Trẻ em chuẩn bị tham gia thử nghiệm vắc-xin ngừa COVID-19

13/10/2020 - 10:57

PNO - Hãng dược phẩm Pfizer mở rộng thử nghiệm vắc-xin COVID-19 giai đoạn cuối cho đối tượng trẻ em từ 12 tuổi, nhằm hiểu rõ hơn về tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin trên nhiều nhóm tuổi.

Công ty Pfizer vừa cho biết, họ nhận được sự cấp phép của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ để đưa trẻ vị thành niên từ 12 – 15 tuổi vào nghiên cứu vắc xin COVID-19 toàn cầu của mình.

Pfizer - có trụ sở tại New York - ban đầu lên kế hoạch cho 30.000 người tham gia thử nghiệm, nhưng vào tháng 9 đã mở rộng con số đó lên 44.000 người.

Mức gia tăng trên nhằm thúc đẩy sự đa dạng dân trong số thử nghiệm, cụ thể là bao gồm cả thanh thiếu niên dưới 16 tuổi, cũng như các bệnh nhân bị nhiễm trùng mãn tính như viêm gan B, viêm gan C và HIV.

Trước đây các thử nghiệm vắc-xin không áp dụng cho trẻ em vì nhóm đối tượng này được bảo vệ bởi luật pháp, cũng như được cho là ít có nguy cơ nhiễm bệnh nặng.
Trước đây các thử nghiệm vắc-xin không áp dụng cho trẻ em vì nhóm đối tượng này được bảo vệ bởi luật pháp, cũng như được cho là ít có nguy cơ nhiễm bệnh nặng

Vắc-xin Pfizer-BioNTech là một trong những ứng cử viên hàng đầu của cuộc đua trở thành loại vắc-xin COVID-19 đầu tiên được chấp thuận theo quy định ở Mỹ và châu Âu.

Nếu thỏa mãn quy trình kiểm định, công ty dự kiến ​​sẽ sản xuất 100 triệu liều vào cuối năm 2020 và có khả năng là 1,3 tỷ liều vào cuối năm 2021.

Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi đầu tháng 10 cho biết vắc-xin chống lại COVID-19 có thể sẵn sàng vào cuối năm 2020.

Hiện có 9 loại vắc-xin đang thử nghiệm giai đoạn cuối nằm trong chương trình vắc-xin toàn cầu COVAX do WHO đề xướng, với mục tiêu phân phối 2 tỷ liều vào cuối năm 2021.

Hơn 180 quốc gia cũng đã cam kết tham gia vào nỗ lực của WHO để tài trợ cho vắc-xin COVID-19, dự kiến được phân phối công bằng cho cả nước giàu và nước nghèo.

Tuy nhiên, quá trình tìm kiếm vắc-xin giúp ngăn chặn đại dịch cũng có một số trở ngại. Mới đây, nghiên cứu vắc-xin COVID-19 của hãng Johnson & Johnson đã bị tạm dừng do một người tham gia nghiên cứu mắc bệnh không rõ nguyên nhân.

Một tài liệu gửi cho các nhà nghiên cứu đang điều hành thử nghiệm lâm sàng trên 60.000 đối tượng nói rằng “quy tắc tạm dừng” đã được áp dụng trong nghiên cứu giai đoạn 3, vốn bắt đầu vào ngày 23/9.

Theo đó, hệ thống trực tuyến dùng ghi danh bệnh nhân vào nghiên cứu phải tạm đóng cửa, đồng thời công ty  triệu tập gấp ban giám sát về dữ liệu và an toàn.

Một phụ nữ được tiêm vắc-xin của Johnson & Johnson trong thử nghiệm Giai đoạn 3.
Một phụ nữ được tiêm vắc-xin của Johnson & Johnson trong thử nghiệm Giai đoạn 3

Johnson & Johnson xác nhận thông tin trên với Stat News, nói rằng đó là do “một người tham gia nghiên cứu bị bệnh không rõ nguyên nhân”. Công ty từ chối cung cấp thêm chi tiết và trích dẫn quyền riêng tư của bệnh nhân.

Trong một tuyên bố, công ty cho biết: “Chúng tôi phải tôn trọng quyền riêng tư của người tham gia. Chúng tôi cũng đang tìm hiểu thêm về bệnh của trường hợp này và điều quan trọng là thu thập tất cả các dữ kiện trước khi chia sẻ thông tin bổ sung”.

Đây là nghiên cứu vắc xin thứ hai bị tạm dừng. Vào ngày 8/9, một nghiên cứu lớn do AstraZeneca và Đại học Oxford thực hiện cũng bị đình chỉ vì một bệnh nhân ở Vương quốc Anh biểu hiện phản ứng có hại.

Thông tin ban đầu cho rằng bệnh nhân có vấn đề về tủy sống. Các nghiên cứu ở Vương quốc Anh được tiếp tục khoảng một tuần sau đó, nhưng dự án vẫn đang bị trì hoãn ở Mỹ.

Tấn Vĩ (theo CNA, AP, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI