Bệnh nhân rối loạn tâm thần tăng vì giãn cách

13/08/2021 - 07:38

PNO - COVID-19 đã và đang ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống. Ở Hà Nội, từ đợt bùng phát dịch thứ tư đến nay (đặc biệt là những ngày thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ), lượng bệnh nhân/người cần tư vấn thuộc đủ mọi lứa tuổi tìm đến các bệnh viện tâm thần, các khoa thần kinh, chuyên gia tâm lý ngày càng tăng.

Các chuyên gia đều chung một lời khuyên: Trong bối cảnh COVID-19 phức tạp như hiện nay, ngoài ăn uống lành mạnh, lựa chọn thông tin, vận động cơ thể, mỗi người còn cần thay đổi để thích nghi với “trạng thái mới” nhằm có đủ sức khỏe thể chất và tinh thần vượt qua đại dịch.

Không trực tiếp nhưng COVID-19 là nguyên nhân chính

Mấy tháng nay, ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cũng như Khoa Tâm thần của các bệnh viện lớn tại Hà Nội đều gia tăng số bệnh nhân đến khám và điều trị những vấn đề về sức khỏe tâm thần (mất ngủ, lo lắng, stress kéo dài, trầm cảm…); trong đó có những bệnh nhân ở các vùng dịch tễ, thậm chí phát bệnh khi đang ở khu cách ly tập trung.

Bệnh nhân Trần Trung H. là trưởng phòng kinh doanh của một công ty. Để phòng, chống dịch bệnh, phòng kinh doanh của anh cùng một số bộ phận khác đều làm việc tại nhà. Thời gian đó, gần nhà anh H. lại có ca nhiễm. Áp lực doanh số của cả phòng, nỗi lo lắng về nguy cơ lây nhiễm cộng thêm việc hai đứa con tuổi tiểu học cùng ở nhà đã khiến tâm lý, tinh thần anh H. rơi vào chiều hướng xấu. Anh cáu gắt, gây sự với các thành viên trong gia đình. Bản thân anh phải đối mặt với các vấn đề về huyết áp (tim đập nhanh, chóng mặt, hoa mắt, chân tay run…).

Nhiều ngày sau khi đi khám tim mạch và uống thuốc huyết áp mà vẫn không đỡ, lo lắng và mất ngủ cũng gia tăng, anh H. đã phải tìm đến bác sĩ tâm thần. Bác sĩ cho biết anh mắc chứng rối loạn thích ứng với phản ứng lo âu.

Một số trường hợp có dấu hiệu rối loạn tâm thần đến khám tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội
Một số trường hợp có dấu hiệu rối loạn tâm thần đến khám tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội

Một trường hợp khác là bệnh nhân nữ, vốn là trưởng nhóm trình dược viên, tháo vát, nhanh nhẹn. Chị được người nhà đưa đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần với nhiều triệu chứng trầm cảm: dễ nổi nóng, cáu gắt với những người xung quanh; mất tập trung, không còn động lực nào trong cuộc sống; cơ thể mệt mỏi, thường xuyên buồn bực.

Hóa ra từ đầu năm 2020 đến nay dịch bệnh liên tục, công việc của chị nói riêng và cả nhóm sa sút dần, doanh thu xuống thấp, mọi kế hoạch phát triển đều thất bại. Từ bế tắc, chán nản trong công việc dẫn đến trạng thái chán nản, thất vọng về bản thân; chị cũng được chẩn đoán rối loạn thích ứng với phản ứng lo âu.

Không chỉ lượng bệnh nhân đến thăm khám và điều trị ở các bệnh viện gia tăng, các chuyên gia tâm lý cũng liên tục nhận được những cuộc gọi, tin nhắn cầu cứu. “Ức chế”, “không thể chịu nổi”, “phát điên”… là những cụm từ mà các chuyên gia tâm lý thường nghe nhất, đặc biệt là trong những ngày giãn cách xã hội để phòng dịch.

Sau mấy tháng con lớn nghỉ hè sớm và sau mười ngày Hà Nội giãn cách, chị Trần Bảo C. tìm sự trợ giúp từ chuyên gia tâm lý với lời than: “Tôi sắp phát điên vì hai đứa con. Chúng cách nhau đến chín tuổi mà vẫn đánh nhau và gào thét cả ngày. Một đứa khủng hoảng tuổi dậy thì, một đứa khủng hoảng tuổi lên ba…”.

Một ông bố khác có con gái hơn hai tuổi và con trai gần một tuổi thì thốt lên đầy bi hài: “Những ngày giãn cách, muốn cắm và ngắm một nhành hoa cho thư thái mà sao khó quá. Giờ tôi tự thấy mình miễn nhiễm với tiếng khóc, tiếng hét, sự bừa bộn; không còn phân biệt mùi thơm hay mùi amoniac; bơ đi cả tiếng đập cửa thùm thụp trong lúc làm việc…”.

Rèn luyện sức khỏe, chủ động thay đổi bản thân

Trước thực tế ngày càng nhiều người liên hệ nhờ tư vấn, tiến sĩ Trương Quang Lâm (giảng viên Khoa Tâm lý, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) đã chia sẻ trực tuyến miễn phí với các phụ huynh hai chủ đề: Kiến thức để gia tăng cảm nhận hạnh phúc trong bối cảnh hiện nay và Làm cha mẹ trong mùa dịch.

Cả hai chủ đề đều được rất đông phụ huynh đăng ký tham gia. Tiến sĩ Trương Quang Lâm nhận định: “Trong bối cảnh dịch bệnh, đặc biệt là ở những nơi giãn cách xã hội để phòng tránh COVID-19, bí bách và tù túng là trạng thái hầu hết mọi người đều phải đối mặt. Tuy nhiên, khổ nhất là trẻ nhỏ. Do đó, người lớn phải thay đổi bản thân để có thể thích nghi, cân bằng được cho chính mình cũng như cho trẻ”.

Theo phó giáo sư - tiến sĩ Tô Thanh Phương, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, COVID-19 làm ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần của tất cả mọi người. Do đó, mọi người nên đi khám ngay khi có một số biểu hiện như: khó ngủ, ngủ không sâu, hay thức giấc, thường gặp ác mộng, ngủ dậy vẫn thấy mệt mỏi, cơ thể như mất hết năng lượng, không có động lực làm bất cứ việc gì; bỗng dưng dễ cáu gắt, nóng giận, không kiểm soát được cảm xúc... COVID-19 chưa biết bao giờ mới kết thúc, nếu bản thân không tìm cách thích nghi sẽ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, mắc các bệnh lý tâm thần.

Giáo sư - bác sĩ Cao Tiến Đức - Chủ nhiệm bộ môn tâm thần và tâm lý y học Bệnh viện 103 - Học viện Quân y - đánh giá COVID-19 là một sang chấn nghiêm trọng tác động đến tâm lý con người, làm con người dễ mắc các rối loạn về tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn stress... Ông cùng các cộng sự đã có những nghiên cứu tại các khu cách ly, các đối tượng cách ly, những người phục vụ, người dân trong cộng đồng bị phong tỏa…

Nghiên cứu cho thấy phản ứng tâm lý của tất cả đều rất mạnh. Đặc biệt người già, phụ nữ, trẻ em, người có trình độ học vấn thấp là những đối tượng dễ bị tác động tâm lý, dễ mắc các rối loạn về tâm thần. Trong đại dịch, có nhiều yếu tố tác động làm cho các chứng bệnh tâm thần gia tăng và trở nên nghiêm trọng - gây tổn thương não ở những bệnh nhân mắc COVID-19; gây lo âu, sợ hãi, căng thẳng ở cả bệnh nhân mắc COVID-19 cũng như trong cộng đồng.

Với cộng đồng, đó là tâm lý nơm nớp lo lắng, sợ hãi việc mình có thể mắc bệnh. Với người cao tuổi, mắc bệnh nền, đó còn là nỗi sợ hãi về nguy cơ tử vong nếu không may mắc bệnh. Với người thân trong gia đình có bệnh nhân mắc COVID-19, tử vong vì COVID-19 hay với những đứa trẻ phải đi cách ly mà không có bố mẹ… đó còn là những chấn thương tâm lý nghiêm trọng.

Trong nghiên cứu của giáo sư - tiến sĩ Cao Tiến Đức và các cộng sự, các rối loạn về tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn stress... còn đến từ việc giãn cách xã hội. Giãn cách xã hội làm ảnh hưởng tới kinh tế của mọi người, mọi gia đình, mọi ngành nghề; người trưởng thành còn bị nỗi lo cơm áo đè nặng. Giãn cách xã hội cũng đồng nghĩa mọi tiếp xúc chỉ gói gọn trong gia đình hoặc trong những phòng trọ chật hẹp khiến nảy sinh những khó chịu, bức bối; rồi căng thẳng, u uất kéo dài cũng là nguyên nhân của việc gia tăng lo âu, trầm cảm và mất ngủ.

Giáo sư - tiến sĩ Cao Tiến Đức khuyến cáo, COVID-19 sẽ khiến con người có những tổn thất về cả sức khỏe và tinh thần. Tuy nhiên, chúng ta không nên quá lo lắng mà cần tuân thủ các quy tắc phòng, chống dịch để tự bảo vệ bản thân cũng như bảo vệ cộng đồng. Đồng thời, mỗi người cần tập thể dục, ăn uống lành mạnh, tăng những hoạt động có ích, lựa chọn xem những thông tin tích cực… để có tinh thần tốt, giúp tăng sức đề kháng với 
bệnh tật. 

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI