TPHCM: Trung bình mỗi tuần có 100 đứa trẻ ra đời tại một công ty

22/05/2020 - 19:23

PNO - Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam và công đoàn trợ cấp thai sản bình quân 3 tỷ đồng/tuần cho ngần ấy ca sinh.

Chiều 22/5, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM tiếp tục thực hiện giám sát chuyên đề tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TPHCM).

Đơn vị cho biết, dù chỉ mới phục hồi được hơn 80% sau dịch COVID-19, nhưng số lao động thực tế tại thời điểm này đã là 61.733 người, trong đó hơn 50.600 lao động nữ, chiếm 82%.

Buổi giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM tại Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam. Ảnh: Quốc Ngọc
Buổi giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM tại Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam - Ảnh: Quốc Ngọc

Bình quân mỗi tháng, công ty đóng từ 140-150 tỷ đồng để tham gia đầy đủ các chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Mỗi tuần, có khoảng 2.600 lượt người lao động được chi các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, với số tiền gần 5 tỷ đồng.

Riêng thai sản, hàng tuần có khoảng 100 nữ công nhân của đơn vị này sinh con. Công ty và công đoàn trợ cấp chế độ thai sản bình quân 3 tỷ đồng/tuần cho ngần ấy ca sinh.

Thế nhưng việc chi trả chế độ ngắn hạn hiện vẫn còn dựa trên chứng từ giấy nên vẫn phải kiểm tra, duyệt và lưu trữ hồ sơ.

Công ty đề nghị nếu có thể chuyển dữ liệu từ cổng thông tin điện tử y tế, bao gồm số ngày nằm viện hoặc số ngày bác sĩ đề nghị nghỉ hưởng BHXH, về đơn vị để kết hợp rà soát chấm công xác nhận.

Sau đó, chuyển lại cho cơ quan BHXH duyệt chi thay cho chứng từ giấy thì sẽ càng tiện lợi, nhanh chóng và phù hợp chủ trương cải cách theo hướng Chính phủ điện tử.

Dù tình hình dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng rất nhiều đến lượng đơn đặt hàng, nhưng để bảo đảm cho đời sống người lao động, từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 5, công ty phải thông báo sắp xếp lao động luân phiên nghỉ ngừng việc. Thời gian nghỉ theo thỏa thuận được hưởng mức lương tối thiểu vùng là 4.420.000 đồng.

Trong kiến nghị, công ty trình bày trăn trở về việc xác định công việc nặng nhọc độc hại (NNĐH) trong ngành da giày của mình. Theo đó, hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành nhiều danh mục nghề NNĐH, nhưng lại rất ít mục thuộc da giày.

Thậm chí, có những công việc tương đương trong ngành may mặc được xác định là NNĐH nhưng sang đến ngành da giày thì chưa được công nhận.

Công ty kiến nghị Bộ chủ trì khảo sát và ban hành danh mục công việc NNĐH trong ngành da giày để không ảnh hưởng đến quyền lợi công nhân của ngành.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI