Trăn trở của những lao động xa nhà

27/06/2015 - 20:23

PNO - PN - Ngày 27/6, tại Cung văn hóa Lao động TP.HCM, Trung tâm Phát triển và hội nhập (CDI) và quỹ Châu Á (TAP) tổ chức buổi tọa đàm “Chuyện người lao động di cư” và trao giải cuộc thi “Ảnh và cuộc sống của người lao động di cư”.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tại buổi tọa đàm nhiều lao động đã bày tỏ những khó khăn, trăn trở.

Anh Phan Đức Gia Định - công nhân Cty QuaTest 3, KCN Biên Hòa 1, tỉnh Đồng Nai - nói: "Áp lực miếng cơm manh áo quá nặng khiến người lao động không có thời gian nghỉ ngơi, giải trí, không có nơi để vui chơi giải trí nên khi có thời gian nghỉ, công nhân chỉ loanh quanh quán cà phê, quán nhậu".

Anh Định cho rằng thời gian nghỉ hàng năm như lễ, tết của người lao động chưa đáp ứng đủ nhu cầu và hợp lý. Ví dụ, con công nhân thường được nghỉ vào dịp hè nhưng thời điểm này bố mẹ hầu như không có ngày nghỉ lễ nào cả nên rất khó đưa con đi chơi, tham quan.

Tran tro cua nhung lao dong xa nha

Triển lãm ảnh về đời sống của người lao động di cư

Ngoài ra, thực tế hiện nay, nhiều lao động tại công ty anh và khu trọ đều than vì giá tiền điện tăng, bình quân mỗi phòng một tháng tăng từ 300-400 ngàn đồng, trong khi lương tối thiểu hàng năm điều chỉnh rất ít không đủ để bù đắp…

Còn anh Đỗ Văn Hùng - công nhân Cty xây dựng số 7, tỉnh Đồng Nai - chia sẻ rằng thu nhập của công nhân hiện nay quá thấp, lương cơ bản chỉ khoảng 3,1 triệu đồng vừa bằng lương tối thiểu vùng, đóng các khoản BHXH, BHYT, BH thất nghiệp thì chỉ còn lại hơn 2 triệu. Trong khi đó tiền nhà trọ, tiền xăng, tiền điện… liên tục tăng giá khiến công nhân chỉ còn con đường duy nhất là tăng ca mới đảm bảo cuộc sống.

Nhưng nếu cả hai vợ chồng cùng tăng ca thì con cái gửi nhà trẻ đến giờ không có người đón. Chính vì thế anh Hùng phải thuê thêm người đón con mỗi buổi. Ngoài ra hiện nay còn có tình trạng nhiều doanh nghiệp rút ngắn thời gian ký HĐLĐ của người lao động lại bớt, gây bất lợi cho công nhân.

Một nữ lao động tự do buôn bán bên ngoài cho biết cuộc sống vốn khó khăn, không có trình độ, không thể làm công nhân nên chị phải hành nghề buôn bán ngoài đường. Thế nhưng, ở đâu người lao động bị bắt bí đủ đường. Thu nhập đã thấp, không ổn định chị còn bị thường xuyên bị bắt phạt vô lý, bị tịch thu phương tiện hành nghề…

Tiền nhà trọ thì một năm tăng hai lần, mỗi lần mấy trăm ngàn khiến người lao động khổ trăm bề.

Trước những băn khoăn của NLĐ, TS Đặng Quang Điều - Trưởng ban chính sách pháp luật - Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng: "Trường hợp doanh nghiệp tại Đồng Nai cố tình ép người lao động ký ngắn thời hạn của HĐLĐ là vi phạm pháp luật, bởi theo quy định của pháp luật lao động chỉ khi nào hết HĐLĐ, doanh nghiệp mới có quyền thương lượng lại với người lao động để ký tiếp hợp đồng mới.

Trường hợp này ông Điều đề nghị người lao động nên kiến nghị với công đoàn cơ sở (CĐCS) để được bảo vệ, nếu doanh nghiệp không có CĐCS thì yêu cầu CĐ cấp trên.

Ông Điều cũng rất đồng cảm về những khó khăn như chia sẻ của người lao động. Qua khảo sát của tổ chức CĐ nhiều nơi công nhân còn không có TV để xem, báo chí để đọc, vì thế tổ chức CĐ nhiều nơi cũng đang rất nỗ lực đưa các sản phẩm văn hóa này để công nhân có thể tiếp cận. "Tổ chức CĐ sẽ luôn đồng hành cùng với công nhân" - Ông Điều nói.

Cùng ngày, triển lãm ảnh chủ đề Lao động xa nhà: “Cuộc sống của tôi - Câu chuyện của tôi” đã diễn ra. Triển lãm trưng bày các bức ảnh chọn lọc trong số 540 bức ảnh tham dự cuộc thi Ảnh và cuộc sống của người lao động di cư. Các bức ảnh đã phản ánh về chính cuộc sống hoặc phát hiện của chính tác giả và những vấn đề khó khăn của người lao động xa nhà trên mọi miền đất nước.

Mục đích của triển lãm là góp phần kết nối người lao động di cư với công chúng và các nhà hoạch định chính sách.

QUỲNH MAI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI