tăng 208,6%, Đồng Nai (cũ) tăng 191,7% và TPHCM (cũ) tăng 151,4%.

“Đáng chú ý là chu kỳ xảy ra các đợt bùng phát dịch đang có xu hướng rút ngắn, trước đây khoảng 5 năm một đợt, nay còn khoảng 3-4 năm. Gần nhất là đợt dịch năm 2022 với hơn 370.000 ca mắc. Vì vậy, nếu các địa phương không triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, nguy cơ bùng phát dịch trong năm 2025 là hoàn toàn có thể xảy ra”.

Bộ Y tế đang theo dõi sát tình hình và đã có văn bản chỉ đạo các tỉnh, thành phố, đặc biệt những nơi có số ca mắc cao, chủ động kiểm soát ổ dịch sớm, không để dịch lan rộng và kéo dài.

Tăng cường tuyên truyền để phòng ngừa "từ sớm, từ xa", Bộ đề nghị các cơ sở, hệ thống y tế chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, thuốc men, hóa chất, thiết bị, dịch truyền, giường bệnh và thực hiện tốt việc phân tuyến điều trị để hạn chế quá tải và giảm tối đa số ca tử vong.

Lãnh đạo Cục phòng bệnh khuyến cáo, người dân chủ động phối hợp để phòng ngừa dịch bệnh. Cụ thể, cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, ngủ mùng kể cả ban ngày, mặc quần áo dài để tránh bị muỗi đốt, sử dụng các biện pháp đuổi muỗi như kem bôi, đèn hoặc vợt điện.

Quan trọng nhất, khi bị sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, không nên tự điều trị tại nhà vì dễ bỏ lỡ thời điểm phát hiện dấu hiệu cảnh báo của bệnh.

Ông kêu gọi các gia đình dành ít nhất 10 phút mỗi tuần để kiểm tra và loại bỏ các ổ lăng quăng trong các vật dụng chứa nước sinh hoạt, thau rửa, loại bỏ các vật liệu phế thải có thể đọng nước, lật úp các dụng cụ không sử dụng… để không tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng, phát triển.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI